Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc, thông qua Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán đồng nhân dân tệ (NDT) trực tiếp trong giao dịch tại Việt Nam.
Lý do được họ đưa ra là:
– Nhu cầu giao dịch, thanh toán đồng NDT của Trung Quốc tại Việt Nam khá lớn và ngày càng tăng theo mức độ phát triển thương mại giữa hai nước. Dẫn chứng tại thị trường biên mậu Việt-Trung, tính đến cuối năm 2013 ước tính thanh toán bằng đồng tiền này đã lên đến 15 tỉ USD.
– Nếu thị trường thanh toán NDT được mở rộng vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch thì NHNN có thể quản lý nguồn vốn này một cách có hiệu quả.
– Thanh toán thương mại từ USD được thay bằng NDT cũng chỉ là sự thay thế về đồng tiền mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Trong chừng mực, kiến nghị này thể hiện một ý đồ xâm thực thương mại bằng tiền tệ và thiếu tính thuyết phục xét trên từng lý do được nêu cũng như dưới nhiều góc độ:
Trước tiên, giao dịch thanh toán bằng NDT tại thị trường biên mậu Việt-Trung được thực hiện theo Quyết định số 11 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21-5-2014 về việc ban hành quy chế thanh toán trong trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là quy định về phương thức lưu thông NDT một cách hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó đa phần trong số 15 tỉ USD kim ngạch thanh toán biên mậu bằng NDT được thực hiện thông qua con đường không phải chính ngạch. Và cũng vì vậy mà lập luận nói rằng nếu mở rộng thị trường thanh toán NDT trong nội địa sẽ giúp NHNN quản lý nguồn vốn này một cách hiệu quả thì thật khó hình dung nếu không muốn nói tình hình quản lý đồng vốn sẽ rối ren thêm.
Thứ hai, lập luận cho rằng thay thế phương tiện thanh toán thương mại từ USD bằng NDT chỉ là sự thay thế đồng tiền thanh toán chứ không liên quan gì đến xuất siêu, nhập siêu giữa hai nước, chỉ là “cách nói cho được”. Tại sao vậy? Bởi trong thanh toán thương mại quốc tế, việc sử dụng một đồng tiền không có tính tự do chuyển đổi hoàn toàn như đồng NDT không phải là sự chọn lựa thông minh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang cố gắng tạo ảnh hưởng trong quan hệ giao thương quốc tế để NDT có thể trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi hoàn toàn.
Tiến sĩ Lưu Ngọc Trinh, Giáo sư Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khi bàn về nguy cơ của nền kinh tế Việt Nam trước nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT đã nêu ra một ví dụ cụ thể: Giả sử Trung Quốc cho Việt Nam vay 700 NDT tương đương 1 USD/7 NDT. Năm năm sau, nếu NDT lên giá 1 USD/6 NDT thì để trả được 700 NDT chúng ta phải trả 117 USD tức mất thêm 17 USD, đồng nghĩa với việc dự trữ ngoại tệ hao hụt thêm 17 USD.
Đối với doanh nhân Việt Nam, nếu phải lựa chọn nguồn thu thì đa phần sẽ chọn đồng USD vì đồng tiền này mang lại nhiều sự lựa chọn, nhiều lợi ích hơn do khả năng chuyển đổi của nó. Điều này nếu mở rộng trên bình diện quốc gia cũng hoàn toàn đúng. Việc phải nhận hoặc giữ một khối lượng quá lớn NDT không có tính tự do chuyển đổi sẽ là một bất lợi và rủi ro lớn trong trường hợp quan hệ hai nước xấu đi. Điều này lại không xảy ra với việc nắm giữ đồng ngoại tệ mạnh như USD hay euro.
Nhìn dưới góc độ chủ quyền tiền tệ thì kiến nghị của Hiệp hội Doanh nhân Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc là vi phạm chủ quyền tiền tệ của chúng ta mà theo Hiến pháp thì trên đất nước Việt Nam chỉ lưu hành duy nhất một đồng tiền, đó là đồng Việt Nam, tất cả đồng tiền khác phải được chuyển đổi sang đồng tiền của Việt Nam.
Suy nghĩ trên đây khiến chúng ta mong rằng NHNN sẽ nói KHÔNG với kiến nghị của phía Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Hiệp hội Doanh nhân Trung Quốc tại Việt Nam.
Thiên Khôi (DNSGCT)