Nguồn gốc thần thoại
Tết là một trong các tục lệ truyền thống của vùng Đông Á. Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng ngày xưa có một con yêu quái chuyên quấy phá làng Hoa Đào vào dịp đầu năm. Nó tên là Niên (Nian), sống dưới đáy biển sâu, chỉ bò lên bờ đúng vào đêm giao thừa. Sau khi tiến vào làng, nó ngấu nghiến gia súc, gia cầm, tàn phá nhà cửa. Vì sợ Niên, mọi người phải trốn lên núi mà tránh.
Một cuối năm, khi ai nấy đều lo khăn gói chuẩn bị chạy Niên, trong Hoa Đào xuất hiện một ông lão râu tóc bạc phơ. Ông tay gậy tay bị, xin thức ăn. Chẳng ai còn lòng dạ nào quan tâm tới ông lão lạ mặt, ngoại trừ một phụ nữ luống tuổi. Bà mang cơm ra cho và bảo ông cùng lên núi trốn Niên. Ông lão khất thực không những chẳng sợ hãi mà còn cười. Ông hứa nếu người phụ nữ cho phép mình ngủ nhờ trong nhà, sẽ đuổi Niên hộ.
Thuyết phục không được, người phụ nữ đành mặc kệ ông lão ăn xin ở lại một mình. Nửa đêm giao thừa, Niên quen thói mò vào làng. Nó lập tức nhận ra có điều khác lạ. Nhìn ngang nhìn dọc, Niên phát hiện tờ giấy màu đỏ dán trên cửa nhà người phụ nữ tốt bụng nọ. Trong nhà không tối đen mà thắp nến sáng bừng. Nó điên tiết lao tới, nào ngờ vừa đến cửa đã bị dọa cho giật mình bởi tiếng pháo nổ vang. Ông lão khất thực mở cửa bước ra, toàn thân bận quần áo màu đỏ, ngửa mặt cười ha hả. Niên kinh hoàng, bỏ chạy trối chết.
Khi dân làng Hoa Đào quay trở lại, họ ngạc nhiên thấy làng mạc vẫn vẹn nguyên. Nhìn xác pháo trước sân và mảnh giấy đỏ vẫn còn dán trên cửa nhà người phụ nữ đã cho lão ăn mày ngủ nhờ, họ đoán biết chuyện gì đã xảy ra. Kể từ đấy, cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, người Trung Quốc lại lo dán giấy đỏ, mặc trang phục màu đỏ và đốt pháo. Đêm giao thừa, nhà nhà thắp đèn sáng choang. Thời khắc cuối cùng vừa điểm, tiếng pháo liền rền vang. Người người vui vẻ cất tiếng cười, chào đầu xuân mới.
Hán Vũ Đế ấn định ngày
Cũng theo truyền thuyết Trung Hoa, Tết Nguyên đán bắt đầu từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế (2852-2205 TCN). Có điều, cả “Tam Hoàng” lẫn “Ngũ Đế” đều là bán thần thoại nên không thể lấy đó làm căn cứ xác định ngày ra đời của Tết.
Bằng chứng xác thực về Tết Nguyên đán sớm nhất là vào thời Nhà Thương (1766-1122 TCN). Cái nôi của người Hán là khu vực sông Hoàng Hà. Họ sống dựa vào nông nghiệp. Như mọi dân tộc phụ thuộc vào nghề nông, người Hán cũng “trông trời, trông đất, trông mây”. Họ tính toán chu kỳ thời gian, vạch ra lịch âm lịch.
Mỗi năm, cứ đến dịp cuối đông, người Hán thời nhà Thương lại lo tập trung thức ăn, hoa quả, vải vóc tại địa điểm tế thiên địa. Họ kính dâng lên cho Thiên đế, Thổ địa cùng các vị thần mùa màng khác, cầu mong cho năm sau mưa thuận gió hòa. Hình thức cúng tế cuối năm này chính là tiền thân của Tết Nguyên Đán. Nó được tổ chức vào ngày 1-12 âm lịch hàng năm.
Sang thời nhà Chu (1046– 56 TCN), “Tết Nguyên đán sơ khởi” được tổ chức rộng khắp. Hầu hết các khu vực đông đúc dân cư đều có thông lệ mừng Tết. Thời gian tổ chức sớm hơn thời nhà Thương, rơi vào ngày 1-11. Đến thời nhà Hán (202TCN-220), người Hán mới đẩy ngày tế lễ thiên địa sang ngày mùng 1-1 của năm mới.
- Xem thêm: Đầu năm, đi chùa lễ phật
Theo ghi chép sử của Trung Quốc, Hán Vũ Đế (30.6.156-29.3.87 TCN), hoàng đế thứ 7 của triều Hán là đức vua đã xác định ngày 1-1 âm lịch là Tết Nguyên đán. Ông kế vị vua cha Hán Cảnh Đế từ năm 16 tuổi, nổi tiếng là vị vua trị vì sáng suốt và lâu dài nhất lịch sử Trung Hoa. Sau khi lên ngôi và xem xét các tục lệ thờ cúng của bách tính, Vũ Đế cảm thấy thời gian tổ chức có phần chưa được hợp tình hợp lý. Suy đi tính lại, ông thấy nên dời ngày, cuối cùng quyết định chọn ngày mùng 1-1. Ngày này vừa là thời điểm kết thúc năm cũ, cũng là lúc bước sang năm mới. Nó cực kỳ thích hợp cho việc “tống cựu nghênh tân”, xua đuổi vận xui và chào mừng dịp may.
