Thể dục, thể thao không phải là phương thuốc chống ung thư, nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh thể thao rất hữu ích cho sức khỏe.
Hoạt động thể chất đều đặn và vừa phải góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể, chất lượng cuộc sống và tinh thần bệnh nhân, đồng thời có thể làm giảm các phản ứng phụ của một số phương pháp trị liệu.
Thể thao trở thành công cụ hữu ích chống lại ung thư. Nhiều tổ chức y tế đề nghị bệnh nhân luyện tập karate hay thái cực quyền (tai chi).
Các trung tâm chuyên điều trị ung thư như Viện Marie tổ chức các lớp thể dục thể thao tập thể hay khóa học giữ sức bền, dẻo dai.
Nhiều hiệp hội xây dựng các bài tập thể chất trực tuyến và nhiều liên đoàn thể thao như liên đoàn quần vợt thực hiện nhiều khóa học chuyên biệt cho cộng đồng.
Ngoài việc điều trị, thực hành theo chương trình hoạt động thể chất thích hợp là một trong nhiều cách “trị liệu tự nhiên” có thể ứng dụng trong điều trị ung thư.
Lợi ích của vận động là đề tài tranh luận trong cuộc hội nghị khoa học về hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư không sử dụng thuốc, được tổ chức vào cuối tháng 3 năm 2018 theo sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu (Centre for European Policy Studies – CEPS).
Ngày nay, mọi điều tốt đẹp của thể thao chống lại ung thư đều được nói và viết nhiều, nhưng chưa có một lập luận khoa học chứng minh đầy đủ.
Tuy nhiên, sự phân tích các nghiên cứu sẵn có giúp các bệnh nhân biết họ có thể mong chờ gì từ sự đầu tư của mình cho hoạt động thể chất. Nếu thể thao không chữa khỏi bệnh ung thư, một số hoạt động thể chất có thể hổ trợ tốt cho việc điều trị bệnh này.
Hoạt động thể chất được xem là công cụ phụ trợ
Trước thập niên 1980, hoạt động thể chất không thu hút sự chú ý của các chuyên gia về ung thư ở Pháp. Việc điều trị ung thư chủ yếu dựa vào phẫu thuật, xạ trí và hóa trị. Các thứ khác chỉ mang tính phụ trợ. Điều này phù hợp với những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này.
Nhiều trung tâm phòng chống ung thư, nhiều bệnh viện chuyên biệt được thành lập tại các thành phố lớn nhằm đáp ứng sự gia tăng lượng bệnh nhân phát hiện bị ung thư ở giai đoạn sớm cũng như đưa kỹ thuật điều trị đến các cơ sở thích hợp.
Từ năm 1980 đến năm 2000, nhiều nhóm chuyên gia đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng đầu tiên, đặc biệt tại Hoa Kỳ và Canada.
Năm 1999, một nhà khoa học Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo chứng minh sự cải thiện chất lượng sống nơi 27 bệnh nhân ung thư vú được điều trị bằng hóa trị liệu, nhờ một chương trình hoạt động thể chất kéo dài 8 tuần thực hiện tại nhà.
Những nghiên cứu đầu tiên đặc biệt về ung thư vú
Hầu hết các nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn này là các nghiên cứu thí điểm với nhiều hạn chế về phương pháp luận. Loạt nghiên cứu này cho thấy có sự vượt trội về cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân ung thư vú.
Các hoạt động thể chất được phân tích rất khác nhau, và được bắt đầu vào những thời điểm khác nhau nơi bệnh nhân được điều trị: ngay sau khi chẩn đoán bệnh được công bố, trước khi bắt đầu điều trị và sau khi điều trị.
Tuy nhiên, một tập san khoa học xuất bản năm 1999 xác nhận tác dụng đáng kể của tập luyện thể chất đối với chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe của ngườì bệnh.
