Khi thật trầm tĩnh, bình thản, thân mật trao đổi kinh nghiệm quản lý với học viên, khi lại tỉnh táo lạnh lùng trong giải quyết công việc kinh doanh, nhưng khi thoát khỏi công việc thì anh với nụ cười hiền đã chinh phục mọi người bằng sự uyên bác, dí dỏm. Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trí Dũng có khả năng biến tất cả mọi vật quanh mình trở nên xinh đẹp, quyến rũ hơn, từ lá cây, ngọn cỏ, đến chiếc ghế, cái bàn, một mái nhà tranh… Dường như thế vẫn chưa đủ để nói về anh, một người mải mê theo đuổi những giấc mơ…
Tôi đặc biệt có ấn tượng với những buổi “ăn trưa văn hóa” tại công ty của anh. Anh có biệt tài về tổ chức, thu phục đám đông, rất trẻ trung khi nói chuyện với sinh viên, nhưng lại thật thâm trầm sâu sắc khi đối thoại với các nhà văn hóa. Bao giờ cũng vậy, anh xuất hiện với áo sơ mi trắng sạch sẽ, nụ cười ấm, cười nói với mọi người và làm sống lại một ký ức đẹp đẽ nào đó đã quá xa xôi…
Đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của các nhà kinh doanh, các nhà văn hóa lớn trong và ngoài nước. Mới nhất là cuộc trò chuyện về “Bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế”, có sự tham gia của ông bà cố vấn đặc biệt của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO), hay buổi gặp gỡ Kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt-Nhật với sự tham dự của Tổng lãnh sự Nhật Bản và các nhà doanh nghiệp…
Không diễn văn dài dòng, không kiểu cách mà bằng hấp lực cá nhân và sự chân thành, giản dị, anh kéo mọi người gần lại với nhau, trong một không gian trong lành màu xanh cỏ hoa thân mật. Bà giáo sư Joan Domicelj AM đã phải thốt lên: “Tôi đã đi bao nhiêu nơi, nhưng không có bữa ăn trưa nào tuyệt vời như ở Minh Trân”. Khoảng không gian xanh mát trước công ty quả là tuyệt vời. Những chiếc lu nước mưa mát rượi chảy róc rách tạo nên bản hòa âm êm dịu, ngôi nhà cổ của Huế, nhà sàn Tây Nguyên, hài hòa với những bộ bàn ghế tre đẹp đến ngỡ ngàng.
Mái lá đơn sơ nhìn ra những buồng chuối xanh trĩu quả, hoa mẫu đơn đỏ mộc mạc như một khoảng sân quê. Được thưởng thức hương vị ngọt lịm của nước mía tươi nguyên chất chảy ra từ những thân mía vàng óng, nhấm nháp hương vị cay nồng của món bánh canh cua, món bánh bèo Huế… do chính những nhân viên của anh kiêm đầu bếp, tiếp tân thực hiện… mà nói chuyện văn hóa thì còn gì bằng.
Tất cả nhân viên của anh, từ kỹ sư, trưởng phòng, phó giám đốc… công việc đầu tiên đều bắt đầu từ… nhà bếp! Biết nấu một bữa ăn ngon cho mọi người, biết chăm sóc mọi người và được chăm sóc lại, biết yêu công việc của mình, yêu thiên nhiên nơi mình sống, làm việc… đó là những bài học đầu tiên. Chính vì thê, họ không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn rất hiếu khách, luôn chủ động trong giao tiếp với bạn bè thuộc đủ mọi giới. Môi trường tinh khiết, sạch sẽ, gọn nhẹ, kỷ luật nghiêm minh, thường xuyên quét dọn là tư duy “5 S” không thể tách rời trong văn hóa công ty (Lấy từ tiếng Nhật: Seiri, Seiton, Seisho, Seiketsu, Shitsuke).
Dù bận rộn với kinh doanh đến mấy, nhưng khi có những người bạn quí, anh sẵn sàng bỏ hết để tiếp, đãi bạn những bữa ăn quê, trong khung cảnh dân dã do anh tạo dựng. Đó cũng là cách để anh thư giãn, giải tỏa khỏi mọi áp lực, là cách để anh tự cứu mình, bởi theo anh, sự sống chỉ có ý nghĩa khi nó mang một giá trị văn hóa tiềm tàng.