Bách tính người Hán nhiệt liệt hưởng ứng. Họ cũng sáng tạo thêm một vài nghi thức đón mừng khác, ví dụ như thức thâu đêm giao thừa và đốt tre. Ống tre khô, đặc biệt là ống trúc kín hai đầu, khi bị đốt cháy sẽ phát ra tiếng nổ. Có lẽ nó được dùng để hỗ trợ (hoặc thay thế) pháo. Mặc dù người Trung Quốc sớm sáng chế ra diêm tiêu (thuốc diêm, từ thời nhà Tần (221-207 TCN)), pháo ban đầu có thể chưa nhiều và thông dụng. Còn những thứ như tre hay trúc thì rất sẵn.
Dần dần có tính chất thế tục hơn
Trước khi bước sang thời nhà Đường (618-907), Tết Nguyên đán vẫn là một hình thức tế lễ cực kỳ long trọng. Các lão niên trong nhà có trách nhiệm cúng tế tổ tiên. Họ sai bảo con cháu chuẩn bị mâm quả, bàn cơm trang nghiêm, bày biện đẹp đẽ. Vào ngày đầu xuân, tất cả đều phải ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng. Sau khi thắp hương, lễ bái trước bàn thờ theo đúng tập tục đón Tết, các cao niên sẽ quay ra nhận lễ của con cháu. Các con cháu phải quỳ lạy, kính cẩn chúc thọ các bậc trưởng bối trong gia đình.
Đến thời nhà Đường, quy định lễ Tết có phần nới lỏng và mở rộng. Mọi người được phép vui chơi, du xuân. Qua thời nhà Tống (960 – 1279), thuốc nổ được phát minh. Mục đích của nó là chế tạo pháo quân sự, dùng trong chiến tranh, nhưng người Hán cũng nhân tiện làm pháo đốt chơi. Các chợ Tết đều tràn ngập pháo. Hình thức pháo cũng vô cùng đa dạng, “đơn, đôi, bánh” gì cũng có. Đêm giao Thừa, nhà nhà thi nhau đốt pháo. Suốt 3 ngày Tết, họ tiếp tục đốt pháo rầm rộ. Sau bữa cơm tế lễ đầu xuân, người người tràn ra đường, nô nức chúc tụng, chơi xuân…
Sang thời nhà Thanh (1644-1911), Tết còn vui và thế tục hơn nữa. Các loại hình vui chơi ngày Tết như diễn xiếc, múa lân, múa rồng, đi cà kheo… được tổ chức tưng bừng. Từ hoàng cung hoa lệ cho đến những khu vực bách tính nghèo nàn nhất, đâu đâu cũng rộn ràng không khí đón xuân. Mọi người dù có nghèo thế nào, cũng cố gắng “giàu 3 ngày Tết”.
Suýt bị xóa sổ
Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, nhà Thanh sụp đổ. Năm 1912, Tổng thống lâm thời Tôn Trung Sơn (12.11.1866 – 12.3.1925) bước lên vị trí lãnh đạo toàn dân Trung Hoa. Ông đặt tên mới cho quốc gia là Trung Hoa Dân Quốc.
Từ nhỏ, Tôn Trung Sơn đã theo học trường ngoại Iolani, do các thầy cô giáo người Anh giảng dạy. Ông sớm tiếp xúc với Kitô giáo. Văn hóa phương Tây theo lịch dương lịch. Họ cũng có một ngày tết là Tết dương lịch, rơi vào ngày 1-1 hàng năm. Ngay sau khi lên nắm quyền, Tôn Trung Sơn quyết định thay đổi niên đại, xóa bỏ lịch âm để theo lịch dương. Ông lấy ngày 1-1-1912 dương lịch làm thời điểm khởi đầu của Trung Hoa Dân Quốc, gọi là năm Dân quốc thứ nhất. Toàn bộ Trung Quốc phải gỡ bỏ lịch âm, tính toán ngày tháng theo lịch dương.
Khác với “quốc phụ” yêu văn hóa phương Tây và lịch dương, người dân Trung Quốc chẳng mặn mà gì với Tết Tây. Mặc kệ các tổ chức xã hội, chính quyền, trường học… xác định ngày tháng theo lịch dương, mọi người vẫn âm thầm nhẩm lịch âm truyền thống. Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949) đã tồn tại 37 năm. Tây lịch cũng có hẳn 37 năm để soán ngôi âm lịch, nhưng thất bại. Người Hán chỉ “tận tình tận nghĩa” với Tết âm lịch. Chẳng “năm hết Tết đến” nào, họ lại quên sắm sửa, chuẩn bị cỗ bàn cúng tế tổ tiên, cầu bình an trong năm mới.
- Xem thêm: Tháng giêng vị thần gác cửa của năm
Năm 1949, nội chiến Trung Hoa chấm dứt, thắng lợi thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông lên làm chủ tịch nước. Ông tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tết Nguyên đán yêu thích của nhân dân Trung Quốc được khôi phục. Nhà nước Trung Quốc quyết định lấy nó làm lễ hội toàn dân. Trong dịp lễ này, mọi công nhân viên đều được nghỉ việc, học sinh được nghỉ học. Từ tổ chức chính quyền cho đến từng nhà dân, tất cả tưng bừng “tiễn đông, nghênh xuân”.