Có ý kiến ví von rằng cố gắng đo lường tham nhũng cũng giống như điều tra về ngoại tình, vì ai dính líu cũng đều tìm cách chối bỏ. Cho nên khi điều tra các tập đoàn kinh doanh, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã đặt cách tiếp cận mới: tìm hiểu độ minh bạch của các doanh nghiệp, trước hết là một số “khủng long kinh doanh” trên thế giới.
Trong đợt thăm dò mới nhất, TI đã xem xét 105 tập đoàn có niêm yết trên các sàn chứng khoán theo ba chỉ tiêu: (1) Quy định nội bộ và quy trình ngừa tham nhũng; (2) Sự minh bạch của cơ cấu tổ chức và (3) Việc công bố mọi thông tin tài chính tại tất cả các nước mà các tập đoàn hoạt động, kể cả thuế đã nộp và đặc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cho chính phủ sở tại.
Hầu hết các công ty trong danh sách đều có những quy định chặt chẽ chống tham nhũng. Tỷ lệ bình quân của chỉ tiêu này đã được nâng lên 69% so với 47% trong năm 2009. Nhiều doanh nghiệp còn phổ biến chi tiết đến các công ty con và chi nhánh. Trong số 105 tập đoàn thì có 45 tập đoàn đạt 100% về tính minh bạch trong cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, đến chỉ tiêu thứ ba thì hầu như tập đoàn nào cũng kín tiếng. Công ty khai khoáng A đã trả 10 triệu USD cho chính phủ nước B để có giấy phép khai thác là chuyện có thật và loại phí này có thể được xem là hợp pháp, nhưng đôi khi chính phủ muốn giữ kín, tuyệt đối không cho phép công ty A tiết lộ để dễ bề tham ô. Do đó, một tập đoàn hoàn toàn minh bạch có thể sẽ gặp khó khăn trong việc ký thêm hợp đồng từ các chính phủ lắm mưu mẹo nhưng lại kiểm soát nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên.
State Oil là tập đoàn quốc doanh thuộc ngành dầu khí Na Uy được bình chọn đứng đầu danh sách các tập đoàn có tính minh bạch cao, nhưng cũng chỉ đạt 50% chỉ tiêu thứ ba. Có tới hơn 30% tập đoàn sở hữu tỷ lệ 0% ở chỉ tiêu thứ ba, còn tỷ lệ bình quân của 105 tập đoàn đã được thăm dò chỉ là 4%.
Các nhà vận động chống tham nhũng thường than phiền là tiền từ dầu khí và khoáng sản là chỗ dựa của nhiều chính phủ tham lam nên kêu gọi các tập đoàn công bố số tiền đã chi ra. Năm tập đoàn đứng đầu danh sách, gồm State Oil, Rio Tinto, BHP Billiton, Arcelor Mittal và BG (đều chuyên về khai thác tài nguyên thiên nhiên) đã đáp ứng đề nghị đó, nhưng nhiều tập đoàn khác rất ngần ngại trả lời các câu hỏi có tính chất “soi mói kỹ” như vậy.
Các tính toán của TI vì thế chưa thể đảm bảo được độ tin cậy cao. Nếu các tập đoàn như Amazon, Google, Bershire Hathaway (đều đang bị xếp gần chót bảng) nâng cao được tỷ lệ thỏa mãn ở chỉ tiêu thứ ba thì tình hình đã khác. TI đã làm tốt việc tập trung quan tâm vào một vấn đề nghiêm túc và tế nhị, nhưng do có những hạn chế ấy mà kết quả thăm dò vẫn được họ cân nhắc thận trọng khi công bố.
T.B theo The Economist