Thông tin tích cực dồn dập
Đầu tiên, dĩ nhiên là việc hạ lãi suất. Chỉ chưa đầy một tháng sau lần giảm trần lãi suất huy động xuống còn 13%/năm (ngày 13-3), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục giảm thêm 1% nữa, xuống còn 12%/năm kể từ 11-4. Quan trọng hơn, chính sách tiền tệ có vẻ như đang được nới lỏng và có một sự “nâng đỡ” nhất định cho thị trường bất động sản. Đó là những gì mà người ta thấy được qua các động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước, như dù vẫn kiểm soát dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích trong đó có bất động sản (dưới 16% tổng dư nợ) nhưng đã mở hơn đối với các dự án đang xây dựng. Nếu như trước đây, các công trình hoàn thành trong năm 2012 mới được loại trừ ra khỏi dư nợ cho vay bất động sản, thì nay đã mở rộng cả với những dự án nhà ở trong khu đô thị hoàn thành sau năm 2012. Chính sách mới này sẽ tiếp sức cho các chủ đầu tư có những dự án đang dở dang. Lâu nay, những dự án như vậy phải trùm mền do không còn vốn xây dựng tiếp và đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, đặc biệt là tạo nên hình ảnh không đẹp cho đô thị, như một biểu hiện khá u ám.
Từ nay, những dự án nhà ở trong khu đô thị hoàn thành sau năm 2012 cũng được loại trừ ra khỏi dư nợ cho vay bất động sản
Quan trọng hơn, các tổ chức tín dụng đã được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay không trả nợ đúng hạn. Dù theo thông báo, chỉ những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời và đang kinh doanh tốt mới được xem xét, nhưng đây được cho là một tin tốt lành đối với các “con nợ” bất động sản. Thay vì phải bán đổ bán tháo tài sản lấy tiền trả ngân hàng hoặc tài sản thế chấp bị phát mãi để trả nợ, họ sẽ có cơ hội đảo nợ các khoản vay ngắn hạn thành dài hạn. Việc được “ân hạn” này ít ra cũng cho họ thêm thời gian để tiếp tục “cuộc chiến cam go” trước mắt.
Giải cứu – nên và không nên
Việc các ban ngành thời gian qua luôn nghĩ cách giải cứu thị trường bất động sản, đặc biệt là những động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, cũng gây ra những luồng ý kiến trái chiều. Những người theo trường phái “không nên” cho rằng cần để thị trường vận hành một cách tự nhiên. Nếu trước đây thị trường phình lên như bong bóng, thì nay chưa xì được bao nhiêu đã được bơm hơi thêm, ắt sẽ tái phát bệnh và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Giá bất động sản hiện còn vượt tầm với của đa số người dân và một sự nới lỏng tín dụng cho bất động sản sẽ làm méo mó thị trường, khiến giá bất động sản vẫn giữ ở mức cao. Những người theo quan điểm “nên” lại cho rằng giải cứu bất động sản sẽ góp phần ổn định hệ thống ngân hàng, ngăn chặn tình trạng sụt giảm tăng trưởng GDP, góp phần giúp quá trình tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra nhanh hơn. Bất động sản là khâu cuối cùng của các ngành công nghiệp khác như thép, xi măng, vật liệu xây dựng…, nên hỗ trợ cho bất động sản là hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn. Bất động sản bị đóng băng, những khoản nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản “đóng băng” trong ngân hàng sẽ ngày càng thêm xấu. Việc cấp thêm tín dụng cho bất động sản sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường, không chỉ giải thoát cho doanh nghiệp mà gián tiếp gỡ khó cho các ngân hàng, đó là chưa kể những tác động dây chuyền tích cực tới nền kinh tế.