Đưa con đi học, phụ vợ dọn hàng, lấy thức ăn chuẩn bị cho bữa trưa và bữa tối. Thế là xong công việc của buổi sáng. Khanh tự thưởng bằng cách pha cho mình một bình trà nóng, ngồi trên chiếc bàn nhỏ trước hàng hiên tận hưởng quãng thời gian thong thả, thư thái nhất của ngày. Ban mai thường làm anh hưng phấn. Đã lập xuân.
Trời lạnh và khô ráo. Nắng xuân vàng óng như mật. Cội nhãn già ở góc vườn, vỏ nứt nẻ, sứt sẹo, Khanh đã cho xén bớt cành vì sợ bão, lấy ánh sáng cho giàn lan bên dưới. Trên thân cây xù xì, cằn cỗi ấy, mùa xuân đến, như có phép lạ trổ ra những đám lá non. Nắng lọc qua màng lưới, chấp chới trên màu lục biếc của mấy cụm địa lan, lá thanh mảnh, dài, nhọn hoắt hình lưỡi kiếm. Cây hoa đẹp nào chỉ cần hoa. Một khóm lá không thôi vẫn mang cốt cách thanh cao mê hoặc lòng người.
Giờ này học sinh đã đến trường, người lớn đi làm, chỉ còn lại người già và những người nhàn rỗi. Khanh không phải người nhàn rỗi, anh cũng có việc, việc nội trợ. Hai năm đại học vì hoàn cảnh phải bỏ ngang, anh tự thấy mình đủ trình độ để sống với đời nhưng lại thiếu chuyên môn cụ thể để theo một nghề nào đó. Buôn bán thì không có khiếu, thôi đành theo cái nghề trái khoáy với tất cả đàn ông, nói theo kiểu Tú Xương “tiền bạc phó cho con mụ kiếm”.
Vợ Khanh có một cửa hàng hoa ở chợ. Nhờ ơn trời cũng đủ trang trải cho cuộc sống cả gia đình và tài trợ cho khoản phí chơi lan của Khanh – tuy tao nhã nhưng lắm lúc cũng tốn không ít tiền. Thỉnh thoảng Khanh có chút ngoại viện từ ông anh tuy không nhiều lắm. Bạn bè cùng lứa phần lớn thành đạt, chỉ có anh lận đận. Làm cái nghề “ăn lương vợ” ban đầu cũng hơi kỳ kỳ và có chút tự ái, nhưng lâu dần rồi cũng quen. Nghề nào chẳng là nghề, nội trợ cũng là nghề. Cũng phải có những điều bất thường, nào ai giống ai được. Anh chăm lo việc học hành của hai đứa con rất chu đáo khiến vợ anh an tâm. Chị chẳng hề phiền hà, quanh năm lo toan, tất bật. Đó là một kiểu vợ Tú Xương. Đời này, hiếm lắm. Về phương diện này, anh thấy mình thực sự may mắn.
Thực lòng mà nói, anh có chút mặc cảm về hoàn cảnh không giống ai nên ít giao thiệp với bạn bè cũ. Chỉ qua lại với số ít người có hoàn cảnh như mình, những người lớn tuổi, thậm chí với cả nhà sư. Cách đây mấy năm, một bữa nọ lên chùa, sư trụ trì cho Khanh xem một chậu lan Bạch Ngọc vừa nở. Trong khung cảnh tĩnh lặng của ngôi chùa cổ, tiếng chuông ngân nga, mùi trầm hương thoang thoảng… Chậu Bạch Ngọc phô hết vẻ thanh thoát lạ lùng khiến Khanh ngất ngây, choáng váng như gặp phải tiếng sét ái tình. Tình đây là tình đối với loài hoa được tao nhân mặc khách xưng tụng là “vương giả chi hương”. Thời gian sau, sư sẻ cho anh mấy tép và hướng dẫn anh cách chăm sóc.
Khanh chơi lan từ đó. Vừa mua, vừa trao đổi, vừa được thân hữu tặng, Khanh gầy được vài chục chậu địa lan. Khanh chỉ mê địa lan, nhất là địa lan kiếm. Hình như do bản tính, thẩm thức về màu sắc, hoàn cảnh tuy lận đận nhưng có chút nhàn rỗi, anh tìm thấy ở giống hoa này nơi trú ẩn của tâm hồn. Bạch Ngọc, Thanh Ngọc, Mặc Lan, Trần Mộng, Đại Thanh, Hoàng Vũ… nhiều loại thế nhưng có một điểm chung là sắc nhã, hương dịu, dáng thanh, cốt cách thanh cao mang lại ý vị cho người ngắm. Chiêm ngưỡng càng lâu, lướt qua vẻ đẹp bên ngoài, thấu đến cái thần sâu thẳm bên trong, gợi nhiều liên tưởng phong phú, sự thể nhập dường như giữa hoa và người chẳng còn ranh giới.
