Đề thi ngữ văn tốt nghiệp của trường tôi năm nay là về hạnh phúc, hay đúng hơn là phải kể về thời điểm hạnh phúc nhất mà mình đã trải qua.
Tôi vẫn nhớ hôm ấy lúc chép đề bài xong, tôi ngồi lại thật ngay ngắn, rồi thử lục tìm trong đầu xem thời điểm nào được xem là hạnh phúc nhất trong quãng đời học sinh mới lớn…
Theo dòng suy nghĩ tôi liền nhớ đến một ngày Chủ nhật chứa chan ánh nắng mặt trời, được cùng ba đi coi một bộ phim hài do Pháp sản xuất, sau đó ghé thăm nhà nội ở con hẻm kế cận. Bộ phim rất tuyệt và tại nhà bà nội cũng vậy, luôn đầm ấm và tràn ngập tiếng cười.
Tôi hăm hở định viết phần mở bài, nhưng chợt nhớ tới lời gợi ý từ cô Ivanka, giáo viên dạy văn cũng là cô giáo chủ nhiệm lớp tôi, rằng con người ta chỉ thực sự cảm thấy hạnh phúc khi làm những điều tốt và có ích cho người khác.
Nếu vậy thì chuyện tôi đi coi phim rồi thăm nội có ích cho ai kia chứ? Tuy có thể không lưu tâm tới sự gợi ý của giáo viên bộ môn, nhưng như thế thì bài tập làm văn của tôi không được quá ba điểm, cho dù điểm trung bình môn ngữ văn của tôi luôn được xếp vào tốp đứng đầu lớp.
Và nếu thế, thay vì được tuyển thẳng lên trung học phổ thông, tôi sẽ bị chuyển qua hệ vừa học vừa làm.
Có lần thầy hiệu trưởng nhắc chúng tôi trong lễ sơ kết học kỳ, rằng hiện tình đất nước đang quá dư thừa đội ngũ trí thức, mà lại thiếu trầm trọng lực lượng công nhân lành nghề.
Tôi liếc sang cô bạn Elena ngồi đầu bàn. Cô đang cắm cúi viết với một niềm hứng khởi kỳ lạ. Những dòng chữ nối tiếp nhau xuất hiện qua tiếng bút miết xoèn xoẹt trên giấy từ chỗ Elena, khiến nhiều đứa đang bí đề tài như tôi càng thêm sốt ruột…
- Xem thêm: Tản mạn về hạnh phúc
Tôi lại nhớ đến một lần trời mưa rất to, má con tôi bắt gặp một ông già say rượu ngủ gục bên lề đường. Má tôi lay ông ta dậy, hỏi địa chỉ rồi kêu xe taxi đưa ông về nhà. Rõ ràng là má con tôi đã làm một việc thật hữu ích.
Nhờ có chúng tôi nên cụ già ấy được ngủ tại nhà mình chứ không phải ở ngoài đường giữa đêm mưa lạnh, khiến những người thân của ông không phải lo lắng.
Hẳn cô Ivanka sẽ đánh giá cao sự kiện này, nhưng riêng tôi thì chưa thể coi đấy là một thời điểm hạnh phúc, càng không thể nói đó là thời điểm hạnh phúc nhất trong đời mình.
Tôi quay qua phía Maria kế bên. Cô này vốn viết nhanh nên tôi chẳng đọc được điều gì. Nhưng tôi dám chắc là Maria sẽ đề cập đến vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi cơ sở thí nghiệm của trường, rồi được ngôi trường kết nghĩa ở Đức tặng cho phòng thí nghiệm khác hiện đại hơn.
Maria rất giỏi các môn tự nhiên cũng như ngoại ngữ, tất cả bạn đồng học đều tin rằng cô sẽ thành đạt trong tương lai. Còn với tôi, theo nhận xét của cô chủ nhiệm lớp thì chẳng có gì đáng tự hào ngoài vốn từ vựng quá phong phú.
Đúng vậy, bởi ngay từ nhỏ tôi đã thích đọc sách. Ba dạy tôi đọc năm mới lên bốn tuổi và từ đó đến giờ lúc nào ba tôi cũng khuyến khích tôi năng lui tới thư viện.
Trong tuần trước tôi tình cờ nghe qua radio một chương trình phát thanh nói về hạnh phúc gia đình. Ai đó khẳng định rằng hạnh phúc là khi con người ta mong muốn một điều gì đó, rồi đạt được điều mơ ước ấy.
