Nếu như chủ nghĩa “Hiện thực huyền ảo” (magical realism) Mỹ Latinh đã ra đời từ nhiều thập niên qua trong văn học thế giới – với đại diện tiêu biểu nhất là nhà văn Colombia Gabriel Garcia Markez – thì những năm gần đây đã xuất hiện khuynh hướng “Hiện thực kỳ ảo” trong làng mỹ thuật thế giới với ngôi sao sáng là họa sĩ tài năng Robert Gonsalves.
Có thể nói hầu như những gì hiện diện trong tranh của Robert Gonsalves chưa từng thấy trong bất kỳ tác phẩm hội họa nào từ trước tới nay. Những sáng tạo của ông pha trộn một cách lạ lùng – với một thoáng hóm hỉnh, ngộ nghĩnh – giữa hình ảnh hiện thực và ảo giác mê hoặc nhưng kích thích trí tưởng tượng của người xem, nhất là vào thời đại huy hoàng của công nghệ số.
Cội nguồn của hội họa Hiện thực kỳ ảo
Sinh năm 1959 tại Toronto (Canada), cậu bé Gonsalves đã say mê vẽ những gì mình tưởng tượng bằng nhiều thứ chất liệu có trong tay. Đến năm 12 tuổi, khi biết kỹ thuật vẽ phối cảnh cũng là lúc Gonsalves khám phá lĩnh vực kiến trúc và bắt đầu sáng tác những bức tranh đầu tiên với các hình khối kiến trúc lạ thường mà cậu bé nghĩ ra. Những năm ở tuổi thiếu niên Gonsalves thích thú phát hiện các khuynh hướng hội họa Siêu thực (Surrealism), Tượng trưng (Symbolism) và Kỳ ảo (Fantasy art), đọc sách văn học và chơi đàn guitar. Gonsalves đặc biệt yêu thích tác phẩm của các bậc thầy Siêu thực như Salvador Dali, Yves Tanguy, René Magritte cũng như của nghệ sĩ đồ họa nổi tiếng người Hà Lan Maurits Cornelis Escher (*). Tất cả các yếu tố kể trên đã trở thành nguồn cội của hội họa Hiện thực kỳ ảo mà Gonsalves là người khai phá sớm nhất.
Khi được hỏi về những sáng tác của ông, Gonsalves cho biết: “Tác phẩm của tôi chứa đựng nhiều yếu tố thị giác ảo hình, tuy nhiên tôi tập trung hơn những gì liên quan đến chủ đề mà tôi muốn diễn tả trong tranh. Tóm lại, tôi muốn nói rằng tranh của tôi về cơ bản là sự ca tụng tính diệu kỳ của tưởng tượng. Khi mà sự tưởng tượng của con người hướng tới một kinh nghiệm sống đơn giản, nó có thể kỳ ảo, thậm chí là siêu việt”. Thật ra, những nguồn cảm hứng sáng tác của Gonsalves có thể tìm thấy trong tính đối ngẫu quan sát được trong cuộc sống: tự nhiên – nhân tạo, thành thị – nông thôn, ánh sáng – bóng tối… Những hình ảnh đối ngẫu ấy được tác giả sử dụng như những hóa thân từ yếu tố này sang yếu tố khác…
Tác phẩm của Gonsalves có khi được các nhà lý luận phê bình hội họa xếp vào khuynh hướng Siêu thực, song điều đó không chính xác bởi có sự khác biệt rõ rệt giữa những tác phẩm của Dali, Tanguy hay Magritte với những sáng tạo của Gonsalves: hình ảnh trong tranh của ông được phác thảo hết sức cẩn trọng và là kết quả của tư duy có ý thức (thay vì từ thế giới của tiềm thức như các nhà Siêu thực). Các ý tưởng tạo hình được mở rộng ta thế giới bên ngoài và dính dáng với các hoạt động được nhận biết của con người nhưng sử dụng một cách cẩn trọng những kỹ thuật tạo ảo giác cho người xem. Nói cách khác, Gonsalves đã “bơm” một cảm giác kỳ ảo vào khung cảnh hiện thực. Và như vậy, thuật ngữ “hiện thực kỳ ảo” là cách mô tả chính xác những sáng tạo của Gonsalves. Cũng có thể nói tác phẩm của ông là cách bày tỏước muốn của con người được tin vào những gì bất khả, được mở lối vào những gì không thể.
Tranh và sách
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, Gonsalves có thời gian hành nghề kiến trúc sư đồng thời vẽ tranh tường và thiết kế sân khấu. Nhưng sau khi nhận được phản hồi tích cực từ công chúng tại Triển lãm Mỹ thuật ngoài trời Toronto 1990, Gonsalves quyết định dành trọn thời gian và sức lực của mình cho hội họa. Và thành công vượt mức đã nhanh chóng đến với ông qua hàng loạt triển lãm không chỉở quê nhà mà còn tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các sứ quán và các tập đoàn, nơi có các sưu tập tranh vẽ và tranh in (số lượng hạn chế) của ông. Riêng tại Mỹ, tranh Gonsalves đã được trưng bày tại hội chợ triển lãm mỹ thuật New York và Los Angeles, triển lãm nghệ thuật trang trí tại Atlanta và Las Vegas và các triển lãm cá nhân tại nhiều gallery như Discovery (Washington DC), Marcus Ashley (California), Hudson River (New York), Saper (Michigan) và Kaleidoscope (Kentucky).
Không chỉ thành danh với tranh, Robert Gonsalves còn được biết đến rộng rãi qua những tập sách tranh được nhà xuất bản danh giá Simon & Schuster in ấn, phát hành khắp nước Mỹ và tại Canada. Năm 2003 là tập Hãy tưởng tượng một đêm (Imagine a night) với 16 bức tranh của ông, do nhà văn nữ người Mỹ Sarah L. Thomson viết lời; sách đã được tạp chí nổi tiếng School Library Journal (Mỹ) mô tả là “một sự tưởng tượng hết sức hấp dẫn vào thế giới của tưởng tượng” và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người đọc. Sự thành công đó khiến nhà Simon & Schuster ấn hành tiếp tập Hãy tưởng tượng một ngày (Imagine a day) năm 2004 và tập sách tranh thứ hai này nhận được giải thưởng lớn của Toàn quyền Canada năm 2005 dành cho sách văn học có tranh minh họa. Như lời giới thiệu của Amazon.com, với hai tập sách nói trên Robert Gonsalves “đã trải dài những giới hạn của khám phá thị giác bằng những bức tranh ngoạn mục của ông và khuyến khích các bậc phụ huynh cùng con em cùng hướng tới những giới hạn của sự tưởng tượng và thế giới đời thường”. Năm 2008, nhà Simon & Schuster ấn hành tập Hãy tưởng tượng một nơi (Imagine a place) và nhà văn Sarah L. Thomson vẫn tiếp tục cộng tác với Gonsalves ở tập sách thứ ba.
(*) Nghệ sĩ đồ họa Maurits Cornelis Escher (1898-1972), còn gọi là M.C Escher, được biết đến với những tranh khắc gỗ, in thạch bản và in bản khắc kim loại, thể hiện những kiến trúc bất khả thi cùng những khám phá về chiều kích không gian gần gũi với toán học
- Lê Bản