Cả đất nước Trung Quốc đã bị giáo dục sai sự thật rằng chính người Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên các hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Biển Đông là nơi những tham vọng của Trung Quốc gây lo lắng cho nhiều quốc gia của châu Á. Tại vùng biển này, Trung Quốc đã từ bỏ vẻ bề ngoài “trỗi dậy hòa bình” để theo đuổi chính sách ngoại giao pháo hạm. Các tàu có vũ trang của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đã đâm húc các tàu Việt Nam, phong tỏa các vị trí tiền đồn của Philippines, quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia và đe dọa các tàu bảo vệ ngư trường của Indonesia.
Gốc rễ của mọi rắc rối này là cái mà Bắc Kinh gọi là “tuyên bố chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi được” đối với 80% Biển Đông: từ cảng Hongkong cho tới gần bờ biển Borneo, cách đó đến 1.500km. Tuyên bố này không có bằng chứng đáng tin cậy để hỗ trợ.
Vậy mà những chi tiết lịch sử hư cấu này đe dọa hòa bình và an ninh châu Á và đem lại một vũ đài cho cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, với những hệ lụy tác động đến toàn cầu. Dường như khó có thể tin được rằng gốc rễ của cuộc đối đầu có thể dữ dội tiềm tàng này lại là tranh cãi về những mảnh đất mà hầu như không thể cư ngụ được.
Có hai nhóm “đảo” chính trên Biển Đông (chỉ có một số rất ít là đảo thực sự, đại đa số chỉ là các rặng san hô, bãi cạn và bãi đá). Ở phía Bắc, Trung Quốc và Việt Nam đang tranh chấp quần đảo Hoàng Sa mà họ đã cưỡng chiếm năm 1974.
Còn ở phía Nam, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa có diện tích rộng lớn hơn. Hầu hết các hòn đảo hoang vắng này đều có tên tiếng Anh, thường được đặt bởi các tàu và thủy thủ đã vẽ chúng lên bản đồ.
Ví dụ, đảo Trường Sa được phát hiện bởi một thuyền trưởng tàu săn cá voi tên là Richard Spratly vào năm 1843, còn Đá Khúc Giác (Iroquois Reef) được tàu HMS Iroquois phát hiện trong một chuyến khảo sát vào những năm 1920, và còn nhiều nữa.
Khi một ủy ban thuộc chính quyền Trung Quốc lần đầu tiên đặt tên tiếng Trung cho các hòn đảo này vào năm 1935, tất cả những gì họ làm là dịch tên hoặc phiên âm từ các tên tiếng Anh có sẵn. Ví dụ, với quần đảo Hoàng Sa, Đá Hải Sâm (Antelope Reef) được dịch là Linh Dương Tiêu (Linh Dương là từ Antelope được dịch ra tiếng Trung).
Với quần đảo Trường Sa, đá North Danger trở thành Beixian (Bắc Hiểm, tiếng Trung nghĩa là “mối nguy hiểm ở phía Bắc”), Đảo Trường Sa (Spratly Island) trở thành Si-ba-la-tuo (phiên âm từ tên tiếng Anh sang tiếng Trung). Ủy ban của Trung Quốc chỉ đơn thuần sao chép lại bản đồ của Anh, thậm chí cả những lỗi sai. Những cái tên sau đó được chỉnh sửa lại hai lần.
Bãi cạn Scarborough, được đặt theo tên một con tàu của Anh vào năm 1748, ban đầu được phiên âm là Si ge ba luo vào năm 1935, sau đó được chính quyền Trung Hoa Dân Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đổi thành Min’zhu Jiao – Đá Dân chủ vào năm 1947, và rồi được chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo chủ nghĩa cộng sản đặt một cái tên khác ít nhạy cảm về chính trị hơn là Hoàng Nham (tức “bãi đá vàng”) vào năm 1983 (LTS: Trong khi tên Hoàng Sa do Việt Nam đặt đã có từ thời vua Gia Long, triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX).
