Ở rể mấy mặt con, bao lần Tết đi chùa lễ Phật, ba thấm cái tình nghĩa Miệt Thứ – miền đất xa thiệt xa và nơi đó, bao con rạch chở nặng tình nước nuôi nghĩa đất sinh thành nhưng chưa hề, có tên tuổi.
Nghe kể lại, lúc nghỉ tay phá rừng làm rẫy, mẹ hay tâm sự với ba về một thời quá vãng. Hồi ngoại sắp nhỏ về mần dâu Miệt Thứ nầy, đêm nghe nghe tiếng thú kêu rừng, ngoại thương cha nhớ mẹ: “Đêm đêm ra đứng hàng ba/ Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn”. Và, tận đáy lòng, ngoại mượn gió đưa lời than thở đến cho ai đó còn nấn ná ở lại chốn quê nhà: “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?”. Bà ngoại theo ông ngoại về Miệt Thứ. Vùng đất Miệt Thứ, người ta đã gọi là đất Thập câu, nghĩa là vùng đất của mười hai con rạch. Rạch có tên tuổi hẳn hoi là rạch mà trước đó, đã có người tới khẩn hoang xác lập, như: rạch Xẻo Vẹt, Xẻo Ngát, Chà Và giả, Chà Và thiệt, rạch Ổ Heo, rạch Nằm Bếp, rạch Kim Quy… Những rạch chưa có người tới khẩn hoang xác lập, thường thì người ta đặt ra Thứ để dễ bề gọi tên rạch. Về sau, người ta đào kinh và cũng lấy Thứ gọi tên con kinh đào, như ở vùng U Minh Hạ.
Nghe mẹ cắt nghĩa, ba nhẩm tính thứ tự theo từng con rạch: rạch Thứ Nhứt, Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư…, và từng con kinh: kinh Thứ Một… tới kinh Mười Hai…
Và cũng theo lời mẹ kể, ba mới biết cái làng ba ở rể là cái làng nghèo nhứt trong các làng chạy cặp mé sông Cái Lớn miệt Rạch Giá xuống tới Khánh Lâm vùng Cà Mau. Người làng, chung tay dựng ngôi Chùa Lá và giao Sư Bổn trụ trì. Hằng năm, sau giờ đón Giao thừa, ngoại chèo ghe đưa mẹ chồng tới lễ Phật ở Chùa Lá và lần nào cũng vậy, mẹ chồng và con dâu đều một lòng cầu xin cho thiên nhiên, cho thiên hạ, rồi mới tới lượt cầu xin cho riêng mình.
Rồi, mẹ nói thơ và câu thơ, là câu hò sông nước miền Tây sông Hậu:
Mẹ chồng lễ Phật, dâu theo
Chùa nghèo trong cái làng nghèo ngày xưa
Thản nhiên bóng đứng giữa trưa
Thời kinh giờ Ngọ cũng vừa tàn nhang
Đầu hồi mai búp nụ vàng
Cuối vườn Xuân đã trổ vàng cánh Xuân
Sau này, cả nhà mẹ theo ba tới Sài Gòn ngụ cư.
Sài Gòn với tên gọi “Hòn ngọc viễn đông” và tôi, choáng ngộp với những ngôi chùa vừa cổ kính vừa nguy nga, tráng lệ! Mẹ tôi, vẫn giữ nếp xưa ở nhà quê “Đi chùa lễ Phật đầu năm” dù tuổi đã cao, và sức mẹ đuối dần theo tuổi.
***
Sài Gòn năng động và náo nhiệt.
Song, trong năng động và náo nhiệt đó, Sài Gòn không mất vẻ thanh tao và sâu lắng của hồn lưu dân bốn phương với tâm nguyện sum vầy! Vì mưu sinh, mẹ tôi rời chốn quê và đành lòng xa ngôi chùa làng – ngôi chùa làng trong cái làng nghèo nơi mà ngoại chôn nhau cắt rún mẹ tôi.