____
Vừa sản xuất những linh kiện điện tử hiện đại đòi hỏi sự chính xác cao độ, vừa sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dường như anh đang giải bài toán giữa truyền thống và hiện đại trong chính mình và cho tất cả nhân viên của mình?
Bám lấy truyền thống mà tiến lên hiện đại, đó là phương châm sống, phương châm kinh doanh của tôi. Phải có môi trường truyền thống vững chắc mới có thể phát triển tiếp thu kỹ thuật hiện đại, mà không mất đi bản sắc của chính mình. Mặt khác, trong sự biến động của kinh tế, hai ngành nghề này luôn hỗ trợ nhau. Mục đích chính của tôi hiện nay là làm sao trong điều kiện hiện tại xây dựng phát triển sản xuất công nghệ cao xuất khẩu ra thị trường thế giới.
____
Theo anh, sự biến động kinh tế là của Việt Nam hay của toàn cầu? “Vũ khí” của anh để chống lại sự biến động đó? Nhất là khi anh có công ty tại Nhật Bản và ở Việt Nam?
Kinh tế thế giới hiện đang bất ổn định. Vũ khí không phải là việc hạ giá thành sản phẩm, mà phải có một phương thức quản lý phù hợp với tình hình luôn biến động, đó là sự gọn nhẹ. Giống như trong xây dựng, bây giờ người ta ít sử dụng những vật liệu quá nặng nề, mà đa số phải dùng vật liệu nhẹ nhưng bền chắc. Cơ cấu quản lý gọn nhẹ, năng động, hiệu suất cao là một điều kiện tôi cần cho việc đầu tư.
Nếu có phương thức quản lý tốt, giá thành sẽ hạ, giảm bớt độ nguy hiểm, đủ sức cạnh tranh, đó là những điều nhà đầu tư mong muốn. Tuy nhiên với những ngành công nghệ cao, sự hỗ trợ của Nhà nước hiện nay trong nhiều trường hợp chỉ là… trên giấy tờ, hơn là thực tế. Nếu có, cũng chưa đủ để cạnh tranh quốc tế. Suốt nhiều năm qua, Minh Trân vẫn phấn đấu liên tục linh hoạt để đưa sản phẩm điện tử của mình vào thị trường Nhật Bản. Hiện nay có nhiều mặt hàng như may mặc, thủ công mỹ nghệ do sự thiếu liên kết, dẫn đến phá giá, chất lượng kém, làm mất uy tín của sản phẩm Việt Nam.
Chúng ta đang rất thiếu thông tin, để có thể thường xuyên nghiên cứu, đưa ra những giải pháp đầu tư, mở rộng nguồn vốn. Hơn lúc nào hết các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, sát cánh bên nhau để bảo vệ ngành nghề của mình. Chúng ta nên có một thị trường giới thiệu hàng Việt Nam ngay tại Nhật Bản, Minh Trân sẵn sàng là cầu nối, giúp các doanh nghiệp giới thiệu các mặt hàng Việt Nam vào Nhật Bản.
____
Doanh thương Trí Dũng là trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam do anh sáng lập từ 1989. Vì sao một công ty tư nhân như anh lại đứng ra mở trường dù phải trải qua không biết bao nhiêu cơ cực? Anh hy vọng gì với 45 suất học bổng dành cho các học viên tại trường của anh nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ hữu nghị Việt-Nhật?
Có rất nhiều lý do. Tôi đã sống và làm việc tại Nhật Bản hơn 36 năm, hiểu sâu sắc rằng nước Nhật có được hôm nay chính là nhờ đào tạo. Tôi xuất thân là người đi học về quản lý kinh tế, 16 năm làm chuyên viên nghiên cứu và đào tạo của LHQ về kế hoạch phát triển kinh tế nên tôi có nhận thức chính những nhà kinh doanh có ý thức dân tộc cao, sẽ phát huy nội lực của đất nước mình, làm giàu cho đất nước.
