Nhiều năm nay, danh tiếng của một trung tâm bồi dưỡng văn hóa được gọi thân thiết là “Trường Bà Đức” đã vang xa trong phụ huynh và học sinh không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh. Người ta kháo nhau nhiều điều. Nào là học sinh đến học thêm vẫn phải mặc đồng phục trường mình và đội viên phải đeo khăn quàng đỏ, nào là trung tâm vẫn có sổ liên lạc và điểm danh nghiêm ngặt.
Lại có chuyện học sinh nghỉ học hai buổi là đã có thư mời phụ huynh lên làm việc, xem quyết định có cho con mình học tiếp hay không. Qua vài lần học sinh vẫn không sửa chữa, nhà trường sẽ mời phụ huynh tới để hoàn trả học phí và chính thức thông báo cho học sinh ấy thôi học. Gửi con tới đây, nói chung phụ huynh bất ngờ và càng vui mừng khi con em họ không chỉ học kiến thức, mà còn tiến bộ rõ về mặt đạo đức vì các em ngoan ngoãn hơn, hiếu thảo hơn.
Nhờ lời giới thiệu từ nhà giáo Minh Đức- bạn đồng môn của cô Đàm Lê Đức, chúng tôi đến Văn phòng Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng. Tôi đem những lời nghe được về “Trường Bà Đức” nói với cô, cô chỉ cười và đi ngay vào vấn đề: “Những điều ấy đều là có thật, nhưng hôm nay, chúng ta chỉ nói về bạn bè của cô thôi nhé!”
Và câu chuyện bắt đầu với một hội mang tên Hội Đồng môn Quảng Yên
Trước Cách mạng tháng Tám, cả tỉnh Quảng Yên chỉ có hai trường tiểu học cho học trò người Việt, một dành cho nam, một dành cho nữ, gọi tắt là trường con trai và trường con gái. Hiệu trưởng hai trường ấy là thầy Hứa và cô Lai, cùng tốt nghiệp trường Bưởi được phân về Quảng Yên dạy học. Lứa học trò từ năm 1943 đến năm 1945 khoảng 46 người.
Đám học trò nhỏ sau đó phân tán khắp nơi, người đi kháng chiến, người ở lại quê hương, người lên Hà Nội, người vào Nam. Bặt tin nhau mấy chục năm trời, khi những mái đầu đã ngả màu sương, họ lại cất công đi tìm lại nhau, bạn tìm bạn, trò tìm thầy, vào Nam ra Bắc. Thầy Hứa đã qua đời. Mùa hè năm 1999, họ đón cô Lai cùng các bạn đồng môn vào thăm TP. Hồ Chí Minh và thành lập Hội Đồng môn Quảng Yên. Năm 2000, tất cả làm cuộc hành hương về thăm lại trường xưa.
Mùa hè năm 2001, họ lại mời cô giáo và các bạn vào TP. Hồ Chí Minh làm lễ mừng thọ cô Lai tròn 80 tuổi. Rồi năm 2002, kéo nhau ra Bắc họp Hội Đồng môn, họ lại có dịp sống lại những kỷ niệm ngày xưa trong tình cảm ngây thơ và trong trắng, thân ái gọi nhau cậu tớ, âu yếm gọi cô giáo và xưng con như còn đi học. Lúc bên nhau, họ cũng ồn ào hát hò, cãi cọ tranh nhau nói y hệt thời “nhất quỷ nhì ma”. Những ai trông thấy đều ngạc nhiên: “Các cụ gặp nhau sao mà ríu rít như chim thế nhỉ?”.
Qua việc thành lập Hội Đồng môn Quảng Yên, các hội viên đều ghi nhận lòng nhiệt tình và công sức của cô – một trưởng tràng, một đầu tàu trong việc liên lạc, tổ chức và cả trong vai trò nhà tài trợ nữa.
Tôi luôn cho rằng mình may mắn. May mắn gặp lại cô giáo Lai sớm hơn so với các bạn. May mắn có nhiều điều kiện hơn các bạn trong việc liên lạc, đi đứng, tài chính, sức khỏe. May mắn được tất cả bạn bè yêu mến, hỗ trợ. Còn việc thành lập Hội Đồng môn là ý nguyện chung, muốn đáp đền ơn cô Lai trong những ngày cuối đời, với bạn bè thì muốn “trọn nghĩa kim bằng vẹn trước sau”.
Bạn bè cô không tiếc lời khi nói về người bạn đồng môn với trọn sự mến phục, với cả lòng thân ái.
