Với quyết tâm tạo sân chơi uy tín cho các doanh nghiệp công nghệ, Hội chợ triển lãm công nghệ thông tin – điện tử – viễn thông TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ đột phá, đặc biệt là những ứng dụng đầy tính thực tiễn cho chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng thành phố thông minh.
Nhiều sản phẩm thiết thực
Là một trong 38 doanh nghiệp tham gia triển lãm, Công ty Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI đã đem đến khá nhiều giải pháp số hóa phục vụ cải cách hành chính và chính quyền điện tử, bao gồm số hóa hồ sơ tài liệu trong xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh, số hóa hồ sơ tài liệu xây dựng các cơ sở dữ liệu một số chuyên ngành (tư pháp, tài nguyên – môi trường, đăng ký kinh doanh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch kiến trúc, văn thư lưu trữ…), công nghệ nhận dạng IONE ứng dụng trong số hóa văn bản hành chính nhà nước, cổng thông tin đối thoại giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.
Đây là những giải pháp đã được ứng dụng hiệu quả tại nhiều cơ quan, ban ngành cũng như cấp cơ sở tại nhiều địa phương. Nói về lý do tham gia triển lãm, ông Nhữ Mạnh Hùng – Phó tổng giám đốc Công ty FSI cho biết: “FSI mong muốn chung tay, phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh trong quá trình ứng dụng công nghệ vào cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, cũng là nền tảng giúp thành phố tận dụng tối đa các ưu thế hiện có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng tầm thành đô thị thông minh, hiện đại tầm cỡ khu vực”.
Công ty Điện tử Cây Tre Việt (VENR) là một trong số ít doanh nghiệp đem đến triển lãm cả sản phẩm phần cứng lẫn phần mềm do chính các kỹ sư của VENR nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Các sản phẩm của VENR khá đa dạng, từ phần cứng là máy tính, tivi… đến các phần mềm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý hành chính của cấp chính quyền.
Đại diện của VENR, ông Trương Công Minh Hiển – Chủ tịch HĐQT cho biết: “TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực hướng đến xây dựng đô thị thông minh, lấy chính quyền điện tử làm trung tâm với mục tiêu tạo ra một thành phố năng động, hiệu quả, chất lượng sống tốt, người dân được phục vụ tốt hơn. Cùng tầm nhìn đó, VENR muốn đồng hành cùng chính quyền thành phố, cung ứng các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng cho chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn, cải cách hành chính, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
Bằng việc tích hợp các công nghệ mới nhất với tính thực tiễn cao, VENR giới thiệu một số phần mềm, ứng dụng đã được triển khai trên thực tế, điển hình là giải pháp an ninh trật tự và giao thông trong thành phố thông minh (ITS), phần mềm họp trực tuyến (V-Meeting), nền tảng mở (iCloud Open Platform) hướng đến nền công nghiệp 4.0, phần mềm số hóa hồ sơ trong xây dựng chính phủ điện tử (E-Office), phần mềm quản trị bệnh viện và phòng khám (G-HMS)… Chúng tôi hy vọng rằng bằng các giải pháp ứng dụng này, VENR góp một phần công sức nâng tầm TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hiện đại và đáng sống”.
Tham gia hội chợ triển lãm lần này còn có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đơn vị đang tư vấn khung về công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT) trong xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. VNPT đã xây dựng nhiều giải pháp CNTT và viễn thông nhằm kết nối doanh nghiệp, các sở ban ngành gần hơn với các mục tiêu của một thành phố thông minh.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp
Mục tiêu của hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, tôn vinh, quảng bá những sản phẩm CNTT, điện tử, viễn thông đáp ứng những tiêu chí về hiệu quả kinh tế – xã hội, uy tín thương hiệu, có doanh thu, thị phần tốt, số lượng khách hàng sử dụng lớn và có đột phá về công nghệ. Điều đó còn có tác dụng xóa bỏ tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng sính hàng ngoại, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc ủng hộ các sản phẩm công nghệ trí tuệ Việt Nam, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc vận động khuyến khích “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong lĩnh vực CNTT, điện tử và viễn thông.
Theo ban tổ chức, đây là sự kiện quan trọng nhằm tạo môi trường kết nối các doanh nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông với các đơn vị ứng dụng, giúp các bạn trẻ am hiểu CNTT khởi nghiệp, đồng thời tạo thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là thị trường công. Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố chúng ta là trung tâm khoa học – công nghệ của cả nước, hiện có hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào hội chợ triển lãm lần này. Thứ nhất, thành phố đã triển khai và tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử nên rất mong các doanh nghiệp công nghệ giới thiệu các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng thiết thực đến các cấp chính quyền quận huyện, phường xã và các sở ngành để đẩy mạnh cải cách hành chính. Thứ hai, chúng tôi mong có được sự kết nối giữa các doanh nghiệp CNTT và các doanh nghiệp ngành khác đang hoạt động trên địa bàn thành phố vì bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào cũng đều cần đến các giải pháp, ứng dụng CNTT để triển khai các hoạt động và quản lý kinh doanh một cách hiệu quả. Cuối cùng, hội chợ triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ Việt Nam để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân thành phố, các tiện ích trong các lĩnh vực giao thông, bảo vệ sức khỏe, môi trường… nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sống”.
Cũng theo ông Tuyến, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng đô thị thông minh, lấy chính quyền điện tử làm trung tâm nên đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tham gia. Lãnh đạo thành phố hoan nghênh các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng do chính các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
“Chúng tôi xin khẳng định rằng thành phố rất khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này tham gia vào thị trường công để xây dựng các giải pháp hướng tới thành phố thông minh, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội. Do đó, mọi doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng trong quá trình hợp tác với thành phố. Chính quyền thành phố luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp về chính sách từ phía doanh nghiệp và sẵn sàng đặt hàng các sản phẩm ứng dụng thiết thực của mọi doanh nghiệp nhằm phục vụ cho việc xây dựng thành phố thông minh” – ông Tuyến kết luận.