Số báo trước, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã giới thiệu bài viết “TPP và trật tự mới tại châu Á – Thái Bình Dương: Lựa chọn nào cho Việt Nam?”. Kỳ này là bài viết thứ hai của Trương Minh – Đồng Dao.
Dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai của ViệtNamvào EU, nhưng đang bị áp mức thuế cao (11,7%)
Một thông tin làm nóng thị trường xuất nhập khẩu nước nhà thời gian qua: ViệtNamvà EU sẽ bắt đầu đàm phán chính thức Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Phnom Penh hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht đã xác định phạm vi các chủ đề sẽ bàn trong cuộc đàm phán, bao gồm dỡ bỏ các hàng rào thuế và phi thuế quan, các vấn đề về sở hữu trí tuệ và cạnh tranh. EU là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam (lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ), việc thành lập FTA với EU là một cơ hội quan trọng và cũng là một thách thức đáng kể cho nền kinh tế đang hội nhập của Việt Nam, đặc biệt dưới góc nhìn kinh tế “được – thua” của các nhóm khác nhau về lợi ích. Vì vậy, FTA – từ góc độ lý luận lẫn thực tiễn – đã đặt ra nhiều câu hỏi.
FTA: thuận và chống
Khi tham gia FTA, một quốc gia được nhiều lợi điểm mà cụ thể là sự giảm thiểu tất cả các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với tất cả các hàng hóa thương mại; đạt được các cam kết không làm rạn nứt quan hệ thương mại song phương bằng trợ cấp; nhà đầu tư hưởng nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment) theo đó sản phẩm nước ngoài không bị phân biệt đối xử với nhà đầu tư trong nước; không chịu thuế chống bán phá giá; dỡ bỏ rào cản đối với hầu hết các loại hình thương mại dịch vụ,…
Việc một quốc gia sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường của các thành viên còn lại một cách dễ dàng hơn góp phần tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự đồng thuận giữa các thành viên trong FTA sẽ tạo ra những điều lệ cho việc vận hành thương mại và các hoạt động liên quan đến thương mại cũng như những cam kết chung trong việc dỡ bỏ các rào cản hạn chế sự giao thương. Tự do thương mại – theo các nhà kinh tế trường phái tự do – đóng vai trò tiên yếu trong việc chuyên môn hóa sản xuất và thúc đẩy “bàn tay vô hình” của thị trường hoạt động. Đối với các nhà sản xuất không phải lo mình thiếu tư liệu sản xuất hay sản phẩm ở các lĩnh vực khác, có thể chuyên tâm phát triển thế mạnh của mình. Đối với người tiêu dùng, họ được quyền lợi tiếp cận sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ để tiết kiệm chi tiêu và đa dạng hơn về sở thích.
Tuy nhiên, cũng tồn tại không ít sự thận trọng, e dè hay thậm chí phản đối FTA. Việc dỡ bỏ rào cản thương mại sẽ tạo ra thất nghiệp cấu trúc trong ngắn hạn. Khi hội nhập vào thị trường toàn cầu, những chu kỳ thương mại quốc tế sẽ gây nên sự bất ổn định cho nền kinh tế nội địa. Môi trường cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường cũng là một thách thức lớn. Việc thực thi các điều khoản và thỏa thuận trong FTA và áp dụng chúng vào kinh doanh cũng là một vấn đề phức tạp. Quan trọng hơn đối với các nước đang phát triển, do trình độ phát triển của các nước không đồng đều, việc cuốn theo trào lưu tham gia vào các hiệp định mậu dịch tự do sẽ gây ra nhiều tác động cho nền sản xuất trong nước. GS Trần Văn Thọ tóm tắt thách thức trên bằng khái niệm “bẫy tự do thương mại” với hàm ý: việc dỡ bỏ (hầu hết) các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, trong bối cảnh chưa xây dựng đầy đủ nội lực cho những ngành công nghiệp có tiềm năng, sẽ làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của những nước đi sau. Lợi thế so sánh lúc này không thể nâng tầm lên một nấc cao hơn, dựa trên thế mạnh công nghệ hay kỹ thuật, mà chỉ loay hoay xung quanh lợi thế nhân công rẻ hay trưng dụng tài nguyên thô.
FTA Việt Nam – EU: Màu trắng, đen hay xám?