Sài Gòn, chùa trải từ lòng phố đến ngoại thành và mỗi quận, huyện đều có những ngôi chùa tiêu biểu địa phương. Người tinh ý sẽ nhận ra điều không thể mà có thể, là sinh hoạt ồn ào đô thị không lấn áp nổi tiếng chuông chùa công phu chiều thanh tịnh của miền Đất Hứa dành cho người luân lạc. Sài Gòn sở hữu cổ tự, như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Phụng Sơn…, và cả tân tự, như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi, chùa Nam Thiên nhất trụ… Vì vậy, nói về cảnh chùa thì không nơi nào đặc biệt, độc đáo hơn Sài Gòn, bởi những ngôi chùa ở đây, mang phong cách đặc trưng kiến trúc chùa Phật giáo cổ truyền Nam Bộ; đồng thời, có những ngôi chùa xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại, song vẫn giữ hồn truyền thống cổ tự!
- Xem thêm: Lẩy lá mai
Sau thời khắc “Tống cựu nghinh tân”, tôi thay mẹ đi hái lộc đầu năm – vì mẹ già yếu. Mẹ dặn: “Con nhớ chọn hướng xuất hành đầu năm”.
Tôi rụt rè, hỏi: “Thưa mẹ, biết chọn hướng nào để xuất hành cho hợp với vận tốt của con trong năm?”.
Mẹ bảo: “Con chọn hướng đi về cửa Phật!”.
Nhà mẹ gần chùa Giác Lâm, nên tôi chọn hướng xuất hành đi về cửa Phật chùa Giác Lâm, và rưng rưng nhớ lại hồi mẹ còn khỏe, sáng mùng Một Tết, tôi theo mẹ đi chùa Giác Lâm và lễ Phật tại đây. Trong lòng tôi hiểu rằng, đi lễ chùa nhằm thọ lộc và hái lộc. Và, như mẹ nói: “Hái lộc đầu năm đem lại may mắn và người hái lộc sẽ hưởng được tài lộc”.
Thường thì người Sài Gòn không có thói quen giành hay giựt lộc mà họ nhường nhau và chọn những cành lộc non rất nhỏ trên những thân cây mạnh mẽ sức sống ở chủng loài cây, như các loại cây sung, sanh, si, đa, lộc vừng…, với ý niệm: lộc là nụ đầu tiên – nụ đầu tiên của mầm non vừa nhú trong cõi trần gian nơi cửa Phật, hẳn là sự tốt lành trong cả năm.
Nhưng Tết này đã khác, tôi đi chùa lễ Phật không chỉ cho tôi mà còn có trách nhiệm thay cho mẹ với tất cả lòng thành, dẫu không còn ngắt lá bẻ hoa như ngày còn chạy lon ton theo mẹ.
Sài Gòn đầu năm, hơi sương và khói hương bảng lảng khiến lòng người nhẹ tênh giữa phố phường thanh sạch. Hít thở khói nhang trầm thanh thoát, nhịp thời gian dẫn dụ nhịp bước tôi đi theo mẹ vào chính điện chùa Giác Lâm, lạy Phật. Tần ngần, tôi sửng sờ nhìn bộ tượng Thập bát La hán và lối kiến trúc đặc trưng giống như những ngôi chùa Nam Bộ mà tôi từng đi với mẹ thăm viếng.
Bâng khuâng, lòng những bâng khuâng nhớ người xưa đã dựng lên ngôi cổ tự giữa vùng đất đã xảy ra bao điều dâu bể!
Ra khỏi chánh điện, rất nhiều nam thanh nữ tú đi chùa lễ Phật đầu năm với gương mặt rạng ngời, làm tôi nhớ đến câu hò ở quê ngoại:
Anh bưng quả nếp vô chùa
Thắp nhang khấn Phật, thỉnh bùa em đeo
***
Đầu năm mới, nơi cửa Phật, tôi có cảm giác là tôi được tẩy trần, mọi lo toan hay suy tính thiệt hơn… Tất cả, hình như trôi chầm chậm theo tiếng chuông chùa ngân nga trầm mặc. Trong tôi, thanh thản ngưỡng vọng thần linh; bồi hồi biết ơn tiền nhân, tổ tiên đã mở cõi bờ cho con cháu được sống, được có nơi chốn đi về! Và tôi, được lắng lòng chiệm nghiêm giây phút thoát tục:
Tay lần tràng hạt niệm từ
Câu kinh nhật tụng nhuyễn nhừ thời gian…