Ngày nay, chính quyền Trung Quốc có vẻ như hoàn toàn không biết đến những điều này và lời biện hộ chuẩn mực cho chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc thường bắt đầu bằng câu “họ là những người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho các hòn đảo Nam Sa”. Trên thực tế, “người Trung Quốc” chỉ sao chép lại những tên đảo do người Anh đặt. Ngay cả cụm từ “Nam Sa” (tức “bãi cát phía nam”) cũng không nằm cố định trên bản đồ của người Trung Quốc.
Năm 1935, cái tên này được dùng để chỉ khu vực biển nông có tên tiếng Anh là “Bãi Macclesfield” (cũng được đặt theo tên của một con tàu Anh, giờ Trung Quốc gọi là Trung Sa). Vào năm 1947, cái tên Nam Sa lại bị dời xuống phía Nam trên bản đồ Trung Quốc để chỉ quần đảo Trường Sa.
Một cuộc kiểm tra đầy đủ từng chứng cứ do Trung Quốc đưa ra sẽ phải mất rất nhiều trang giấy, nhưng hoàn toàn có thể cho rằng vẫn chưa có bằng chứng khảo cổ nào cho thấy những con tàu Trung Quốc đã có thể đi được xuyên biển từ trước thế kỷ thứ X. Cho đến thời điểm đó, chỉ có các con tàu của người Malaysia, người Ấn Độ và người Arab tiến hành giao thương và khai phá biển.
Những con tàu đó, có thể vào một số dịp, có chuyên chở những hành khách Trung Hoa. Những chuyến du hành được đề cập nhiều của “các đô đốc thái giám” trong đó có Trịnh Hòa, chỉ kéo dài khoảng 30 năm, cho đến những năm 1430. Sau thời điểm đó, mặc dù những thương nhân và ngư dân vẫn đi lại trên biển, nhà nước Trung Hoa không bao giờ viếng thăm các vùng biển xa lần nào nữa, cho đến cuối chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.
Lần đầu tiên có một quan chức nào đó của chính quyền Trung Hoa Dân quốc đặt chân lên một đảo nào đó thuộc quần đảo Trường Sa là vào ngày 12-12-1946, khi đó các đế quốc Anh và Pháp đều đã chiếm phần trên Biển Đông. Một phái đoàn cấp tỉnh của Trung Hoa đã đến quần đảo Hoàng Sa trước đó vài thập niên, vào ngày 6-6-1909, thực hiện một nhiệm vụ có vẻ như là một chuyến thám hiểm trong một ngày, được dẫn đường bởi các thuyền trưởng người Đức thuê từ hãng buôn Carlowitz. Các cuộc đối đầu quốc tế hiện nay đang phải dựa vào những căn cứ khiêm tốn như vậy.
Đây là bức tranh lịch sử được vẽ lên bởi các nghiên cứu học thuật độc lập tốt nhất. Nhưng nếu đem kể cho gần như bất kỳ người Trung Hoa nào, họ cũng sẽ tỏ ra ngờ vực. Từ trong các lớp học cho đến tại những cơ quan ngoại giao, chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông đã trở thành sự thật. Bằng cách nào mà cả một quốc gia có thể có được ý thức sở hữu đối với Biển Đông mạnh mẽ đến thế dựa trên những cơ sở thiếu vững chắc như vậy?
Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1840 và khoảng thời gian người Trung Quốc gọi là “thế kỷ ô nhục” diễn ra sau đó. Trung Quốc rõ ràng đã chịu nhiều tổn thất nặng nề dưới tay các nước đế quốc phương Tây và Nhật Bản: hàng ngàn người chết, nhiều thành phố bị trở thành thuộc địa và chính quyền phải chịu nhiều khoản nợ từ các ngân hàng quốc tế.
Nhà nghiên cứu địa lý William Callahan và nhiều người khác đã chỉ ra trong quá trình đấu tranh chống lại sự thống trị của nước ngoài, các lực lượng Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đã cố tình tạo ra một ý thức rằng Trung Quốc bị xâm phạm lãnh thổ để huy động quần chúng như thế nào. Từ những năm 1900 trở về sau, các nhà nghiên cứu địa lý Trung Quốc như Bai Meichu, một trong những người sáng lập Hội Địa lý Trung Quốc, đã bắt đầu vẽ các bản đồ cho người dân của họ thấy những phần lãnh thổ nào của Trung Quốc đã bị các đế quốc lấy đi.
