Nhằm tạo điều kiện cho những đối tượng thu nhập thấp tại đô thị được cải thiện về nhà ở, đồng thời hỗ trợ giải quyết tồn kho bất động sản, từ hai năm trước, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng để những đối tượng này được vay mua nhà ở với lãi suất ưu đãi. Với nhiều người, gói hỗ trợ lãi suất này là một chỗ dựa tốt để họ có thể hoàn thành giấc mơ sở hữu một căn hộ. Nhiều doanh nghiệp cũng dựa vào gói hỗ trợ này để chiêu dụ người mua.
Sự trợ giúp của chính sách như vậy có thể nói là khá thiết thực, giúp nhiều người mua được nhà, thị trường có động lực để thoát khỏi tình trạng đóng băng. Tuy nhiên, đối tượng chính mà chính sách hướng tới là những người nghèo đô thị chưa có nhà ở sẽ rất khó để đạt được. Đơn giản vì giá bất động sản của nước ta, đặc biệt là tại các đô thị lớn hiện vẫn còn quá cao so với mặt bằng thu nhập chung. Nếu so sánh giữa giá nhà và thu nhập, không cần phải là chuyên gia cũng thấy rằng, không phải giá nhà ở Việt Nam quá cao mà do thu nhập trung bình của người dân còn thấp. Vậy nên, dù gói tín dụng hỗ trợ về nhà ở được giải ngân nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, cũng mới chỉ phần nào thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận nhỏ người dân mà thôi. Những ưu đãi về hỗ trợ lãi suất, thời gian vay vốn dù đã khá hấp dẫn nhưng khoản tiền cần có để mua được một căn hộ giá rẻ hay nhà ở xã hội vẫn là quá sức với nhiều người.
Tất nhiên, những nhà hoạch định và thực thi chính sách không thể một sớm một chiều rút ngắn được khoảng cách giữa mức thu nhập chung với giá bất động sản. Nhưng chính sách có thể giúp cho người thụ hưởng dễ dàng tiếp cận sự hỗ trợ hơn, cụ thể trong trường hợp này là giúp lãi suất cho vay giảm hơn nữa. Sau gần hai năm triển khai, đến nay số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay từ gói 30 ngàn tỉ đồng vẫn chưa được một phần ba. Nguyên nhân do chính sách trước đây khiến cho đối tượng được vay từ gói này còn ít, bị giới hạn ở những dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán không quá 15 triệu đồng/m2. Nhưng nay, sau Nghị quyết số 61/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, theo đó thời gian hỗ trợ được kéo dài từ 10 năm lên thành 15 năm, bổ sung một số đối tượng được vay vốn như mua nhà ở, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở của mình, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở xã hội… thì nguồn vốn ưu đãi này có thể sẽ được giải ngân nhanh chóng.
Mới đây nhất, ngày 29-12-2014, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 2788/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2015 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói 30 ngàn tỉ đồng. Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2015 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở này là 5%/năm và quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ
1-1-2015. Có thể nói, quyết định này cùng với việc thay đổi điều kiện cho vay, giảm lãi suất vay của gói 30 ngàn tỉ đồng trước đó là dẫn chứng cho thấy những người làm chính sách đã rất cố gắng nhằm bắt kịp với thực tiễn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay nói trên vẫn chưa phù hợp lắm với thực tế. Mức 5%/năm là rất thấp nếu so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm và cho vay cao của những năm trước. Còn trong bối cảnh lạm phát thấp hiện nay, các ngân hàng dư vốn, lãi suất tiết kiệm khoảng 4 – 5%/năm, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng chỉ 5 – 6%/năm thì mức 5%/năm chưa thể gọi là quá ưu đãi. Vậy nên, nếu thực sự xem những người được vay ưu đãi mua nhà, đặc biệt là nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay thuộc gói 30 ngàn tỉ đồng. Lãi suất trong khoảng 3 – 4%/năm sẽ giúp những người được vay vốn thêm nhẹ gánh và sản phẩm bất động sản giá rẻ sẽ có cơ hội đến tay người muốn sở hữu.
Hồng Thuận (DNSGCT)