Khi FTA EU – Việt Nam hình thành, việc cắt giảm thuế đối với hầu hết các sản phẩm trong khuôn khổ FTA sẽ mang lại những ích lợi to lớn cho Việt Nam khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU (đặc biệt với những mặt hàng bị sức ép cạnh tranh mạnh từ phía Trung Quốc, nước chưa ký kết FTA với EU). Hiện nay, năm sản phẩm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào EU là giày dép: 4,5 tỉ USD, dệt may: 2,3 tỉ USD, cà phê: 1,4 tỉ USD, thủy hải sản: 1,1 tỉ USD và đồ nội thất: 1 tỉ USD, chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu vào EU năm 2008 (65% năm 2009) với chỉ số tập trung (chỉ số Herfindahl-Hirschman) tương đương 0,12 (mức vừa phải). EU đang áp mức thuế tương đối cao đối với các sản phẩm xuất khẩu quan trọng của ViệtNam(dệt may: 11,7%, thủy sản: 10,8% và giày dép: 12,4%) và mức thuế cao nhất (hơn 57%). Tại một hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào năm ngoái, Tổng thư ký Hiệp hội Sản xuất chế biến gỗ và lâm sản đánh giá cao vai trò của FTA trong việc ổn định mức thuế suất cho các sản phẩm gỗ xuất từ ViệtNamsang thị trường EU.
Tại một hội thảo khác về “Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam – EU: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức tại Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đưa ra hai góc nhìn về vấn đề FTA ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của nước nhà. Một là giảm thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo FTA sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tăng xuất khẩu, nâng cao con số 15,446 tỉ USD xuất khẩu (khoảng 18% thị phần xuất khẩu của Việt Nam năm 2010), vào thị trường đầy tiềm năng này. Tuy vậy, lưu ý thứ hai của vị cựu bộ trưởng nhấn mạnh vào những khó khăn hai bên sẽ gặp phải trong quá trình đàm phán sắp tới, đặc biệt là vấn đề về hàng rào kỹ thuật thông qua các thông số về vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật hay vấn đề về môi trường trong các sản phẩm hàng hóa muốn đi vào thị trường EU (VNE, 30-3-2011). Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may ViệtNam, ông Lê Văn Đạo cũng cùng quan điểm rằng vấn đề xuất xứ cũng sẽ là một rào cản lớn cho doanh nghiệp ViệtNamtận dụng lợi điểm về cắt giảm thuế quan.
Nhìn tổng quát, khó khăn lớn nhất mà ViệtNamgặp phải khi tham gia FTA với EU nằm ở sự chênh lệch về trình độ phát triển và sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam phải tự củng cố năng lực để có thể thích nghi với môi trường mới, khi song song với việc các hàng rào thuế suất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU được cắt giảm, thì Việt Nam cũng phải giảm thuế suất cho hàng hóa xuất khẩu của EU vào thị trường Việt Nam. Khả năng “thua ngay trên sân nhà” – như nhiều chuyên gia cảnh báo – là viễn cảnh thực tế, khi biết rằng một số mặt hàng hay sản phẩm của EU trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có lợi thế cạnh tranh cao hơn. Khả năng này vừa là một nguy cơ, vừa là một cơ hội cho chúng ta tự “nhìn” lại mình. Cuộc tranh luận WTO năm 2007 vẫn còn nóng hổi với tiền đề đặt ra là sức ép từ bên ngoài thúc đẩy nền kinh tế ViệtNamthay đổi theo hướng hoàn thiện hơn. Sự đào thải của các doanh nghiệp có sức cạnh tranh kém hơn sẽ được thúc đẩy nhanh hơn thông qua sự cọ xát với các doanh nghiệp mạnh đến từ bên ngoài, khiến họ phải tự “tái cấu trúc” và tự “thay đổi bản thân”. Lợi ích từ bên trong muốn tiệm cận với lợi ích từ bên ngoài còn cần một quá trình cân bằng về chính sách sao cho các quyết định phân phối tài nguyên, đất đai hay con người đạt hiệu năng cao nhất. Câu hỏi đặt ra là quá trình này tiến hành nhanh tới đâu, để các nhóm bị thiệt hại từ việc mở rộng mậu dịch tự do có thể tính và lựa chọn sớm các bước đi tiếp theo. Tìm được cơ hội trong thách thức mà FTA với EU mang lại, vì thế đòi hỏi sự điều chỉnh từ Việt Nam, không chỉ từ góc nhìn doanh nghiệp, mà còn trong việc định hình chiến lược vĩ mô.
Bức tranh FTA ViệtNam- EU nhiều gam màu, thể hiện nhiều góc nhìn, và sẽ phải tiếp cận nhiều cách khác nhau, dù cho trên bàn đàm phán sắp tới, hay trong việc thỏa thuận và thực thi sau này.
Ảnh T.T
Trương Minh – Đồng Dao