Với ba mươi bức tranh sơn dầu, triển lãm “Cảm xúc 2” của họa sĩ Trịnh Tú được tổ chức trang trọng tại phòng tranh cũng là bảo tàng tư nhân Đức Minh (31A Lê Quý Đôn, Q.3, TP. Hồ Chí Minh, từ 5-8 đến 12-8-2017). Đây là triển lãm cá nhân thứ hai của Trịnh Tú, sau triển lãm “Cảm xúc 1” tại Hà Nội cách đây hơn ba năm.
Trong bài giới thiệu triển lãm “Cảm xúc 1” trên báo DNSGCT, tác giả Diễm Anh gọi 18 tác phẩm của Trịnh Tú trong triển lãm cá nhân đầu tiên của ông là “những nét duyên thầm lặng” nhưng là những nét duyên “mời gọi và níu kéo những ánh mắt biết thưởng ngoạn”. Vẫn là những nét duyên thầm lặng ấy tại triển lãm cá nhân thứ hai của ông, nhưng đề tài đã trải rộng hơn, mênh mang hơn. Vẫn có nhiều hoa trái, tĩnh vật và những người nữ hư hư thực thực trong tranh ông. Song còn có nhiều tranh phong cảnh: những cảm xúc được phả lên mặt toan sau các chuyến đi gần và xa Hà Nội. Gần là những làng quê đâu đó ngoại thành, xa là Hội An, là Tây Bắc, Đông Bắc vẫn còn đầy sức quyến rũ người đàn ông đã cận kề tuổi bảy mươi nhưng chỉ mới khởi đầu nghiệp hội họa vài năm trước.
Mà tranh phong cảnh của Trịnh Tú là một cách nhìn rất khác, rất riêng về vùng cao Tây Bắc, về phố cổ Hội An. Những khối màu xám xanh của núi non điệp trùng, mờ ảo xa xa, gần hơn là mấy túp nhà và rặng cây, rồi đồng lúa và con đường thôn lấm. Vẫn là một cảm xúc đã thăng hoa của phong cảnh Cao Bằng. Cũng vậy là những nếp nhà sàn chon von trên sườn núi mà ai từng đi qua những cung đường lên Tây Bắc đều dễ nhận ra, cho dù trong tranh Trịnh Tú đã là một bản hòa âm của cảm xúc, được thể hiện bằng sắc màu. Cũng vậy là những ruộng bậc thang như níu trời mây gần lại với đất đai… Đã có không ít họa sĩ thuộc nhiều thế hệ vẽ Hội An, và cũng có không ít họa sĩ thường mô tả những phố nhà bên sông Hoài khá giống nhau. Hội An trong cách nhìn của Trịnh Tú là màu nắng sau mưa trên khối kiến trúc đã là đặc trưng của đô thị cổ. Là một thoáng nhớ nhung thôi mà vẫn đủ để nhận diện Hội An. “Cảm xúc 2” còn có những mảng làng quê Bắc bộ, một xóm nhà với bờ tường vây quanh và chiếc cổng xóm thân thuộc, một quán nước nấp dưới rặng tre, một điếm canh đê còn sót lại…, và có thể những hình ảnh đó rồi sẽ mất đi mãi mãi một ngày nào đó.
Trong tranh Trịnh Tú không có những màu nguyên chói gắt, bắt mắt, rực rỡ… Một bảng màu “lành” như tính cách của họa sĩ, nhưng những màu tím, màu vàng chanh, xanh non, xám, nâu, hồng và đỏ đã được dùng rất “đắt”. Một đốm đỏ nhỏ nhoi của quả táo trên cái nền mênh mông xám và trắng của bức Tĩnh vật. Một mảng xanh non lạ lẫm trong bức Sáng sớm. Màu nâu của bức Hoa loa kèn và Hồng ngủ… Hay một tổng phổ màu sắc đã gần gũi với ngôn ngữ trừu tượng khi họa sĩ thể hiện những rặng tre trong Quán nước, trong Tre ven sông. Cũng vậy là cách chơi màu trong nhiều tranh tĩnh vật hoa.
Tranh của ông là sự yên lành, là sự tinh tế, như hơi thở của một giọt sương đọng lại trên nhánh cỏ dại sớm mai, như hồi quang của vầng tà dương đang khuất dần dưới chân trời. Nhưng cũng có lúc ông nổi giận, đó là bức tranh vẽ một vùng biển với dải nước thẫm đỏ: “Tôi vẽ khi xảy ra vụ Formosa đầu độc biển, đau và giận lắm!”. “Tôi không vẽ thực đâu”, họa sĩ nói với người viết bài này. Quả vậy, ông chỉ vẽ bằng cảm xúc, từ “Cảm xúc 1” tới “Cảm xúc 2”.
Trịnh Tú sinh năm 1949 trong một gia đình có nhiều thành viên hoạt động nghệ thuật, là con của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997, sinh viên khóa 1933-1938, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), em của họa sĩ cũng là dịch giả nổi tiếng Trịnh Lữ. Ông từng học dở dang Đại học Mỹ thuật, có nhiều năm làm báo Lao Động, vẽ tranh minh họa cho báo, viết phê bình mỹ thuật. Ngoài hai triển lãm cá nhân, Trịnh Tú còn góp mặt trong một số triển lãm nhóm tác giả.
- Diên Vỹ