Còn với niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đó là khi ta đạt được những điều mà ta hằng mong mỏi và khao khát đến cháy lòng.
Song, một khi ước mơ đã trở thành hiện thực thì niềm hạnh phúc cũng chấm dứt tại đó, bởi vì đấy là quá trình ta mơ ước chứ đâu phải là kết quả của quá trình ấy.
Tôi tự nhủ trong lòng, vậy mình mong muốn điều gì? Tôi muốn được lên thẳng bậc phổ thông trung học, rồi má sẽ thưởng cho tôi một chiếc áo khoác mới.
Còn điều tôi hằng khao khát ư? Tôi cầu mong sau khi tốt nghiệp sẽ thi đậu vào khoa Ngữ văn thuộc Trường Đại học Tổng hợp Sofia và làm quen với ca sĩ Emil Dimitrov, một danh ca thời thượng kiêm chủ tịch danh dự hội sinh viên của trường.
Má thường nói ở tuổi tôi tụi con gái hay mơ tưởng hão huyền, cũng như ham theo đuổi những người đàn ông nổi tiếng.
Hơn ba thập niên trước má cũng từng mất ăn mất ngủ vì anh chàng tài tử Stefan Danailov vô cùng điển trai, siêu minh tinh của loạt phim truyền hình Trên từng cây số đó thôi.
Một nhân vật khó với hiện đang cầm đầu ngành văn hóa quốc gia. Nhưng má tôi đâu có hiểu nổi, rằng tôi thích những người hào hoa phong nhã chứ không thô lỗ cục mịch như đám con trai cùng lớp…
Elena đã lật qua trang thứ tư, vậy mà tôi vẫn ngồi loay hoay lục tìm trong ký ức cái thời điểm hạnh phúc nhất đời mình.
Thực ra chuỗi ngày hạnh phúc của tôi là được ở bên má. Người không bao giờ bắt tôi làm cái này hay cái khác.
Lúc ở nhà với má, tôi có thể làm tất cả những gì mình muốn. Tuy vậy không có má ở nhà vẫn khoái hơn, vì tôi có thể một mình đọc sách và tha hồ suy tư thỏa thích.
Những khi đi vắng, má thường ghi nguệch ngoạc vài chữ trên giấy gài ngoài cửa cho tôi, đại loại như chìa khóa má nhét dưới thảm chùi giày, đồ ăn đã nấu cất trong tủ lạnh, hay khoảng thời gian má sẽ trở về nhà…
Tôi đọc trên báo thấy người ta nói rằng Sofia là một thành phố có tỷ lệ tội phạm hình sự ít ỏi so với số dân. Như vậy có nghĩa thủ đô của tôi thuộc hạng an toàn nhất thế giới.
Cũng phải thôi, bởi nếu thành phố không có trị an tốt thì nhà tôi đã nhiều lần bị trộm viếng vì những lời nhắn lộ liễu của má rồi. Má tôi nói rằng nếu người ta sợ điều gì ắt điều đó sẽ đến.
Ví như nếu tôi sợ kẻ trộm, nhất định bọn chúng sẽ không để tôi yên. Tuy chưa gặp bọn chuyên nhập nha, nhưng cứ hễ lúc nào tôi sợ bị kêu lên bảng trả bài thì y như rằng sẽ không thoát…
Mỗi khi có chuyện buồn, tôi thường hỏi má tôi:
– Con người ta sống để làm gì?
– Để đón nhận những nỗi khổ đau – Má tôi ôn tồn đáp – Đó là một trong những quy luật của cuộc sống.
– Quy luật cho những kẻ dở hơi – Ba tôi lớn tiếng phản đối – Con người sinh ra là để hưởng hạnh phúc trời cho.
– Ba nó còn quên đoạn sau là như loài chim sinh ra để bay – Má thêm vào – Còn gì nữa hả? À phải rồi, rằng sự thương hại hạ thấp con người.
– Tất nhiên, chỉ những kẻ dở hơi mới tìm đến sự thương hại – Ba tôi độp lại – Còn người đàng hoàng luôn tự tin ở chính mình!
Má tôi chợt yên lặng, nhưng tôi biết theo bà thì thương hại người khác chính là sự đồng cảm hay nỗi cảm thông. Thế giới này tồn tại được cũng là nhờ vào mối liên kết bền vững ấy. Đó là khả năng mà không phải ai cũng có được, kể cả những người thông minh và khôn ngoan.