Chậu Mặc Lan người bạn từ Hà Nội vào tặng ra bói một chồi hoa. Cành hoa thanh mảnh vươn cao trên đám lá xanh um, lả lướt. Sắc hoa nâu đen vừa thanh đạm vừa sang trọng, quý phái mà huyền bí. Đài xòe rộng, cánh cong cong e ấp ôm lấy nhụy hoa, cánh môi lấm tấm trắng. Khanh định tâm, nhìn chăm chú vào một đóa. Trong khoảnh khắc, anh thấy dường như đóa hoa rung rinh, lớn dần lên, hương hoa thoang thoảng quyện với mùi trà. Máu chảy giần giật, niềm vui thầm kín lan tỏa trong anh như vừa uống một ly rượu mạnh. Chỉ có hoa và người, chẳng còn ai khác, chẳng còn gì khác… Anh nhớ lại ngày hôm qua, ông Phổ, người láng giềng trước mặt qua chơi. Thấy chậu Mặc Lan trên bàn, ông ngắm nghía một hồi rồi hỏi:
– Lan gì đây anh? Hoa nhỏ và màu cũng buồn quá! Hình như không thơm. Nó nở có lâu không?
– Tùy thời tiết, cũng được từ mười đến hai mươi ngày.
– Vậy hả. Sao anh không chơi Cát, Hồ Điệp hay Đen-rô? Hoa to, nở lâu mà Cát lại thơm nữa.
Khanh cười gượng không biết trả lời ra sao. Nói ra thì dài dòng, ông ta không hiểu, cũng phí lời. Chẳng trách người xưa có câu: “Thức giả, thị bảo, bất thức giả, thị thảo” (biết thì như báu vật, không biết coi như cây cỏ) không sai.
* * *
Ông Phổ gia nhập xóm ngoại ô này đã được hai năm. Gần mười năm trước, giá đất ở đây rẻ rề, chẳng ai mua. Người dân xẻ vườn đem bán. Ông Phổ xuất thân là thợ may, về sau cùng vợ buôn vải bành. Gặp thời, phất lên, nghe đâu giàu có lắm. Mỗi đứa con một sở nhà trên cả tỉ bạc. Hai năm nay, theo quy hoạch mới, vùng ngoại ô này được đô thị hóa. Đường sá, công trình công cộng dần dần hoàn chỉnh. Con cái đã lớn, công việc làm ăn ổn định như cỗ máy chạy đều. Ông bà giao hết việc buôn bán cho mấy đứa con, về đây dưỡng già. Gần một ngàn mét đất mua rẻ như cho không bỗng dưng tăng giá ngất ngưởng khiến người bán cho ông vừa tiếc, vừa ghen. Mảnh đất ấy biến thành một dinh cơ tòa ngang dãy dọc. Họ kháo nhau: “Chỉ có buôn gian bán lận mới có tiền xây cất đồ sộ như thế chứ đổ mồ hôi thì còn lâu…”.
Mà nguy nga thật. Nhà rường năm gian ở trước, nhà tầng mái ngói lô xô theo kiểu Hàn Quốc phía sau. Giả sơn, hồ bán nguyệt, nhà lục giác để hóng mát và thưởng trà. Một khoảng sân nêm kín cây kiểng đủ loại với nhiều dáng, thế khác nhau. Hướng đông của hiên nhà là một giàn phong lan, có đến vài trăm giò. Một ít lan rừng, phần lớn là lan ngoại lai tạo. Tường cao, rào kín, lại thêm hai con chó berger như hai chú bê con chạy quanh để giữ nhà. Không ai dám đến gần cổng chứ đừng nói đi qua vòng rào. Khác với dân tình ở đây cửa ngõ để trống, đi suốt từ cửa trước ra đến nhà sau. Đúng là kiểu dinh cơ “Nghị Hách!”. Ngôi nhà và cách sống thể hiện niềm ao ước của cả một đời và trình độ văn hóa. Hàng xóm e ngại, giữ gìn chứ ông cũng khiêm nhường và tỏ vẻ muốn thân thiện, hòa đồng. Ông Phổ hay lân la trò chuyện với Khanh rồi đến ông Nam vì ba người tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng có một điểm chung là: chơi lan.