Được nghe bạn bè kể về cô, tôi đã rất khâm phục, đến khi nghe chính cô kể lại quãng đời gian khó của mình, lại thêm lần nữa chúng tôi nghiêng mình trước một tấm gương vượt khó. Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ các anh chị em đều được cha mẹ cho học hành tử tế. Học xong tiểu học, cô thi đỗ vào trường nữ Đồng Khánh ở Hà Nội. Cũng năm ấy, cách mạng bùng nổ.
Cha cô hết làm quan, gia đình lâm vào cảnh bần cùng. Sắp vào năm học mới, cô đinh ninh xếp va li chờ ngày tạm biệt bố mẹ lên trường. Nhưng rồi nhìn cảnh mẹ mình gạt nước mắt quay đi, cô đã hiểu ra tất cả và chấp nhận ở nhà phụ việc với mẹ mà đêm đêm khóc thầm. Từ ăn trắng mặc trơn, cô đã dần làm quen với việc làm ruộng , nuôi tằm, xe tơ, chăm lợn nái. Việc gì cô cũng học tới nơi tới chốn để biết làm và làm một cách sáng dạ hơn người. Chị cô nhờ lấy chồng giàu nên giúp đỡ cô lên Hà Nôi học may.
Các giáo viên trường dạy cắt may Quang Minh nổi tiếng Hà Nội ngày ấy rất ngạc nhiên trước một cô học trò dám xin các thầy dạy mình buổi sáng môn Âu phục, buổi chiều môn Việt phục và hỏi không ngừng nghỉ. Chỉ vài tháng sau, cô học trò ấy lấy cả hai bằng Việt phục và Âu phục trước sự ngạc nhiên và cảm mến của mọi người. Về lại Quảng Yên mở hiệu may, cô không tâm niệm làm giàu mà chỉ mong đủ trang trải cho gia đình, cho các em ăn học và để dành đóng tiền họ, chờ ngày đủ tiền đi học lại.
Năm 23 tuổi, cô đã gom góp và tính toán đủ tiền cho hai năm ăn học tại Hà Nội. Cô quyết định sẽ nhảy vào học hai năm cuối cấp. Vào đại học lấy học bổng là không phải lo lắng tiền bạc nữa. Cô đã nhờ em mình dạy cấp tốc chương trình những năm trung học và rồi mời cha mẹ nghe mình trình bày, xin đóng cửa hiệu may để đi học tiếp. Cha cô không phản đối, chỉ buông một câu : “Đừng làm trò cười cho thiên hạ!”. Đấy cũng là lúc cô phát hiện ra rằng, những đêm cô nằm khóc thầm thì mẹ cô đều biết cả. Biết mình đã làm khổ mẹ suốt chừng ấy năm, cô càng quyết tâm hơn.
Một mình lên Hà Nội trọ học khốn khó vô cùng, đã vậy kiến thức lại bị hổng, cô không theo nổi chương trình, đến nỗi thầy giáo phải thắc mắc : “Tại sao chị lại kém thế?” Cô phải cầu xin thầy không đuổi học với lời hứa quyết tâm. Thầy đã nhận phù đạo và phân công các bạn giúp đỡ thêm cho cô. Sau một tháng thức trắng nhiều đêm, gầy gò đến mức bị trêu chọc là “cây ốm của trường” và không ít lần bị xỉu ngay trong lớp học, cô đã vươn lên bằng chúng bạn.
Cuối năm, cô được vào thẳng lớp cuối cấp ở trường Nguyễn Trãi. Mặc dù đã ăn uống rất tằn tiện, chỉ biết rau muống và muối vừng và không hề biết ăn sáng là gì, nhưng những lần nằm bệnh viện và thuốc thang đã khiến khoản tiền cô dự định cho hai năm hết trước thời hạn. Chỉ còn vài tháng nữa tới kỳ thi tú tài thì cô cạn túi. Biết vậy, thầy giáo Oánh đã đưa cho cô một phong bì đựng tiền, song cô từ chối.
Thầy nói: “Tôi có cho tiền chị đâu. Tôi cho chị mượn để sau này chị trả lại cho những em học sinh nghèo khác giúp tôi đấy chứ”. Rồi có lần, một người bạn học mồ hôi nhễ nhại đạp xe chở một chiếc bao, bên trong lại là hàng chục túi gạo nhỏ do bạn bè góp lại tặng cô. Tình cảm thầy bạn cùng những giúp đỡ cụ thể như thế đã giúp cô qua cơn khốn khó, thi đỗ tú tài Toán.
