Được đi du học là một may mắn của nhiều bạn trẻ, vì đây là cơ hội để các em “thoát khỏi đáy giếng” để đến với một chân trời bao la. Tuy nhiên, một mình trên đất khách, các em sẽ gặp không ít khó khăn bên cạnh niềm vui được đón nhận tri thức mới, trải nghiệm văn hóa mới.
Khó khăn đó là những khoảnh khắc cô độc, lạc lõng trước rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, lối sống cùng núi bài vở, công việc làm thêm và khí hậu khắc nghiệt… Những sinh viên chưa được chuẩn bị về “kỹ năng lãnh đạo bản thân” rất dễ rơi vào trầm cảm, bỏ học, thậm chí muốn tự tử.
Lãnh đạo bản thân quan trọng hơn lãnh đạo người khác
“Từ ngày qua Mỹ, anh như biến thành một con người khác. Từ dáng vẻ thư sinh mảnh khảnh, anh bắt đầu tập gym, cạo đầu, xăm hình và học thêm tiếng Anh, tiếng Mỹ. Nhưng bản tính của anh vẫn không đổi, vẫn là con người hoạt bát, lạc quan và không ngừng học hỏi. Anh vẫn hay chia sẻ trên Facebook mỗi khi mình được nhận học bổng hay được khen thưởng trong công việc làm thêm là “nhân viên xuất sắc của tháng” (Employee of the month). Nghe nói mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng.
Trước ngày anh mất, dòng status cuối cùng anh đăng trên Facebook chính là lời bài hát In the end của Linkin Park: “I tried so hard, and got so far. But in the end, it doesn’t even matter. Goodbye”. Mọi người cứ nghĩ đó chỉ là một bài đăng vô thưởng vô phạt, nhưng đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn…”. Bài viết của Lê Đăng Trình – một du học sinh 9X trên Facebook mới đây đã gây chú ý lớn đến mọi người, nhất là đối với những bậc cha mẹ có con sắp đi du học. Làm thế nào để con chúng ta không rơi vào trường hợp đáng thương thế này?
- Xem thêm: Chuẩn bị cho ngày lên đường du học
Tại buổi tọa đàm “Cánh cửa cơ hội từ tấm bằng tú tài Mỹ” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21-10-2018, hai nhà lãnh đạo trẻ Huỳnh Hạnh Phúc và Phùng Mai Hương cho biết, điều khó nhất đối với giới trẻ khi phải sống tự lập, đó không phải kỹ năng lãnh đạo người khác mà là kỹ năng lãnh đạo bản thân mình. Đây cũng là yếu tố quyết định đối với những bạn trẻ có mục tiêu đi du học.
Huỳnh Hạnh Phúc – hiện đang điều hành Chương trình giáo dục phi lợi nhuận Teach for Vietnam, từng đạt được những suất học bổng toàn phần tại Đại học Harvard và Missouri nhưng gia đình anh vẫn phải cầm cố cả căn nhà để có chi phí học tập tại Mỹ trong những năm đầu tiên. Với mong muốn cháy bỏng phát triển năng lực lãnh đạo cho giới trẻ Việt Nam, anh đã quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước của nhiều người để bắt tay vào triển khai dự án Teach for Vietnam.
Anh cho biết: “Tôi từng là người khá nhút nhát, không có khái niệm gì về kỹ năng lãnh đạo. Cho đến khi sang môi trường học tập tại Mỹ, tôi phải tự mình đối mặt với rất nhiều khó khăn, rào cản như: ngôn ngữ, kỹ năng, nhịp sống, khác biệt về văn hóa… Phải mất đến sáu tháng để làm quen với môi trường học tập mới và điều quan trọng nhất chính là học cách tự lãnh đạo bản thân. Từ kinh nghiệm của mình, tôi khuyên các bậc phụ huynh cần rèn luyện cho con tính tự lập, khả năng chủ động ngay từ nhỏ. Để dù con ở môi trường sống nào cũng có thể tồn tại trước đã, sau đó mới nói đến chuyện phát triển”.
