Các nhà xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn nghĩ châu Âu (EU) là thị trường truyền thống, cứ thuận tay thì làm như những ngày đầu mới bước chân gia nhập, mà quên rằng sự đòi hỏi của thị trường này luôn rất khắt khe và cập nhật.
Sau hai lần xuất khẩu sản phẩm sứ cách điện sang thị trường EU, Công ty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn – Yên Bái đã ngừng xuất khẩu do không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về nguồn gốc, đóng gói và bao bì. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty CP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho biết, nếu đáp ứng tất cả các tiêu chí này, chi phí sản xuất tăng rất cao, không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. Đó chỉ là một ví dụ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu buông xuôi, chấp nhận mất thị trường. Tới đây sẽ còn có DN khác nối bước nếu tình hình không có gì thay đổi.
Trầy trật vào EU
Đối với ngành chè VN, EU là thị trường tiềm năng nhưng xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường này không dễ. Ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành – Ecolink, cho hay, sản phẩm chè của VN xuất sang EU giảm cả về thị phần, số lượng và giá bán. Năm 2007, chè Việt chiếm tới 20% thị phần chè nhập khẩu vào EU, nhưng năm 2013 chỉ còn khoảng 7%.
Trong 10 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của VN hiện nay không còn thị trường nào thuộc khối EU. Thương hiệu chè VN trên thị trường này khá mờ nhạt. Nguyên nhân của sự tuột dốc này, theo Giám đốc Ecolink là do chất lượng chè VN không ổn định, thiếu hệ thống truy xuất nguồn gốc, dư lượng hóa chất quá mức cho phép, thiếu chứng nhận liên quan đến trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, EU nhập nông sản VN một phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng trực tiếp, phần còn lại để chế biến tiêu dùng trong nội khối. Nhưng gần đây, xu hướng nhập khẩu nông sản thô của VN để chế biến đang được EU ưu tiên, nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Điều này trái ngược với mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đã qua chế biến của VN. Ông Dũng cho “đây là sự mâu thuẫn tương đối lớn trong thương mại và là bài toán khó giải cho DN xuất khẩu, trong bối cảnh tập quán sản xuất của VN vẫn chạy theo số lượng, chưa đề cao chất lượng”.
VN nằm trong danh sách các quốc gia hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của EU, nhưng đến nay chỉ có khoảng 42% mặt hàng của VN được hưởng ưu đãi này. Trong các mặt hàng xuất khẩu chính của VN sang EU, giày mũ da của Việt Nam xuất sang EU cũng bị áp thuế chống bán phá giá, với mức thuế 10% từ tháng 9-2006. Chỉ từ 31-3-2011 chuyện áp thuế mới chính thức chấm dứt. Năm 2013, xuất khẩu giày dép của VN sang EU đạt khoảng 2,9 tỉ USD. Nhưng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, việc EU luôn được cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm nhập khẩu đang trở thành rào cản lớn cho DN VN xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2013 giữa VN và EU đạt khoảng 33,78 tỉ USD, tăng 16,11% so với năm 2012. EU tiếp tục duy trì vị trí là thị trường xuất khẩu số một của VN với kim ngạch xuất khẩu đạt 24,33 tỉ USD, tăng 29,84%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của VN sang thị trường EU trong năm 2013 vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính. Trong đó, Đức, Anh, Pháp và Hà Lan luôn là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20%/năm. Các nước Thụy Điển, Áo, Ireland, Bồ Đào Nha là những thị trường nhỏ hơn cùng sức tiêu thụ hàng hóa thấp nên kim ngạch xuất khẩu gần như không đáng kể, các nước còn lại kim ngạch đều chỉở mức khiêm tốn.