* * *
Nhà ông Nam cách nhà Khanh hai căn, đối diện xéo với ông Phổ. Ông là giáo viên đã nghỉ hưu, vốn chỗ giao tình với nhà Khanh bấy lâu từ thời bố anh còn sống. Sau ngày về hưu ông tâm sự với Khanh: “Mình rời bục giảng là “gác kiếm”, chứ đồng nghiệp của mình cũng bằng tuổi còn ham đánh đông dẹp bắc lắm (Khanh được xem là bạn vong niên của ông Nam. Ông vẫn thường xưng hô với anh một cách thân mật như thế). Người Tây phương họ thích làm việc để thấy trẻ. Muốn trẻ hoài để làm việc mãi. Người Đông phương của mình không thế. Biết tiến, thoái đúng lúc. Trẻ mà không làm việc cũng không được, nhưng già mà cứ cố làm việc cho đến chết cũng dở. Đấy, các cụ ta ngày xưa, về già là vui thú điền viên. Ông Tam nguyên Yên Đỗ, ngoài mười năm làm quan còn lại sống ở nông thôn. Cụ Nguyễn Trãi, hừng hực khí thế đấu tranh, lúc về Côn Sơn đắm mình cùng thiên nhiên, cây cỏ. Cậu có nhớ những câu thơ này của Nguyễn Trãi không nhỉ:
Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam…
…Hái cúc, ương lan hương bén áo
Tìm mai, đạp nguyệt tuyết xâm khăn…
Tuyệt thật! Tất cả giao hòa trong tận cùng bản thể. Chẳng còn ranh giới giữa thiên nhiên và con người…”. Giọng ông Nam vừa hứng khởi vừa chiêm nghiệm. Khanh nhìn ông ngạc nhiên: “Anh không chỉ là giáo viên toán, có thể chuyển sang dạy văn được đấy”. Ông Nam cười: “Sao cậu cứ nghĩ dạy toán là chỉ đọc sách toán thôi nhỉ. Mình đọc đủ loại, thích nhất là văn chương. Ngày xưa, dưới quê lên phố học, nhịn tiền ăn để mua sách. Mê lắm!”.
Mà quả thực, ông rất mê sách. Nhà ông không biết cơ man nào là sách, có lẽ đã sưu tập từ lâu lắm. Mỗi lần lụt lội, Khanh và đứa con trai qua nhà giúp ông kê sách lên cao. Cuối đông, tiết trời ấm dần, ông thường đem sách ra phơi la liệt cả một khoảng sân. Nhiều lần, Khanh qua nhà ông chơi, thấy cuốn sách gì đó để trên bàn, tò mò giở ra xem thử, thấy thích thú. Khanh thả mình trên ghế bành, ông Nam thảnh thơi trên chiếc ghế xích đu, mỗi người một cuốn sách… Bà Nam pha một bình trà nóng, thêm một đĩa nhỏ bánh hay trái cây gì đó rồi lặng lẽ vào nhà. Chim sâu ríu rít trong vòm lá. Bầy sẻ nhỏ thân thuộc sà xuống một góc sân để kiếm thức ăn. Tiếng xe cộ thỉnh thoảng lướt qua rồi trả lại cái yên tĩnh vốn có của một xóm ngoại ô… Ông Nam và Khanh, mỗi người trong thế giới của riêng mình do sách mang lại. Khanh lấy lại thói quen đọc sách kể từ đó.
Ngoài thú đọc sách, khi về hưu ông Nam còn tập tễnh chơi lan. Ban đầu ông cùng mấy người bạn lân la ra chợ lan rừng để tìm không khí. Mua một vài nhánh, chăm thấy kết quả và thấy vui, ông mua tiếp. Thế là gia nhập hội những người chơi lan. Ông có chừng vài chục giò phong lan. Phần lớn là lan rừng và một số cây cảnh. Không còn chăm lũ học trò nhỏ, ông xoay sang chăm cây, chăm lan. Tình yêu đến muộn màng nhưng có vẻ đam mê lắm! Cùng chơi lan, nhưng ba người có cách chơi khác nhau. Ông Phổ chơi một cách ồn ào, phô trương. Ông bỏ tiền mua hàng loạt. Tưới cây có người giúp việc. Chăm sóc có đám đệ tử. Nhiều khi họ đem về nhà chăm, đến kỳ ra hoa mang lại cho ông thưởng thức.