Những “bản đồ quốc nhục” này cho rằng lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc bao gồm tất cả những nước chư hầu xưa kia đã triều cống cho hoàng đế Trung Hoa. Những vùng đất này bao gồm cả bán đảo Triều Tiên, nhiều phần đất rộng lớn của Nga, Trung Á, vùng Himalaya và nhiều vùng thuộc Đông Nam Á. Trên những bản đồ này đã xuất hiện những đường kẻ cho thấy sự đối lập lớn giữa một lãnh thổ to lớn của đế chế Trung Hoa trước kia với một diện tích đất nước đã bị thu nhỏ đáng kể.
Như là định mệnh, sau khi chính quyền Trung Hoa Dân quốc thay tên cho các hòn đảo trên Biển Đông vào năm 1935, một đường kẻ như vậy được vẽ bao quanh Biển Đông. Đây là đường kẻ ngày nay có tên gọi “đường chữ U” hay “đường 9 đoạn” khoanh trọn 80% diện tích Biển Đông và tất cả các đảo và quần đảo trong đó. Sự cố trong khi vẽ bản đồ này, vốn do diễn dịch sai lịch sử Đông Nam Á, vậy mà Trung Quốc lại cho là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền hiện nay.
Giới học giả theo chủ nghĩa dân tộc và các cơ quan chính quyền trong nửa đầu thế kỷ XX đã để lại cho Trung Quốc một “lịch sử chính thức” rõ ràng là trái với sự thực. Chính điều này, chứ không phải nguy cơ từ những người theo chủ nghĩa dân tộc biểu tình trên các đường phố, đã khiến cho tranh chấp Biển Đông trở nên nguy hiểm và khó giải quyết đến như vậy.
Đáng tiếc là không hề có giải pháp dễ dàng nào cho những xung đột đang tiếp diễn trên Biển Đông. Không bên nào muốn kích động một cuộc xung đột toàn diện, nhưng cũng không bên nào sẵn lòng giảm căng thẳng bằng cách điều chỉnh bớt những yêu sách chủ quyền của mình. Một số quan chức Trung Quốc khi nói chuyện riêng đã thừa nhận rằng duy trì yêu sách “đường chữ U” là vô lý về mặt pháp lý. Nhưng chính những quan chức đó cũng nói rằng họ không thể sửa đổi một cách chính thức những tuyên bố đã đưa ra vì nhiều lý do chính trị – những chỉ trích của người dân trong nước sẽ rất dữ dội. Như vậy thì làm thế nào mới có thể thuyết phục người dân Trung Quốc nhìn nhận lịch sử Biển Đông dưới một quan điểm khác?
Một câu trả lời có thể nằm ở Đài Loan. Tại Đài Loan, khả năng để có một diễn đàn tranh luận tự do hơn về lịch sử Trung Quốc cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc đại lục. Hiện đã có một số học giả “bất đồng chính kiến” suy nghĩ lại về một số phương diện của lịch sử thế kỷ XX. Đài Loan cũng là nơi lưu trữ những tư liệu của Trung Hoa Dân quốc, chính quyền đầu tiên vẽ ra “đường chữ U”. Kiểm tra cởi mở và kỹ lưỡng lại quá trình cẩu thả đã vẽ ra đường chữ U có thể thuyết phục những người định hướng dư luận chịu xét lại một số vấn đề liên quan đến chủ nghĩa dân tộc còn chưa rõ ràng mà họ từ lâu coi là chân lý.
Có lẽ lý do thuyết phục nhất để bắt đầu ở Đài Loan là vì chính quyền Bắc Kinh sợ rằng nếu nhượng bộ thì sẽ bị chỉ trích quyết liệt tại Đài Bắc. Còn nếu chính quyền Đài Bắc xuống thang những xung đột xuất phát từ ghi chép lịch sử Biển Đông, thì chính quyền Bắc Kinh sẽ dễ dàng làm theo hơn. Chìa khóa dẫn đến một tương lai hòa bình cho châu Á nằm ở việc kiểm tra quá khứ một cách trung thực và có phản biện.
- theo http://www.prospectmagazine.co.uk