Không chỉ có Nhà nước, mà tư nhân phải tham gia đào tạo, có như vậy mới mau chóng nâng cao mặt bằng về giáo dục, để tạo đà cho phát triển kinh tế, đó là mục đích lớn nhất khi tôi quyết định về nước thành lập trường tư thục đầu tiên này để góp phần mở được cánh cửa nhận thức về đào tạo. Nói thì có vẻ quá dễ dàng, nhưng tôi đã gặp vô vàn khó khăn, giờ nghĩ lại vẫn thấy… xót xa! Trong bối cảnh Nhật Bản là nước viện trợ kinh tế, đầu tư thương mại lớn cho Việt Nam, là nước mà Việt Nam có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm về phát triển kinh tế…
Nhưng cơ bản có thể nói, người Nhật chưa hiểu Việt Nam và người Việt Nam cũng chưa hiểu Nhật Bản. Nhật Bản rất chủ động tiếp cận với văn minh phương Tây, lấy thế giới làm “tài nguyên” để xây dựng đất nước họ. Tôi có suy nghĩ Việt Nam mình không còn con đường nào khác là phải xây dựng tư duy toàn cầu, phải nắm thế chủ động trong giao lưu văn hóa với các nước, đặc biệt Nhật Bản.
Trường Doanh thương Trí Dũng là một giấc mơ nhỏ của tôi. Tôi muốn xây dựng tư duy chủ động cho tất cả những cán bộ kỹ thuật, quản lý, sinh viên… không chỉ hiểu tiếng Nhật, mà hiểu cách tư duy, quản lý, văn hóa kinh doanh, văn hóa sản xuất công nghiệp của Nhật Bản… để có thể chủ động giao lưu, tiếp cận. Không thể lấy kiểu suy nghĩ của riêng mình để làm ăn với toàn cầu.
Bám lấy truyền thống mà tiến lên hiện đại, đó là phương châm sống, phương châm kinh doanh của tôi.
____
Anh không ngại khó khăn đầy rẫy đang chờ anh sao?
Đất nước có khó khăn, cũng chính là ý nghĩa công việc mà mình theo đuổi. Làm sao để qua những hướng dẫn ấy, bảo tồn được văn hóa. Trước sau gì mình cũng phải làm. Nói lên tiếng nói trong những lúc cần thiết là việc của mình. Kinh tế toàn cầu nếu không biết, nó sẽ đánh gục mình, nếu theo mà không biết, nó cũng quật ngã mình ngay, như người trượt nước giữa biển sâu vậy. Tôi có nhiều giấc mơ và tình yêu đủ lớn để biến giấc mơ ấy thành hiện thực.
____
Người thầy lớn nhất của anh trong cuộc sống?
Đó chính là cha tôi. Ba má tôi người Quảng Bình, vùng đất rất khó khăn, nghèo khổ. Người Quảng Bình đi đâu cũng chịu khó, chịu khổ. Cả cuộc đời cha mẹ tôi đều hy sinh vì con cái, nuôi nấng mười anh em tôi học hành nên người. Điều lớn nhất tôi có được từ ông là sự học hỏi, phấn đấu không ngừng.
Tôi cũng tiếp thu tinh thần bất khuất tự cường của dân tộc mình qua hình ảnh cha tôi, để hiểu rằng đất nước nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu, từ đó mình sống không tự ti, không tự cao. Đối với một đất nước, kinh tế là đề tài lớn nhất. Doanh nhân Việt Nam tự làm thì rất hay, nhưng kết hợp lại để cùng tồn tại thì rất yếu. Vấn đề quan trọng và bức thiết hiện nay là xã hội ta chưa hình thành được văn hóa trong kinh doanh. Văn hóa như một “không khí” vô hình để người ta “sống” với nhau, hiểu lễ nghĩa, chữ tín, tương thân tương trợ…
Những điều đó thường không thể hiện trong luật pháp. Văn hóa cũng là cách tích lũy từ những hoạt động kinh doanh, làm sao cho đồng tiền có ý nghĩa. Đây là điều xã hội chúng ta cần suy nghĩ mình đang hụt hẫng nhất. Như nạn kẹt xe trên đường chẳng hạn, đôi khi không phải do đường hẹp, mà do người ta chưa biết nhường nhịn nhau, giảm phiền hà cho nhau…
____
“Ăn cơm Việt, ở nhà… lá, lấy vợ Nhật”, cuộc sống gia đình của anh có bị xáo trộn do sự đi lại quá nhiều của anh?
