Nếu chúng ta thực sự muốn giúp đỡ người khác, trước hết chúng ta cần đặt mình trong thế giới của họ, đừng kỳ vọng là họ sẽ tự đi đến với thế giới của chúng ta.
Trong quyển sách của tác giả Margaret Parkin mang tên Các câu chuyện để hướng dẫn nhân viên (NXB Kogan Page phát hành năm 2001) có một đoạn dẫn giải như sau: Đây là một câu chuyện cảnh báo cho những ai hay sử dụng nguyên tắc “Thứ này có tác dụng với tôi nên cũng sẽ có tác dụng với bạn”.
Chuyện gì mà có vẻ quan trọng quá vậy? Ngay sau những dòng đó, Parkin đã kể câu chuyện Làm một cặp mắt kính, lược dịch như sau:
Một người lo cặp mắt của mình có vấn đề nên tìm tới người bạn chuyên cung cấp kính trị bệnh về mắt. Anh đề nghị bạn làm tất cả các công đoạn khám cần thiết cho mình. Sau khi thực hiện đầy đủ, người bạn kết luận: “Anh bị cận thị, song tình trạng cũng không đáng lo lắm vì anh chỉ cần dùng một cặp kính cận là ổn”.
- Xem thêm: Ý nghĩa của công việc
Do biết bạn mình có ít thời giờ rảnh rỗi nên người bán kính đã gỡ ngay cặp kính cận của chính mình ra và nói: “Chỗ bạn bè, vì không có nhiều thời giờ chờ đợi, anh cứ dùng tạm cặp kính này của tôi đi. Kính tốt lắm đấy!”. Người nhận hơi ngạc nhiên, rồi cũng miễn cưỡng đeo cặp kính cận ấy và thử đưa mắt nhìn dòng chữ phía xa. Thế nhưng anh ta buộc phải than phiền: “Nhìn chữ nhòe quá!”.
“Vô lý, sao lại như vậy được! Tôi đã dùng nó năm năm rồi và nhìn rất rõ mà. Hãy thử đeo lại xem sao!”. Người nhận cố gắng đeo kính lần nữa nhưng vẫn phải nói ra sự thật: “Còn tệ hơn, anh ạ! Tôi chẳng nhìn thấy gì cả!”. “Vậy thì chắc là mắt anh có gì không ổn rồi. Tôi chưa bao giờ gặp trục trặc với cặp kính này” – anh bạn bán kính kết luận.
Người đến khám mắt đứng lên, đưa trả lại cặp kính: “Thôi, chắc tôi phải tìm nơi khác rồi”. Nói đoạn, anh ta bỏ đi, để lại sau lưng người bạn với dáng vẻ thất vọng vì lòng tốt của mình đang bị thử thách…
Chuyển từ câu chuyện trên sang chuyện quản trị kinh doanh. Trước mỗi tình huống xảy ra, nhà quản trị thường có cách ứng xử bằng một giải pháp của mình, nhưng những giải pháp có sẵn không phải lúc nào cũng hữu dụng. Cũng giống như cặp kính chữa bệnh mắt, có giải pháp có tác dụng cho tình huống này nhưng chưa chắc đã có tác dụng cho tình huống khác. Mỗi giải pháp đều cần thích ứng với đúng bối cảnh cần đến chúng.
Vấn đề ở đây không phải là vì lý do tiết kiệm thời gian, mà do người ta hay thiên về sử dụng các giải pháp có sẵn. Nhà quản trị cần xem xét kỹ tình huống đang xảy ra để phát hiện đâu là những điều cần tác động thì mới giải quyết được tốt tình huống ấy. Bên cạnh nhiều giải pháp sẵn có, nhà quản trị phải tự tìm ra một vài giải pháp mới đủ sức đáp ứng tình huống mà mình đang phải đối mặt, thậm chí có khi còn phải đi tìm nhà tư vấn bên ngoài doanh nghiệp để hợp tác, cùng đưa ra một giải pháp hợp lý nhất.
- Xem thêm: Hết lòng vì khách hàng
Khi có trong tay một số giải pháp “trị bá bệnh”, nhà quản trị cần tỉnh táo để đánh giá khả năng của từng giải pháp, hiểu được giải pháp nào phù hợp với tình huống nào, cũng giống như trường hợp có cặp kính cận để chữa bệnh cận thị, song không thể đưa cặp kính của mình cho người khác dùng tạm.
Sự thích hợp của một giải pháp với tình huống xảy ra trong thực tế cũng quan trọng như bản thân giải pháp. Nếu không, các giải pháp đều đẹp cả, nhưng chỉ có giá trị tham khảo mà thôi.