Hãy tạm quên đi các khuynh hướng cũng như những bộ sưu tập mới nhất do các nhà tạo mẫu danh tiếng trong thế giới thời trang thiết kế, để tập trung quan sát xu hướng thời trang đang được chú ý hiện nay: sự kết hợp giữa nhà tạo mẫu và các họa sĩ có cá tính độc đáo.
Năm này sang năm khác, các khuynh hướng thời trang đến rồi đi; mỗi mùa thời trang đến, người ta lại được nghe những cụm từ như: “Những năm 20 (của thế kỷ trước) trở lại”, “Tím là màu đen mới”, “Áo choàng đã chết, veston sống mãi!”… Năm nay, nhiều nhà tạo mẫu thời trang đã thôi lấy cảm hứng thiết kế từ chi tiết, màu sắc cũng như kiểu may y phục, thay vào đó họ liên kết với các họa sĩ được coi là thú vị nhất trong làng mỹ thuật đương đại để cùng cho ra đời những bộ sưu tập thời trang mới thật đặc sắc.
Làm tươi mới ngôn ngữ thời trang
Để có bộ sưu tập túi xách và áo thun ngắn tay (T-shirt) Thu-Đông 2012 cho thương hiệu thời trang Marni (Ý), nhà tạo mẫu Consuelo Castiglioni đã kết hợp công việc với họa sĩ Mỹ Brian Rea, người từng là giám đốc mỹ thuật cho báo New York Times, chuyên vẽ minh họa sách, báo, tạp chí… “Đồ họa của Brian Rea mô tả các trạng thái bất thường của cuộc sống đô thị; chúng thật hoàn hảo đối với bộ sưu tập của Marni, đồng thời đem đến một cảm giác đặc biệt cho người sống ở các thành phố lớn” – bà Consuelo Castiglioni cho biết. Những hình vẽ ngộ nghĩnh, khơi gợi những ký ức thời thơ ấu của họa sĩ Brian Rea được kỳ vọng sẽ mang đến sự tươi mới cho ngôn ngữ thời trang của Marni vốn đã đạt được doanh số lên đến 100 triệu USD những năm gần đây.
Dành sự ái mộ cao nhất cho họa sĩ trừu tượng người Mỹ Robert Rauschenberg, bà Castiglioni cũng đã liên kết với họa sĩ Hà Lan Rop van Mierlo chuyên về đồ họa và hoạt hình để cùng ông thiết kế trang phục nam giới cho Xuân-Hè 2013, bởi bà đặc biệt yêu thích loạt tranh “Thú hoang dã” của họa sĩ và đã “tìm thấy trong quá trình hợp tác những ý tưởng và tầm nhìn mới lạ cũng như bị lây nhiễm sự thú vị từ họa sĩ. Điều đó có thể có tác động tương tự đối với các khách hàng của Marni”.
Sự hợp tác cần thiết, đôi bên cùng có lợi
Nhà thiết kế Consuelo Castiglioni không phải là người duy nhất có được sự lạc quan về phản ứng của khách hàng đối với xu hướng liên kết mới mẻ này. Thương hiệu thời trang lừng danh Louis Vuitton cũng đang đẩy mạnh sự hợp tác với nữ họa sĩ Nhật Bản Yayoi Kusama để thực hiện các bộ trang phục, giày và túi xách có tên “điệu nhảy polka” đầy những đốm tròn lung linh màu sắc của pop art. Từng phải điều trị nhiều năm trong một bệnh viện tâm thần, bà Yayoi Kusama là một tên tuổi lừng lẫy của ngành công nghiệp nghệ thuật Nhật với các tác phẩm ý niệm giàu sức tưởng tượng. Sau Bảo tàng Tate Modern ở London, triển lãm cá nhân của Yayoi Kusama đang tiếp tục diễn ra tại Bảo tàng Whitney ở New York, cho thấy tài năng của bà được đánh giá rất cao.
Trong khi đó, thương hiệu thời trang lâu đời của Tây Ban Nha là Loewe đã liên kết với họa sĩ bản địa Antonio Balester Moreno để tung ra bộ sưu tập khăn quàng cổ flamenco đầy màu sắc cho mùa xuân 2012. Sinh năm 1977, Morelo theo học hội họa tại Berlin và Madrid, vài năm gần đây ông quan tâm đến những hình vẽ trên các đồ thủ công truyền thống của Tây Ban Nha và đưa chúng vào tranh với ngôn ngữ hội họa của trẻ thơ. Khăn quàng cổ của Loewe với tranh của Morelo là một khám phá mới đầy sức sống của ngành công nghiệp thời trang xứ sở bò tót. Còn nhãn hàng Coach của Mỹ – chuyên thiết kế và sản xuất túi xách và phụ kiện cao cấp – thì đưa những nhát cọ khổ lớn và mãnh liệt từ tranh của họa sĩ người Anh James Nares vào túi xách đi chợ của các bà, các cô.
Mới đây nhất, thương hiệu Lacoste L!VE đã tung ra một bộ sưu tập trang phục nam và nữ với màu sắc và hình ảnh của họa sĩ người Mỹ chuyên vẽ minh họa Micah Lindberg. Còn nhà tạo mẫu độc lập và thời danh Roksanda Illincic, tác giả của các trang phục được bán ở 36 quốc gia cho biết cô đã chọn tranh của họa sĩ Mỹ lão thành Ellsworth Kelly cho bộ sưu tập thời trang mới của cô trong năm 2013.
Thời trang và mỹ thuật từ lâu rồi không có khoảng cách; nhiều họa sĩ nổi tiếng đã từng thử sức trong lĩnh vực thời trang, ngược lại có nhiều nhà tạo mẫu vẽ tranh và rất thành công. Ở Việt Nam, thời kỳ kinh tế khó khăn nhiều họa sĩ đã từng vẽ áo dài kiếm sống, và khi họa sĩ – nhà thiết kế Sĩ Hoàng đưa các họa tiết thổ cẩm lên tà áo dài, có lẽ anh đã khởi đầu cho hàng loạt ứng dụng mỹ thuật trong ngành thời trang còn non trẻ ở nước ta. Mới nhất là các mảng tranh sơn mài của họa sĩ Võ Xuân Huy đã được vài nhà tạo mẫu trẻ đưa lên tà áo dài trong cuộc trình diễn trang phục truyền thống này tại Festival Huế 2012. Tuy nhiên, một sự kết hợp có chủ đích và hướng tới thị trường, hướng tới nhu cầu của khách hàng giữa các đơn vị thiết kế thời trang và các họa sĩ thì chưa thật sự xảy ra.
Sự kết hợp đó, đối với nhà thiết kế Consuelo Castiglioni còn có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều: “Theo tôi nghĩ, cả thời trang và mỹ thuật đều biểu đạt hệ tư tưởng của thời đại”.