Ông Nam thì khác. Ông chơi lan một cách giản dị, hồn nhiên. Thường tự mình chăm sóc, không có tính chất ăn thua. “Vui vì rễ, vì cây, vì lá. Còn hoa là giai đoạn cuối cùng tất yếu. Như người đi đường vui đi chứ không phải tất cả là vì nơi đến”, ông nói thế. Khanh khác hai người kia. Khanh có chút tự hào về thâm niên chơi lan so với hai người bạn láng giềng. Sự sành điệu của anh nhiều khi tỉ mỉ đến cầu kỳ. Nghe được một giống lan quý nào, anh cố tìm cho được để xem, rồi tìm cách mua bán, đổi chác. Chậu và đôn phải hòa hợp với dáng hoa và màu sắc. Nhiều khi anh bỏ ra một số tiền không nhỏ so với thu nhập của gia đình chỉ để mua về một cặp chậu có màu men và hoa văn phù hợp với giống lan sắp trồng. Anh nâng nó lên thành đạo, pha chút máu ăn thua. Điều này làm mất đi tính chất thiền vị của thú chơi tao nhã này. Nhưng mỗi người mỗi tính. Anh biết thế mà không sửa được.
* * *
Đây là cái tết thứ hai ông Phổ về nơi ở mới. Năm nay, ông muốn mời hai người láng giềng dự tất niên tại nhà ông nhưng Khanh từ chối. Đổi lại, anh đề nghị, chiều ba mươi tết họ tụ tập tại nhà ông Nam uống trà. Ai có giò lan nào đẹp mang đến để mọi người cùng thưởng thức. Không nói, nhưng cả ba thầm hiểu họ đang tổ chức một hội hoa xuân nho nhỏ tại xóm ngoại ô này. Đến giờ hẹn, khi ông Phổ đến, đã thấy hai người bạn lan ngồi đợi ở đấy. Giò Cát sum suê, hai chồi, bốn hoa. Hai hoa vừa nở, to bằng bàn tay, màu tím thẫm, mịn như nhung, đẹp rỡ ràng. Hai nụ kia còn phong kín. Hoa chưa đến nơi mà hương đã ngào ngạt. Ông Nam không giấu được sự ngạc nhiên, trầm trồ: “Đẹp quá! Nhà trồng hay mua đấy?”.
Ông Phổ đặt giò Cát lên bàn, niềm vui, sự kiêu hãnh dù cố kìm nén vẫn tỏa ra từ ánh mắt ngời ngời và miệng cười he hé. Khác với ngày thường hay ba hoa, lần này ông có vẻ khiêm tốn, bẽn lẽn thú nhận: “Không trồng mà cũng chẳng mua. Một người bạn làm ăn tết nào cũng biếu một cái gì đó. Có năm là đào, có năm địa lan Đà Lạt. Năm nay, biết tôi xoay sang chơi phong lan nên biếu giò Cát này”. Ông Nam tiếp tục tấm tắc làm ông Phổ mở cờ trong bụng, vẻ mặt phơi phới cứ như đứa trẻ. “Cứ thời tiết này, chơi được đến Nguyên tiêu”.
Đặt cạnh giò Cát lộng lẫy, giò Nghinh Xuân mang vẻ đẹp dân dã, khiêm tốn. Hoa nhỏ thành chùm, trắng lấm tấm tím nhạt. “Năm ngoái ra chợ lan mua mấy giò định ươm lên. Ai dè, nhìn thế mà khó nhất trong các loại lan rừng. Hình như nó quen với không gian của đại ngàn, bát ngát. Ép nó vào chỗ tù túng, nhỏ hẹp nó không chịu được. Chăm sóc kỹ lưỡng thế kia mà cuống thối, lá rụng dần rồi chết. Chỉ còn lại giò này. Nứt ra hai nụ, mừng muốn chết. Rồi một nụ rụng. Chỉ còn lại một chồi hoa. May quá! Ít ra cũng có để chơi ba bữa tết”. Từ nãy giờ Khanh không nói gì, lúc này anh mới chêm vào một câu nhận xét: “Đâu cần hoa to, hưong đậm, màu sắc chói chang là đẹp. Người cũng như hoa, ngoài sắc phải có cái thần. Nghinh Xuân giản dị mà thanh thoát. Cái quý là nó báo hiệu mùa xuân, như mai vậy. Chứ giống Cát này mùa nào chẳng có…”. Biết tính Khanh và không muốn làm ông Phổ phật lòng, ông Nam chuyển hướng câu chuyện: “Thôi, ngắm chậu Bạch Ngọc của chú Khanh xem sao”.