Tin vui bay về Quảng Yên đã làm mọi người vô cùng sửng sốt. “Người đại hiếu là người biết nuôi chí cha mẹ”, cô tiếp tục thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa đầu. Khoa Toán năm ấy có 59 nam, mỗi cô là nữ. Học hết năm thứ ba, chuẩn bị lên năm thứ tư, vì lý do khó khăn nên sinh viên được cho tốt nghiệp sớm. Một số người có lý lịch tốt được đi du học, còn lại được phân đi các tỉnh dạy cấp III. Xuống Hải Phòng dạy học, mỗi thứ Bảy cô lại lên tàu về Hà Nội để Chủ nhật mang theo ba ổ bánh mì vào thư viện, suốt sáng đến chiều rồi lại lên tàu xuôi Hải Phòng.
Chiến tranh, cô cũng không ngại bom Mỹ, cứ trụ lại học khiến có người phải ví rằng cô “định đổi máu lấy kiến thức”. Nhờ người giới thiệu cô đã tiếp cận với giáo sư Hoàng Tụy và thầy đã giúp đỡ cô học tiếp 13 chuyên đề Toán Kinh tế để rồi lấy được một lúc hai tấm bằng đều ngành Toán của Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Tổng hợp. Tốt nghiệp, cô được về dạy ở Trường Đại học Tại chức Hải Phòng và Đại học Bách khoa, phân hiệu Hải Phòng.
Nói về cô Đức, không thể không nói về Trường Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng này, bởi lẽ có rất nhiều người muốn biết và quan tâm về ngôi trường đặc biệt này.
Năm 1982, cô chuyển vào dạy Toán Thống kê tại trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Cô cũng tham gia bồi dưỡng môn Toán tại Trung tâm Luyện thi của trường. Tiếng tăm dạy kèm của cô đã nổi từ lâu với thành tích dạy cho chính cháu của mình mới học lớp 5 đã đoạt giải trong kỳ thi Toán cho học sinh cấp II toàn miền Bắc.
Thế rồi, bạn bè cô ở Trường Đại học Kinh tế đã nhờ cô phụ đạo cho con cái của họ. Do các anh chị em trong gia đình cô đều là giáo viên, chị gái dạy ngoại ngữ, anh trai dạy Lý, em gái dạy Văn nên đều mở lớp dạy kèm. Năm 1985, cô tập hợp nhóm “Thất Hiền” gồm 7 người bạn ở Trung tâm Luyện thi để mở Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa.
Từ 7 người ban đầu, đến nay trung tâm của cô đã có đội ngũ giáo viên lên đến 229 người. Từ một cơ sở tại 218 Lý Tự Trọng, nay đã có bốn cơ sở ban đêm tại các trường Nguyễn Du, Đồng Khởi, Ten-lơ-man, Nguyễn Thái Học và một trụ sở văn phòng tại 40 Mạc Đỉnh Chi. Số học sinh đã lên con số ngàn đã qua chọn lọc với những tiêu chuẩn về học lực và hạnh kiểm. Chất lượng giáo dục đã được khẳng định bằng con số 125 thủ khoa và á khoa ở các kỳ thi tuyển vào đại học từ năm 1992 đến nay, trong số này có gần 100 em đã và đang tu nghiệp tại nước ngoài.
____
Cụ thể các thầy cô tại Trung tâm đã dạy thế nào để học sinh đạt được sự tiến bộ?
Từ bản thân mình, cô luôn nêu cao việc tự học. Từ lúc học tiểu học cho đến lúc học đại học, cô luôn vận dụng phương châm “5 mọi”: mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện và với mọi người. Thầy cô tại Trung tâm được yêu cầu phải dạy các em cách tự học, tự đào sâu những kiến thức đã học, cách học với thầy, với bạn. Đó là vấn đề truyền đạt những phương pháp để lĩnh hội và mở rộng kiến thức. Ngoài kiến thức, Trưng tâm còn dạy học sinh rất nhiều điều.
Luôn nhắc nhở học trò: “Không gì nghèo bằng nghèo tài. Không gì hèn bằng nghèo chí”, các thày cô dạy các em, rèn luyện nhân cách , TRÍ đi đôi với ĐỨC . Chuyên đề đạo đức do chính cô Đức đứng lớp chỉ vỏn vẹn có ba điều : Hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái với bạn bè. Bằng đó thôi mà bài học không bao giờ có chương kết và trong những giờ học luôn có những giọt nước mắt ăn năn hối hận của nhiều học trò.
____
Thành công như thế ắt phải có bí quyết và kinh nghiệm vượt trội. Đâu phải phụ huynh và học sinh lại tín nhiệm “trường bà Đức” chỉ vì tiếng đồn.
Nhà giáo Minh Đức cho rằng cô Đức có nhiều yếu tố để thành công. Trước hết, vì cô có hậu thuẫn từ gia đình về mặt tài chính và chuyên môn. Cả gia đình đều dạy học và lại đều là những người tâm huyết với giáo dục, biết đồng sức, đồng lòng vì sự nghiệp trồng người. Riêng cô có tài năng và kinh nghiệm của mấy mươi năm dạy học. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là cái tâm của một người thầy.