Trong sáu tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu VN-EU ước tính đạt 13,1 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch một số mặt hàng đạt giá trị tăng: điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7%; giày dép tăng 22,1%; hàng dệt may tăng 23,2%; hải sản tăng 25,7%. Tuy nhiên, bà Maylis Labayle – Giám đốc chính sách của Eurocham tại VN nói rằng “chất lượng mới là yếu tố quyết định, dù giá rẻ là lợi thế lâu nay của hàng Việt”. Tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA VN-EU) được ký, 90 dòng thuế sẽ được cắt giảm. Bà Maylis Labayle cảnh báo: “Cơ hội xuất khẩu hàng hóa của VN sang EU sẽ mở rộng hơn nhưng cũng chịu cạnh tranh cao hơn”.
Ông Vũ Huy Thủ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp vừa và nhỏ VN cho rằng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của thị trường EU là bài toán khó giải, bởi nó liên quan đến năng lực tài chính, đầu tư công nghệ, khả năng đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của chính DN. Tuy nhiên, nếu cứ giữ cung cách làm ăn như hiện nay, thị phần hàng Việt tại EU sẽ ngày càng thu hẹp. Để thay đổi tình trạng hiện nay và nâng cao khả năng cạnh tranh, ông Thủ nói: “DN VN nên mời các chuyên gia của EU trợ giúp kỹ thuật trong quá trình sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu”.
Sự quan tâm khác nhau
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của VN. Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại EU (từ 13 đến 18-10) là yếu tố quan trọng thúc đẩy hợp tác VN-EU trong thời gian tới; thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán FTA VN-EU. Các cuộc gặp gỡ ba nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, đó là Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu của Thủ tướng VN cũng không ngoài các mục đích trên.
Tuy nhiên, theo Đại sứ – Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu Franz Jessen, sự hiểu biết về VN tại châu Âu còn hạn chế, nhưng sự hiểu biết của VN về châu Âu còn ở mức thấp hơn. Các nhà xuất khẩu VN vẫn nghĩ EU là thị trường truyền thống, nên những vấn đề không quan trọng ở VN thì cũng không quan trọng ở EU, mà không biết rằng, sự quan tâm của VN và EU là khác nhau.
Vị Đại sứ EU dẫn chứng chuyện bán trứng gà trong các siêu thịở châu Âu. Các gian hàng bán trứng được chia thành các khu khác nhau và phải có thông tin rất rõ về tất cả các sản phẩm. Sản phẩm phải ghi rõ trứng này được sản xuất bởi những con gà được thả vườn, gà nuôi trong nông trại nhỏ, hay gà nuôi trong hệ thống trang trại lớn. Ông Franz Jessen cho rằng: “Người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến những thứ mà có thểở VN không ai quan tâm”.
Theo ông Franz Jessen, ở châu Âu người tiêu dùng đòi hỏi tất cả các sản phẩm phải có chất lượng cao. Chính phủ EU phải gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề là đảm bảo các yêu cầu của người dân phải được đáp ứng. Ví dụ, đồ chơi cho trẻ em không được kết giáp bởi quá nhiều mảnh nhỏ bởi khi chơi, trẻ có thể nuốt vào cổ họng. Các mặt hàng bán ở siêu thị phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh thực phẩm để đảm bảo khi sử dụng, người tiêu dùng không phải băn khoăn về sức khỏe.
Đại sứ Franz Jessen cho hay, khi người tiêu dùng châu Âu thấy rằng sản phẩm đó không đảm bảo chất lượng, họ không đến than phiền với chủ cửa hàng – nơi họ mua, hay nhà sản xuất mặt hàng đó. Ở đây, đối tượng than phiền đầu tiên là chính phủ nước họ đã không làm tròn trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu vào EU. Vì thế, khi nhập khẩu vào EU, chính phủ các nước châu Âu thắt chặt kiểm soát, nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn, chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng nội khối.
Đại sứ EU tại VN cho rằng, VN đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của EU tại khu vực châu Á. Những nỗ lực từ phía VN là đáng ghi nhận, song nếu VN tích cực tiếp cận cụ thể hơn với các nguyên tắc luật pháp quốc tế sẽ nhận được nhiều hơn hỗ trợ từ phía EU. Bởi việc tuân thủ luật pháp quốc tế không chỉ sử dụng trong một trường hợp, mà có thể sử dụng ở nhiều trường hợp khác.
- Hoàng Anh