Đồng quan điểm với Huỳnh Hạnh Phúc, thạc sĩ Phùng Mai Hương – học bổng toàn phần Đại học Wesleyan College (Mỹ) và học bổng toàn phần thạc sĩ khởi nghiệp chiến lược của Rotterdam School of Management (Hà Lan), nhà sáng lập Kênh chia sẻ kiến thức LOK cũng nhận định: “Việc học ở nước ngoài đòi hỏi các bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về cả kỹ năng, kiến thức xã hội, kiến thức văn hóa, kiến thức chuyên môn, nên lời khuyên du học chính là chuẩn bị càng sớm càng tốt.
Vì cách học ở nước ngoài đòi hỏi sự chủ động rất nhiều từ phía học viên, học thông qua các case study (tình huống) thực tế, việc làm bài thi nộp cho thầy cô, học viên cũng có thể hoàn toàn hoàn thành ở nhà và nộp. Bởi vậy, môi trường học tập ở Mỹ đòi hỏi khả năng chủ động và tự học rất cao. Khả năng tự lãnh đạo bản thân là vô cùng quan trọng, để biết đâu là việc quan trọng cần ưu tiên và tập trung”.
Dạy con tự lãnh đạo cuộc đời
“Lãnh đạo bản thân” hay “quản trị cuộc đời” là một trong những chương trình đang được đưa vào giảng dạy tại các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình này không chỉ trang bị cho mỗi cá nhân một hệ thống tư duy và phương pháp để biết cách lãnh đạo bản thân và làm chủ cuộc sống của mình.
Để luôn vững vàng với con đường mình chọn, sinh viên cần trả lời được câu hỏi: “Học để làm gì?”. Và câu trả lời học để trở thành con người tự do, nếu các em chưa được dạy ở nhà trường thì gia đình sẽ bổ sung cho các em trước khi đẩy con ra khỏi ngôi nhà êm ấm của mình.
Thứ nhất, con người tự do trước hết thể hiện ở khả năng tự do tư tưởng, có khả năng sử dụng lý trí của mình để tư duy một cách độc lập, có khả năng diễn đạt ý kiến, suy nghĩ, tư tưởng của mình một cách công khai cho đại chúng đồng thời biết tôn trọng nhận thức của người khác.
Từ tự do về tư tưởng, con người có khả năng đưa ra lựa chọn của mình một cách chân thật, và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của bản thân. Như vậy, học để trở thành người có tự do tư tưởng và tự do lựa chọn là học cách lãnh đạo bản thân mình, làm chủ cuộc đời mình, và tự chịu trách nhiệm về các lựa chọn của mình, trong tự do và thấu hiểu.
Phần lớn các trường hàng đầu thế giới đều có xu hướng tạo điều kiện cho sinh viên bộc lộ cá tính của mình. Và thể hiện cá tính cũng là nhu cầu của đa số các bạn trẻ. Tuy nhiên, thế nào là “cá tính” là điều mà giới trẻ cần nhận thức đầy đủ. Giới trẻ thường muốn thể hiện cá tính, để không trở thành nổi loạn, hoang mang đi tìm chính mình.
Nhiều cha mẹ ngày nay sẵn sàng cày cuốc sớm hôm để đáp ứng mọi nhu cầu của con, cho con vào những ngôi trường học phí cao chót vót, nơi con “thoải mái thể hiện cá tính không sợ bị ai la rầy”, nhưng nếu cá tính không được xây dựng trên nền tảng của nhân tính thì sẽ trở thành… “quái tính”, cũng như tự do không có văn hóa sẽ trở thành thứ tự do hoang dã. Bởi lẽ, muốn “được là mình” thì trước hết cần “được là người” cái đã.
“Cá tính” theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân Pace, đó là con người độc lập, tự do; là đạo sống, giá trị sống, cách sống và thái độ của mình, là “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người của mình nhằm ngăn chặn mình làm điều ác và thôi thúc mình làm điều đúng; là thứ để phân biệt mình với người khác, khiến mình khác với đồng loại của mình. Và “công dân toàn cầu” đúng nghĩa không chỉ giao tiếp bằng ngoại ngữ một cách lưu loát mà còn phải biết khẳng định mình trong một môi trường đa sắc tộc.
Một người công dân toàn cầu thực sự sẽ bổ sung giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hóa chung toàn cầu. Một người Việt ra nước ngoài mà không hiểu và giữ được bản sắc của mình thì chỉ là một người bị trộn lẫn vào cộng đồng toàn cầu, không thể phân biệt với công dân nước khác.