Vào thời điểm đó, hoạt động thể chất không chỉ nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn nâng cao niềm tin của bản thân. Phương pháp xạ trị làm tóc bệnh nhân rụng nhiều khiến họ chịu nhiều đau khổ về thể chất và tâm lý.
Tập luyện thể thao chủ yếu là tạo niềm vui. Do đó, bệnh nhân được quyền lựa chọn môn thể thao mình ưa thích với hy vọng là họ sẽ lấy lại sự tự tin và phá vỡ sự cô lập.
Hoạt động thể chất được thực hiện chủ yếu ở nhà, với sự khuyến khích của các chuyên gia sức khỏe và bác sĩ chuyên khoa ung thư.
Thông điệp sức khỏe dành cho bệnh nhân ung thư được tóm lược như sau: “Kết hợp nâng cao chất lượng vệ sinh – dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể chất hợp lý”.
Giảm mệt mỏi, đau đớn và lo âu
Từ thập niên 2000, hoạt động thể chất trở thành “sự chăm sóc hỗ trợ” trong toàn thể liệu pháp điều trị. Điều này có nghĩa là hoạt động thể chất nằm trong “sự chăm sóc và hổ trợ cần thiết cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị bệnh”.
Các khuyến cáo chính thức chỉ ra rằng hoạt động thể chất nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi bệnh nhân được chính thức thông báo mắc bệnh.
Tham vọng của luyện tập thể chất được nhân lên gấp 3 lần. Một là giảm bớt các triệu chứng do điều trị và chứng bệnh gây ra như mệt mỏi, đau đớn, lo âu, trầm cảm, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, phù mạch và các bệnh về thần kinh.
Hai là cải thiện tình trạng tổng thể, điều kiện thể chất và thành phần cơ thể, tức là tăng cường khối lượng cơ bắp bị suy giảm do khối lượng mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng. Ba là ngăn ngừa sự mất cân bằng thể chất, nghĩa là rơi vào vòng lẩn quẩn liên quan đến sự không vận động thể chất với tất cả những rối loạn thể chất như teo cơ, và rối loạn tâm lý như mất niềm tin vào khả năng vận động. Mất cân bằng là dấu hiệu tiên lượng xấu có thể dẫn đến hiệu quả điều trị kém và tỷ lệ tử vong cao.
Nhiều thí nghiệm đối chứng đã được thực hiện ghi nhận có sự suy giảm mệt mỏi và các triệu chứng lo âu, trầm cảm, cải thiện thể lực và ngăn ngừa rối loạn. Một loạt các phân tích tổng hợp (méta-analyse) thực hiện vào các năm 2005, 2006, 2009 và 2011, càng củng cố điều vừa nêu.
Theo dõi cường độ và khối lượng luyện tập để không làm kiệt sức bệnh nhân
Công bố năm 2012, một phân tích tổng hợp rút ra từ 56 nghiên cứu ngẫu nhiên khẳng định chương trình hoạt động thể chất có tác dụng làm giảm mệt mỏi nơi 4.068 bệnh nhân ung thư tham gia thí nghiệm trong thời gian điều trị.
Việc theo dõi bệnh nhân luyện tập thể chất nhằm bảo đảm sự an toàn cho những người thực hành vận động như các vấn đề về tim mạch do hóa trị liệu.
Sự giám sát bao gồm việc theo dõi cường độ và khối lượng luyện tập để đảm bảo bệnh nhân không bị kiệt sức và duy trì luyện tập trong suốt thời gian trị liệu.
Hiện nay, nhiều công trình được thực hiện trong giai đoạn hậu ung thư nhằm khuyến khích bệnh nhân tiếp tục vận động thể chất thường xuyên hằng tuần phù hợp với lời khuyên của bác sĩ.
Các nguyên tắc chung do Viện Ung thư tổng quát (INCa) đưa ra năm 2017 bao gồm luyện tập thể chất hậu ung thư. Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia (Institut National de la Santé Et de la Recherche Médicale – INSERM) và Sở Y tế (HAS) sẽ công bố các khuyến nghị trong năm nay.