Trong thời đại toàn cầu, từ việc đi lại làm ăn quá nhiều, tôi hiểu ra một điều: giao lưu văn hóa để “cộng tồn” là vấn đề của cả loài người. Trong tất cả mọi việc, tôn trọng nhân bản, tôn trọng sự tôn nghiêm của con người là vấn đề cao nhất. Mỗi một nền văn hóa có một lý do tồn tại, phát triển.
Nếu không có những nhà kinh doanh có ý thức dân tộc cao, sẽ không thể phát huy nội lực của đất nước mình, làm giàu cho đất nước.
____
Có phải vì thế mà anh mải miết với việc biến “giấc mơ” văn hóa cội nguồn thành hiện thực ngay tại Minh Trân? Với những tuyển tập giới thiệu hội họa Việt Nam qua Nhật Bản, đưa đoàn âm nhạc dân tộc sang biểu diễn tại Nhật, tổ chức triển lãm nghệ thuật thủ công mỹ nghệ của Việt Nam… hay mời các nhà văn hóa lớn của thế giới đến với Việt Nam, vận động hành lang cho các di sản văn hóa Việt Nam được thế giới công nhận?…
Trong phát triển kinh tế, người ta thường bỏ quên, hoang phí nhiều điều. Bằng một nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi cố giữ lại những gì có thể, giữ một cách có chọn lọc. Với không gian văn hóa Minh Trân, tôi chủ động giao lưu với bè bạn, không chỉ bằng thiên nhiên, bằng âm nhạc, bằng những vật dùng hàng ngày mang tính thẩm mỹ, dân tộc, mà còn bằng cả những bữa ăn.
Một bác sĩ người Pháp đến Việt Nam làm việc giúp bệnh viện Chợ Rẫy gần 10 năm qua đã thổ lộ: “Có lẽ đây là bữa cơm trưa thích thú nhất, tôi hiểu thêm được văn hóa Việt Nam”. Một bữa cơm có thể làm cho họ tin về văn hóa, điều ấy nên lắm chứ. Nói như giáo sư Trần Văn Khê: “Làm cho một người tin, tức là làm cho bạn bè họ tin, thế giới họ tin. Văn hóa chính là cơ sở cho sự tôn trọng nhau”. Tôi không phải là họa sĩ, nhà văn, nhưng đối với văn hóa có thì giờ là tôi làm. Tôi làm liên tục từ xưa đến nay, cả trong những năm khó khăn bộn bề. Văn hóa là trường học cả đời, phải học thôi.
____
Vì đâu anh có được sự đam mê đó? Đây có phải là động lực thôi thúc anh tích cực vận động sáng lập Hội doanh nhân Việt kiều?
Gốc tôi không phải xuất phát từ kinh doanh thương mại, mà là người làm kế hoạch kinh tế phát triển nhiều năm ở LHQ, tôi nhìn sự giàu mạnh về cả chất và lượng có nghĩa là cần quan tâm đến mọi mặt, từ y tế, văn hóa, mỹ thuật, giáo dục… Người Việt Nam ở nước ngoài là cơ hội lớn bắc nhịp toàn cầu hóa. Nếu tổ chức tốt, có sự hợp tác hướng dẫn của Nhà nước, vấn đề tiếp cận thị trường thế giới rất dễ thực hiện.
____
Có bao giờ anh tự hỏi mình điều gì làm anh hạnh phúc?
Câu hỏi này tôi nghĩ từ nhỏ, đến giờ vẫn còn suy nghĩ và chưa có câu trả lời. Tôi tin rằng hạnh phúc là sự vận dụng trí tuệ để hiểu rằng mình là một phần của thiên nhiên, không thể tách rời ra khỏi nó. Thiên nhiên và tự nhiên là nguồn hạnh phúc của mình. Con người cũng là sự kết tinh của trời đất, từ tự nhiên mà sinh ra, mọi văn minh loài người nếu đi ngược lại điều này là tự hoại.
Hạnh phúc khác niềm vui thú. Hạnh phúc sau cùng nằm trong tự nhiên, trong văn hóa. Hiểu như vậy, để có thể sống hướng về chân, thiện, mỹ. Tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ với quá khứ, có trách nhiệm với hiện tại và suy nghĩ cho tương lai.