Chiếc chậu sành, sắc men bóng màu thúy lục, có vằn ngang đen sẫm. Trên đám lá thanh mảnh, mềm, uốn cong màu lục biếc là hai cành hoa đài các vươn cao. Có lẽ đây là giống Bạch Ngọc Đại Kiều nên hoa sum suê hẳn. Đài màu lục nhạt, cánh hoa trắng muốt. Dáng thế, sắc màu của lá, của hoa, của chậu hài hòa. Chậu Bạch Ngọc không làm người ngắm trầm trồ mà khiến họ phải nín thở, lòng lâng lâng… Đó là vẻ đẹp đánh mạnh vào cảm xúc, không qua sự phân tích của lý trí. Ông Nam im lặng, mắt nheo nheo, miệng he hé cười trông có vẻ thú vị lắm. “Giống Bạch Ngọc này thường nở vào mùa thu, cậu ép sao cho nó ra hoa đúng tết, hay thật!”.
Khanh thấy vui vì có người đồng điệu. “Bác Nam có nhớ tiệc rượu Thạch Lan hương của cụ Kép trong truyện ngắn Hương cuội của Nguyễn Tuân không nhỉ? Giống địa lan này dễ làm say lòng các nhà nho xưa lắm”. “Nhớ chứ. Đâu chỉ các nhà nho, vua chúa cũng bị nó mê hoặc. Nổi danh nhất trong giới chơi lan ngày xưa là hai vua Trần. Trần Anh Tông đã có Ngũ Bách Lan Viên (Vườn có năm trăm chậu lan). Kế đến là Phật hoàng Trần Nhân Tông với huyền thoại về loài lan Trần Mộng. Đây là loài hoa vương giả. Vẻ đẹp của nó không kích thích dục vọng ích kỷ mà làm cho tâm hồn người chơi tiêu diêu, hướng thiện…”.
Ông Phổ cúi sát chậu Bạch Ngọc để tìm hương của nó. Khanh ngứa mắt lắm nhưng cố kìm không nói ra suy nghĩ của mình. Đứng bên mụ đàn bà mắt xanh, môi đỏ, diêm dúa sực nức nước hoa, làm sao cảm nhận mùi hương trinh nguyên từ cơ thể thanh xuân của một thiếu nữ. Anh chưa kịp nói thì ông Nam đã mở lời: “Giống địa lan, nhất là loại Bạch Ngọc này lạ lắm. Chú ý thì hình như chẳng thấy gì. Cứ để tự nhiên thì hương phảng phất. Có có, không không. Khi gần, khi xa, huyền hoặc… Nhất Linh có hai câu thơ vịnh một giống lan nào đó tôi đọc đã lâu, có vẻ hao hao giống loại Bạch Ngọc này:
Sắc thanh như ngọc hương thơm mộng
Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần…
Cuộc sống bây giờ tất bật, lo toan quá! Thư thái bên giò lan đẹp, nhấm nháp một tách trà có lẽ là những phút quý giá, hiếm hoi, nói theo kiểu Nguyễn Tuân “như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật lúc nào cũng hỗn loạn, xô bồ”.
Họ đang lý luận về thú chơi lan. Chữ nghĩa cao siêu cứ như trong sách vở. Ông Phổ tuy chẳng hiểu gì nhưng lòng cũng thấy vui. Tất niên năm ngoái, ông dự cùng với đám bạn bè quen biết trong giới làm ăn. Rượu thịt ê hề, tiếng hát, tiếng đàn xập xình, đinh tai nhức óc. Tất niên năm nay, ông ngồi với hai người láng giềng trong khu vườn yên tĩnh, bên những giò lan đẹp. Trái cây, mứt gừng và mứt củ sen bày trên những đĩa sứ trắng muốt, có lẽ do bà giáo tự tay làm. Hương lan, hương trà quyện vào nhau thoang thoảng… Năm nay, đời ông đã rẽ sang một lối khác và dường như trong ông cũng có một điều gì đó đang thay đổi…
Chiều ba mươi êm đềm, tĩnh lặng lướt nhẹ qua xóm ngoại ô. Và rồi mùa xuân sẽ đến…