Các sáng kiến trên là một phần của phong trào “Đưa thể thao vào đơn thuốc” (Sport sur ordonnance) áp dụng theo một nghị định có hiệu lực từ ngày 1-3-2017: đưa nội dung hoạt động thể chất thích hợp (Activité Physique Adaptée – APA) vào toa thuốc dành cho bệnh nhân mãn tính. Mới đây, đối tượng áp dụng APA được bổ sung thêm bệnh nhân ung thư.
Phân biệt điều giả tạo và sự thật
Ở Pháp, người ta thường thấy quá nhiều toa thuốc với lời khuyên tập luyện thể chất không đồng đều giữa các Trung tâm phòng chống ung thư địa phương (Centre régional de Lutte Contre le Cancer – CLCC), các bệnh viện lâm sàng, hiệp hội thể thao, hiệp hội phòng chống ung thư, tổ chức y tế thể thao.
Sự lạm dụng các đề nghị vận động thể chất kèm theo lời hứa vượt quá những kiến thức khoa học đến mức làm cho bệnh nhân mù quáng tin rằng liệu pháp vận động có thể chữa trị bệnh cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát.
Hiện nay, chưa thể dự đoán chính xác hiệu quả trị liệu của vận động trong phạm vi một cá nhân. Chỉ những nghiên cứu trên nhiều tập thể, theo dõi hàng trăm bệnh nhân thời gian dài mới xác định được vai trò của vận động thể chất trong việc trị liệu, và điều này chỉ đạt được ở mức độ xác suất.
Ví dụ: phân tích trên 24 nhóm đến từ các quốc gia khác nhau với tổng số 35.622 bệnh nhân cho thấy số bệnh nhân có nguy cơ tử vong do ung thư vú, ung thư đại tràng và tuyến tiền liệt giảm 38%.
Đây là kết quả ghi nhận được từ các nghiên cứu do nhóm các bác sĩ Canada thực hiện công bố vào năm 2016. Điều này cho thấy thể thao không phải là phương thuốc chữa trị được bệnh ung thư.
Nhiều thí nghiệm lâm sàng bắt đầu được thực hiện trên thế giới về sự sống còn và giảm tái phát nhờ vào hoạt động thể chất phối hợp với các phương pháp trị liệu ung thư hiện hành như phương pháp điều trị của nhóm chuyên gia Đại học Alberta của Canada trong chữa trị ung thư trực tràng được công bố vào năm 2008.
Các kết quả đầu tiên sẽ được công bố từ nay đến năm 2020. Trong khi chờ đợi, vẫn chưa đủ bằng chứng để xác định vận động thể chất theo cách thức và cường độ nhất định có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh ung thư và sự tái phát của nó.
Tác động của hoạt động thể chất đối với hệ miễn dịch, trao đổi chất, viêm nhiễm và tâm lý học thần kinh
Ý tưởng căn bản là làm chậm sự tiến triển của khối u và góp phần ngăn ngừa tái phát bằng cách nhắm mục tiêu cụ thể là các chức năng miễn dịch, trao đổi chất, viêm nhiễm và tâm lý học thần kinh của cá nhân thông qua hoạt động thể chất cụ thể.
Nhiều tiến bộ khoa học và lâm sàng cần được thực hiện để có thể hiểu được cơ chế liên quan và đề ra chương trình tập luyện tốt nhất cho từng bệnh nhân tùy vào tình trạng của khối u và lối sống của người bệnh.
Trong tương lai, hy vọng luyện tập thể chất sẽ có tác động tích cực đến khối u không phải là hoàn toàn vô căn cứ.
Nhưng cho đến nay, khoa học chỉ chứng minh được hoạt động thể chất đều đặn và đầy đủ có tác dụng chắc chắn giúp cải thiện chất lượng sống, cài thiện tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, giảm các tác dụng phụ của việc điều trị và tăng cường hiệu quả điều trị bệnh.