Triển lãm cá nhân ‘Dòng chảy’ của Ngô Thanh Hùng diễn ra từ ngày 18/11 đến 4/12 tại The World Artspace, 21 Võ Trường Toản, Thảo Điền, Thủ Đức.
Ngô Thanh Hùng sinh năm 1982, hiện đang giảng dạy tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, lại liên hệ trực tiếp với các đơn vị xây dựng, am hiểu và cập nhật nhiều vật liệu mới, Ngô Thanh Hùng đã có được cơ sở thực nghiệm cho việc tìm ra “chất liệu mài tổng hợp”.
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng chia sẻ: “Hơn 3 năm nay trở lại đây, nhất là từ khi đại dịch bùng phát, tôi càng bùng nổ cảm xúc với trừu tượng. Đây cũng là lúc tôi dành được thời gian để nghiên cứu vật liệu mới và ứng dụng thành công vào tranh, tạm gọi là chất liệu mài tổng hợp. Thêm một cơ duyên, tôi được vài người anh thân thương đã hỗ trợ toàn bộ chi phí, vật tư, mặt bằng để làm xưởng vẽ. Thêm một may mắn, tôi bén duyên cùng nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước với chất liệu này, nên càng thêm động lực để dấn bước”.
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng cho biết thêm, về mặt kỹ thuật, anh dùng tổng hợp giữa các loại sơn vẽ truyền thống và sơn công nghiệp, đắp lớp tuần tự theo kỹ thuật sơn mài lên nền gỗ nhựa đã được xử lý độ bám dính màu, loại bỏ tối đa nguy cơ ẩm mốc, cong vênh, chống cháy. Sau đó, dùng kỹ thuật mài của sơn mài cho đến khi nào lộ ra được các lớp màu, mảng màu, hình thù mà mình mong muốn. “Điều đặc biệt ở đây là loại sơn tôi dùng vẽ chính là màu của đất sét tự nhiên kết hợp với một ít phụ gia của ngành sơn, sau khi hoàn thiện, sẽ không có mùi và khá thân thiện với môi trường sống, độ bền và độ bão hòa của màu rất cao”, họa sĩ Ngô Thanh Hùng chia sẻ.
Giám tuyển Lý Đợi cho biết Ngô Thanh Hùng gọi kỹ thuật hình thành các bức tranh của mình là “chất liệu mài tổng hợp”, được anh tìm tòi từ năm 2020 cho đến nay. Xét về vật liệu và chất liệu, việc tìm tòi của Ngô Thanh Hùng gợi nhiều suy nghĩ về hành trình tranh sơn mài nói chung của Việt Nam. Gọi là “sơn mài nói chung”, vì tự trong khái niệm này đã bao hàm: 1) sơn mài mỹ nghệ; 2) sơn ta Phú Thọ; 3) sơn mài truyền thống; 4) sơn mài Thủ Dầu Một; 5) sơn mài Nam Vang; 6) sơn mài Nhật; 7) sơn mài tổng hợp; 8) sơn mài mà không mài…
Theo giám tuyển Lý Đợi, nhìn lại lịch sử tranh sơn mài nói chung, mỗi kiểu sơn được họa sĩ áp dụng có khác nhau, tạo ra hiệu quả và hiệu ứng khác nhau cho tác phẩm. Trước đây, đã có các quan niệm bảo thủ cho rằng chỉ sơn ta Phú Thọ hoặc sơn mài truyền thống mới đủ sức làm nên tác phẩm mỹ thuật sơn mài đúng nghĩa, các loại khác thì không. Quan niệm này ngày nay đã dần vắng bóng, vì thực tế cho thấy vật liệu hoặc chất liệu chỉ là phương tiện, chẳng thể là cứu cánh, là đích đến của sáng tạo. “Đã có nhiều họa sĩ thành công với các vật liệu và kỹ thuật phi truyền thống, làm cho sơn mài nói chung thêm trẻ trung, phong phú và dấp dẫn. Nhìn như vậy, có thể nói “chất liệu mài tổng hợp” của Ngô Thanh Hùng là một gợi ý thú vị cho số 8 trong “dãy quang phổ” của sơn mài nói chung”, giám tuyển Lý Đợi nhận định.