Đó là cái tên gọi đầy ẩn dụ phòng tranh của nhóm các họa sĩ quê Hải Phòng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, khai mạc chiều 1-8). Triển lãm là sự bày tỏ kín đáo và chân thành những ước vọng về nghệ thuật của các họa sĩ đất cảng đang sống ở quê nhà hay ở Hà Nội, Sài Gòn.
Hai mươi mốt tác phẩm hội họa và điêu khắc của 21 tác giả – vừa đủ cho một phòng triển lãm không quá “ngợp” tác phẩm, nhưng vẫn thu hút được người thưởng ngoạn. Bởi mỗi người một phong cách và với chất liệu tạo hình khác nhau nhưng vẫn chung một “tiếng lòng”. Theo một thành viên của nhóm, các họa sĩ Hải Phòng đặt tất cả sự đam mê nghệ thuật vào tác phẩm của mình ở triển lãm này với mong muốn duy nhất: dâng hiến cho nhau, dâng hiến cho người xem niềm đam mê ấy.
Các họa sĩ, có người đã thành danh, có người đang khởi đầu hành trình nghệ thuật đầy chông gai nhưng tác phẩm của họ nhìn chung đều cho thấy sự chắc tay về mặt kỹ thuật bên cạnh sự ấm áp của cảm xúc được thể hiện. Bên cạnh những bức tranh mang phong cách hiện đại như Đêm (Đinh Quân), Miền hoang (Trần Long), Quá khứ, hiện tại và tương lai (Trịnh Quốc Chiến), Nắng Tam Bạc (Ngô Huy), Alô (Trần Vinh), Tài tử giai nhân (Bùi Trọng Vinh), Cơn mưa vàng (Trần Tuấn), Tan chảy (Phạm Minh Đức), Nắng chiều (Phan Quang Tuấn)… là những tranh hiện thực như Thiếu nữ (Nguyễn Hà), Dừng lại (Nguyễn Ngọc Dân), Phong cảnh Đà Lạt (Đặng Tiến), Nắng xuân (Vũ Thụy), Đầu lòng (Nguyễn Đình Hợp)… Bốn tác phẩm điêu khắc cũng gây được ấn tượng nhờ cách tạo hình – đó là Ngóng chờ (Đào Song Thắng), Cung 02 (Lập Phương), Kẻ hai mặt (Bùi Viết Đoàn) và Con chim (Nguyễn Viết Thắng).
Một điều khá đặc biệt ở triển lãm này là hầu hết tác phẩm hội họa đều có khổ lớn, nhiều bức được vẽ với những nhát cọ phóng khoáng, mạnh mẽ. Phải chăng đó là điểm chung – một sự “vô thức” nơi những họa sĩ được sinh ra ở vùng biển “ăn sóng nói gió”? Đó cũng là điểm đã tạo nên “hồn vía” cho phòng tranh. Nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn: “Họ là bạn vong niên, đồng niên của nhau vì nặng tình mà nên nghĩa dài lâu đồng hương, đồng nghiệp. Cử chỉ đẹp đẽ của họ, cứ lưu luyến ở đâu kia, với bất kỳ ai trong chúng ta, cái tiếng lòng miên viễn của nghệ thuật”.
Đây là lần thứ hai các họa sĩ Hải Phòng cùng nhau bày tranh. Lần thứ nhất diễn ra ở đất cảng cách đây hai năm và đã gây được sự chú ý đáng kể của dư luận trong và ngoài giới mỹ thuật mà theo lời họa sĩ Trần Vinh: “Chưa một triển lãm nào ở Hải Phòng năm ấy lại thu hút được sự quan tâm của nhiều người đến vậy. Có những họa sĩ không phải quê Hải Phòng cũng từ Hà Nội, Sài Gòn đến để chung vui. Đây là ý tưởng chung của một nhóm họa sĩ đang sống ở Hải Phòng, thế nhưng đã được hầu hết các họa sĩ quê quán Hải Phòng đang sinh sống ở các thành phố khác hưởng ứng nhiệt tình. Chúng tôi dự định duy trì hoạt động này theo định kỳ 2-3 năm/lần. Đó cũng là lý do để chúng tôi lấy tiêu đề “Hôm nay và mãi mãi” đặt cho triển lãm của mình”.
- Diễm Anh