Thực ra ba má tôi hiếm khi gây lộn, có lẽ vì ít gặp mặt. Má tôi công tác tại một viện nghiên cứu như một viên chức cần mẫn, không lúc nào rời khỏi đống tài liệu trước khi hết giờ hành chánh.
Còn ba tôi thì làm ở một xưởng in theo ca từ ba giờ chiều đến tận khuya. Có những hôm ba tôi trở về nhà lúc trời đã tảng sáng. Những lúc như thế má hay buồn và lo nghĩ vẩn vơ nên tôi thường lẻn sang ngủ cùng. Có lần má tôi nói:
– Có lẽ ba má phải chia tay thôi…
– Nhưng vì sao, thưa má? – Tôi lo lắng hỏi.
– Ba chẳng để ý gì đến má cả. Lâu lắm rồi má cũng không biết thế nào là đi coi kịch hay xem phim, cũng không thể nhớ nổi rằng ba má cùng đi dạo lần gần đây nhất là bao giờ nữa. Rồi việc nhà cũng chỉ mình má cáng đáng…
– Thế trước đây không như vậy sao? – Tôi gặng hỏi thêm.
– Lúc nào mà chẳng thế.
– Vậy sao má không chia tay ba mười năm về trước mà để đến tận bây giờ?
– Lúc ấy con còn quá nhỏ nên má không muốn con có một tuổi thơ bất hạnh.
– Má nghĩ gì kỳ vậy! Mười năm trước khi con còn bé và chưa biết gì thì má muốn giữ hạnh phúc cho con. Còn bây giờ lúc con bắt đầu hiểu đôi điều về cuộc sống thì má lại định chia rẽ tình cha con hay sao?
– Trước mắt con là cả một tương lai dài… Còn má, má cũng phải được quyền hưởng hạnh phúc chứ…
Quả thực tôi không thể hiểu tại sao một phụ nữ trung niên như má, có một gia đình nề nếp cộng với một công việc hằng say mê từ thời học sinh, ở cơ quan thì luôn được bạn bè và đồng nghiệp quý trọng vị nể, mà vẫn còn mong muốn cái niềm hạnh phúc siêu thực nào đó.
Đã nhiều đêm tôi trằn trọc không sao ngủ được, cố tìm cho ra câu trả lời. Nhưng cố gắng lắm tôi cũng chỉ có thể đưa ra một giả thiết, rằng có thể do ba má duy trì lối sống buồn tẻ đơn điệu không giống những gia đình khác.
Tuy từ nhà tôi không bao giờ phát ra những lời miệt thị hay khóc lóc, nhưng cũng vắng cả tiếng cười hân hoan. Trong nhà tôi dường như mỗi người có một thế giới riêng, nếu không có tôi ở nhà có lẽ chẳng ai nghĩ trong nhà có người.
Tuy vậy theo đánh giá của những người cùng chung cư thì nhà tôi được xếp vào loại gia đình văn hóa, một dạng kiểu mẫu như tấm gương sáng để mọi người thấy đó mà noi theo…
– Thế má đã gặp ở đâu những người hạnh phúc tuyệt đối chưa? – Tôi tiếp tục căn vặn bà.
Má tôi lại im lặng, chắc đang cố tìm cho ra một hình mẫu như ý. Nhưng tôi tin là má không thể nào tìm thấy được.
Như cô Maya dưới lầu một trẻ hơn má tới năm tuổi, ốm hơn má mười ký với vẻ người rất chuẩn cùng khuôn mặt xinh xắn, vậy mà cô ấy vẫn chưa có chồng.
Lúc này tôi chợt nhớ đến câu ba tôi thường nói, rằng nếu có nỗi thống khổ hay niềm bất hạnh của kẻ khác để soi vào, thì mới vỡ lẽ ta còn hạnh phúc hơn rất nhiều người.
Có lẽ vì buồn tủi nên má nói vậy thôi, chứ tôi thừa biết và tin rằng ba má vẫn còn yêu nhau lắm. Thấy má có vẻ ngơ ngác, tôi giục:
– Trễ rồi, ngủ đi má! Đừng suy nghĩ lung tung nữa.
