Gốm ba tuổi. Giữa một rừng những Sô-phi, An-na, Cô-cô với An-đì, Tôm-mì, ngọng líu tiếng Việt chèn tiếng Anh trên khoảng sân khu chung cư “đa quốc gia” này, cái tên Gốm nghe thương lạ.
Là vì mẹ Gốm thích đồ gốm sứ. Lúc còn ở Hà Nội, mẹ Gốm là khách quen của các cô hàng sứ vẫn gánh các loại bát đĩa, ấm chén bán dạo đi ngang nhà. Muốn làm tròn một bộ chén bát “lượm” được ở đâu đó bị khuyết mất một món, mẹ Gốm chỉ cần nói với các cô ấy, thế là ít lâu sau thể nào cũng có cô đến gõ cửa hoặc ngồi chờ sẵn ở trước nhà “giao hàng”. Cũng không hẳn giống in hệt kiểu dáng của bộ, đôi khi “cọc cạch” một chút, nhưng mẹ lại thích. Mẹ Gốm cũng không quá xét nét nguồn gốc của chúng, miễn không phải hàng nung công nghiệp, chỉ cần nhìn thấy thích, thấy yêu là được.
Gốm nhìn cũng yêu như một món đồ gốm vẽ tay mộc mạc. Khuôn mặt tròn bụ bẫm giống mẹ trông càng lạ nhờ cái mái ngố cắt cao lên khỏi chân mày, mà lại hơi cong vồng lên chứ không thẳng băng một nhát sắc lịm như kiểu Cleopatra (“Chưa gì đã thấy hơi hướm người mẫu rồi đấy nhé?”, mình vẫn đùa với mẹ Gốm).
Mẹ Gốm, cô hàng xóm “từ trên trời rớt xuống” của mình, giờ có cả một bộ sưu tập những món đồ gốm vẽ tay “cọc cạch” như thế. Khổ nỗi Gốm còn nhỏ quá nên chúng phải “trốn” cả trong tủ, nhường chỗ cho những món đồ công nghiệp, những thứ quà khuyến mãi chỉ cần liếc qua đã kịp nhận ra hàng gì, nhãn nào. Mẹ Gốm muốn làm lại nội thất căn hộ be bé mua khi mang bầu Gốm nên không có thời gian chăm chút theo sở thích, nhờ mình góp ý.
- Xem thêm: Thú chơi
Mình “chộp” ngay ý tưởng gốm, nói mẹ Gốm chỉ cần thêm chút lam mềm mại của gốm nhấn nhá trên nền màu nâu sẵn có là căn hộ sẽ khác hẳn đi, có “cá tính”, nhưng “thật” chứ không phải kiểu phô trương, trưng bày giả lả. Sở thích, tình yêu của người chủ cho căn nhà của họ cái hồn, cái tình cảm rất riêng không lẫn vào đâu được. Nó khác với kiểu “phong trào”. Người ta cứ đinh ninh nhà tôi rất “cá tính”, nhưng đã vào phong trào rồi thì làm gì còn cái gọi là cá tính nữa. Như kiểu phòng khách nhất định phải ấn một quầy bar thật “bốc”, để rồi chẳng thấy sử dụng đâu, đến lúc có khách muốn ngồi vào thì ly tách treo trên cao đã kịp áo một lớp bụi.
Rồi mình tự tưởng tượng hai lớp rèm cửa vải voan và polyester thô ráp kia sẽ được thay bằng hai lớp cotton dày, mỏng màu trắng mộc điểm vài nét họa tiết màu lam bay bổng như trên những lọ gốm pha cát Bát Tràng kiểu xưa. Trên mảng tường chỗ bàn ăn sẽ treo “vô trật tự” những khung hình của Gốm, của gia đình, đây đó sẽ là hình chụp một món đồ gốm cổ. Rồi chờ cho Gốm lớn chút nữa, đủ để không đánh vỡ cốc, chén, mẹ Gốm sẽ lôi gia tài gốm sứ ra sử dụng. Ôi chao, một căn hộ chung cư nghe hiện đại là thế lại ấm áp cái hồn xưa của Hà Nội. Nhà Gốm khi ấy sẽ đẹp lắm đây.
Mình nói chỉ cần yêu và bỏ công một chút là ai cũng có nhà đẹp, mẹ Gốm chưa đồng tình, nói phải có gu nữa. Mà gu thì đâu phải ai cũng có. Mẹ Gốm không nhận bản thân là người giỏi thẩm mỹ.
Mẹ Gốm đâu biết mẹ Gốm cũng có gu đấy thôi. Nếu không đã không có Gốm, và mình hẳn đã bí rị không biết phải góp ý cho mẹ Gốm làm lại nhà thế nào.