Cô yêu mến các em như con cháu : “Gặp bất cứ chuyện gì các em hãy gọi điện cho cô! Cô không bao giờ đi ngủ trước 11 giờ đêm đâu.” Với phương châm “Dìu dắt trí tuệ, đánh thức tâm hồn và định hướng tương lai cho học sinh”, cô cùng các thày cô khác cố gắng vừa truyền tri thức, vừa dạy đạo làm người, khơi cho các em niềm tin và nghị lực. Là một người vươn lên từ khó khăn, cô rất thông cảm với học sinh nghèo khó.
Có nhiều học sinh được miễn giảm học phí nhưng bạn bè không biết vì ở Trung tâm không hề có chuyện kiểm tra biên lai hay nhắc nhở học sinh đóng học phí. Cả một đời dành cho nghiệp dạy học, ở bất cứ đâu cô cũng được học trò thương yêu và quý trọng vì tài năng và đức độ. Trong cuộc thi “Viết về thầy cô” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, có một bài được giải đề tặng cô giáo Đàm Lê Đức của tác giả Lan Minh.
Cô học trò ngày ấy do gia đình bị phá sản từ vụ nước hoa Thanh Hương đã phải bỏ học. Cô Đức đã tìm đến nhà gọi bạn đi học lại và giúp đỡ bạn rất nhiều cả trong việc định hướng tương lai. Lan Minh thổ lộ : “Nhờ có cô, cuộc đời tôi đã xoay hẳn sang một hướng khác, hạnh phúc và xán lạn hơn. Thoảng có khi hơi chao đảo, tôi lại nhớ đến cô và kiên trì vượt qua mọi trắc trở”
____
Các đồng nghiệp của cô tại trung tâm luôn ngưỡng mộ về khả năng quản lý của cô
Có thấy sự sôi nổi của bà giáo này giữa bạn bè, giữa đồng nghiệp mới thấy hết khả năng “cầm chịch” của cô. Lúc còn học ở Quảng Yên, cô không những đứng đầu khối học sinh trường nữ cả về học tập và các hoạt động. Bản tính cương nghị, cô rất ghét thói hống hách của bọn học trò con Tây trường bên nên đã tổ chức “luyện đòn”, đuổi bọn con Tây chạy té khói, khiến học trò trường con trai cũng phải nể phục.
Bạn bè , đồng nghiệp gọi cô là “đại tướng” còn cô gọi họ là “chiến hữu”. Rất thân thiện nhưng cô cũng rất kỷ luật. Yếu tố chất lượng luôn được cô coi trọng hàng đầu. Thầy cô cộng tác tại Trung tâm đều là những giáo viên giỏi. Họ cũng phải qua sàng lọc và thử thách, nhưng tất cả đều rất nhẹ nhàng và rất sư phạm, rất tâm huyết với học sinh :”Nguyện thân tằm dâu xanh nghiền ngấu. Nguyện đời ong nung nấu trăm hoa. Chắt chiu nhé các con yêu dấu. Vốn tơ vàng, mật ngọt lòng ta”.
Cô thức giấc lúc 4 giờ sáng mỗi ngày. Bắt đầu luyện tập ở nhà với 15 phút tập trên máy và 15 phút tập theo “Suối nguồn tươi trẻ”, sau đó ra công viên Lê Văn Tám đi bộ 3 vòng rồi tập thêm Khí Công Thiếu Lâm và Dịch Cân Kinh. Đúng 7 giờ, cô bắt tay vào công việc và bận rộn suốt ngày. Buổi chiều, cô đi dạy từ 5 giờ rưỡi đến 9 giờ. Quả khó ngờ rằng, ở tuổi 73 , cô lại còn khỏe, dẻo dai và minh mẫn thế.
Cô để lại ấn tượng nơi người tiếp chuyện bằng lối nói chuyện đầy lôi cuốn, hóm hỉnh, nhiệt thành, đặc biệt là trí nhớ tuyệt vời. Là một cô giáo dạy Toán nhưng cô rất yêu văn chương, bởi nói như Kovalevskaia: “Không thể là một nhà toán học nếu không có tâm hồn của một thi sĩ”. Cô thích đọc thơ, thuộc rất nhiều thơ và cũng thích làm thơ. Khép lại cuộc chuyện trò để trở về với công việc , cô ngâm nga một đoạn trong bài thơ khai bút dịp đầu xuân:
Bảy mươi tuổi trọn cũng không già
Trí sáng àm tâm lại trẻ ra
Luyện tài rèn đức cho con trẻ
Chuẩn bị hành trang bay bổng xa