Tôi nằm ôm lấy má tôi, những giọt nước mắt của người thấm ướt cả gối… Tiếng chìa lọc xọc tra vào ổ khóa. Ba bước nhón chân nhẹ nhàng…
Nghe tiếng ba đã về nên má có vẻ yên tâm hơn, người ôm ghì lấy tôi rồi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng ôm chặt bà như gìn giữ một báu vật…
Tự dưng tôi mong ba má tôi mau già đi, xấu xí hơn để họ chỉ cần cho nhau và cần cho tôi, để không ai còn nghĩ tới chuyện đi tìm niềm hạnh phúc khác…
Có lẽ con người ta khi được sống dư dật đôi chút và có nhiều thời gian rảnh rỗi, họ sẽ hay nghĩ ngợi lan man để rồi càng nghĩ càng thấy mình bất hạnh.
- Xem thêm: Hạnh phúc
Nikolai đầu bàn đối diện đã mang bài lên nộp cho cô Ivanka. Tôi đoán thời khắc hạnh phúc nhất với nó là sự kiện công bố toàn bộ di sản của ban nhạc Beatles, bởi nó tỏ tường mọi chuyện về ban nhạc Anh bất hủ này.
Tôi nhìn đồng hồ treo phía trên bảng, mười sáu phút nữa là hết giờ nên không còn thời gian để nghĩ ngợi lung tung nữa rồi.
Nếu cứ tiếp tục lan man thế này thì tôi sẽ nhận điểm dưới trung bình mất, để rồi qua trường vừa học vừa làm thành thợ tiện, thợ hàn hay thợ dệt vải chẳng hạn.
Vâng, một cô thợ dệt với vốn từ vựng phong phú có khả năng ghi lại một bản nhạc bất kỳ chỉ sau vài lần nghe. Tôi nghĩ hay là viết về cái ngày chúng tôi tổ chức trồng cây quanh sân trường.
Tôi đã đọc ở đâu đó là một con người trong cuộc đời mình cần phải làm được ba việc hữu ích gồm trồng cây lưu niên, sinh con đẻ cái và viết một quyển sách đề cập đến thời đại mình đang sống.
Như thế chắc mẩm tôi sẽ đạt điểm sáu(*) về nội dung, còn cú pháp hành văn thì tôi chẳng lo mấy, bởi chưa bao giờ tôi viết sai dù chỉ một lỗi chính tả nhỏ nhất.
Tôi lại nhìn đồng hồ, chỉ độ hơn mười phút nữa là trống điểm báo hết giờ thi, chẳng còn thời gian để suy nghĩ nữa rồi.
Tôi liền chấp bút viết một hơi liền mạch. Không hiểu sao tôi vẫn cứ quyết định viết về ngày Chủ nhật được ba đưa đi coi phim rồi ghé thăm bà nội.
Lúc này tôi không hề nghĩ đến lời dặn của cô chủ nhiệm hay chuyện điểm số. Tôi chỉ nhớ rằng cuốn phim hài mắc cười đến chảy nước mắt. Tôi đã cười lớn đến nỗi người đàn ông ngồi hàng ghế sau phải lên tiếng nhắc khéo.
Còn ở nhà nội thì như mọi khi luôn đầm ấm và vui vẻ. Chúng tôi cùng ăn món cá muối ngon tuyệt của bà, tuy má tôi thường chê món cá nội làm có mùi khó chịu.
Bản thân tôi thấy chuyện ăn uống đâu có gì quan trọng, điều có ý nghĩa hơn cả là bầu không khí gia đình chan hòa ấm cúng.
Mọi người ở nhà nội rất quý tôi và tôi cũng quý mến họ. Những lúc như thế này cả nội lẫn ba và tôi thường say sưa ngắm nhìn nhau. Đôi mắt màu nước biển của tôi rất giống ba, trong khi ba lại thừa hưởng màu mắt di truyền từ nội.
Tự dưng tôi thấy ba cặp mắt của chúng tôi giống nhau như những giọt nước, đều trong vắt và long lanh. Chúng tôi đại diện cho ba thế hệ tiếp nối liên hoàn.
Nội giống như gốc rễ, ba là thân cây, còn tôi chính là nhành cây non đang vươn lên đón ánh mặt trời. Đối với tôi đây là những thời khắc tuyệt diệu lung linh nhất.
Tất nhiên đó không phải là thời điểm hạnh phúc nhất trong đời, mà đơn giản chỉ là một thời khắc rất hạnh phúc. Còn cái thời điểm hạnh phúc nhất vẫn chưa đến vì tôi còn trẻ, hay như má nói thì nó đang ở nơi xa, vẫy gọi tôi với một tương lai rộng mở…
(*): Điểm 6 là điểm cao nhất trong thang điểm ở Bulgaria