Bảo mấy đứa con về trước ông Kiên muốn ở lại một mình. Ông thấy khó chịu vì sự hồ hởi quá lộ liễu trên mặt bọn chúng. Đảo qua các phòng, từ nhà trên xuống nhà dưới, kiểm tra cửa nẻo cẩn thận, thôi thúc bởi thói quen từ bao năm qua ông vẫn làm.
Đồ đạc đã được dọn đi. Ngôi nhà trống hoác có phần lạ lẫm, có lẽ chẳng cần ông phải cẩn thận như thế. Rồi ông ra ngồi trên bao lơn trước hàng hiên. Trời chiều rộng thênh thang. Nhắm mắt lại, tưởng chừng như văng vẳng tiếng chuông chiều của ngôi chùa nhỏ trước mặt đã được dời đi thay vào đó là một trường du lịch. Ông nhìn quanh…
Cái Xóm Chuối bình dân trước kia, nhà nào cũng lúp xúp toàn chuối, bỗng chốc rùng mình, vươn vai biến thành phố thị, trung tâm du lịch của thành phố. Nhà hàng, khách sạn đua nhau mọc lên. Cái sau hoành tráng, bề thế hơn cái trước để đón gió thời đại. Chỉ còn ông và một vài nhà nữa kiên cường, bám trụ, nhưng đâu được yên. Tranh chấp nổ ra ngay trong gia đình về chuyện thừa kế, chuyện xử lý tám trăm mét vuông đất và cái nhà sao cho hợp lý, hợp thời. Cuộc chiến dai dẳng, khi âm ỉ, lúc nổ bùng.
Ông thấy mình đã làm hết bổn phận. Con cái ông đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn. Có đứa thành đạt, có đứa nên người. Cuộc sống nhìn chung ổn định. Hình như thế vẫn còn chưa đủ và tiền bao giờ cũng cần cho những nhu cầu không giới hạn. Cần mở công ty, cần xây lại nhà mới, cần cho con cái du học… Ở thời buổi này, một người thức thời phải bắt tiền đẻ ra tiền. Ông không thể đi ngược trào lưu, ôm khư khư quá khứ, kỷ niệm cản trở sự tiến thủ của con cháu. Cuối cùng đành phải đầu hàng để mua lấy hai chữ bình an. Còn gì quý hơn sự bình an đối với một ông già như ông.
Ông đứng lên, khóa cửa trước. Từng bước xuống thềm, chầm chậm đi ra cổng. Ngoái nhìn lại mọi thứ một lần nữa… Ngôi nhà kiểu biệt thự theo lối kiến trúc Pháp ở các xứ thuộc địa, pha phách chút nhà rường mở ra bốn phía toàn là cây xanh. Cây cối trong vườn phần lớn do ông trồng. Ông thuộc tiểu sử của chúng cùng với những vết xước, sẹo trên thân vì chúng lớn lên cùng với những đứa con lần lượt sinh ra trong ngôi nhà này. Ngày vợ ông mất, chúng cũng được để tang, trắng xóa cả khu vườn.
Tự nhiên ông thấy có lỗi với tất cả. Vợ chồng người chủ mới của ngôi nhà chỉ mới ngoài bốn mươi. Bỏ ra một số tiền lớn như thế để mua lại ngôi nhà cũ và tám trăm mét vuông đất đương nhiên là chẳng phải để ở. Nghe đâu kinh doanh nhà hàng, khách sạn gì đó. Rồi mọi cái sẽ không còn! Ông như nghe được tiếng dội của những bức tường bị phá sập, từng cây, từng cây một bị đốn ngã… Bà vợ quá cố của ông, ngôi nhà và mảnh vườn gắn với những năm tháng có ý nghĩa nhất của cuộc đời ông. Tất cả, như trôi tuột vào đâu đó. Mất tiêu, chẳng còn dấu vết. Chao ôi! Con người nối với cuộc đời bằng những mắt xích. Bỗng dưng chúng bị gãy lìa. Ông có cảm giác chơi vơi, chới với như bị tuột tay chẳng bám được vào đâu cả. Ông đã bị bỏ lại đằng sau. Một mình…
***
Ngôi nhà mới của ông ở ngoại ô, không xa thành phố lắm. Năm mươi vuông, bốn phòng trên, dưới. “Chú ở gần đó. Chú thím qua lại nói chuyện với bố cho vui. Khi buồn bố xuống nhà tụi con. Ở đâu, bao lâu tùy thích. Thứ Bảy, Chủ nhật rảnh rỗi tụi con đưa các cháu về thăm…”. Tụi con ông vốn khéo tính toán! Nhìn thì có vẻ cũng hợp lý, chẳng thể phàn nàn. Nhà tuy nhỏ nhưng cũng có một mảnh sân, thoáng và yên tĩnh. Có chỗ để thờ, có nơi đọc sách. Đối với một ông già như ông như thế là quá đủ.
Chỉ có bạn bè và những người quen biết ái ngại giùm ông khi so sánh nơi ở mới với ngôi nhà cũ tám trăm mét vuông đất ở trung tâm thành phố. Không ai biết tâm trạng của người trong cuộc. Hụt hẫng ban đầu theo thời gian mà lắng xuống, ông cảm thấy thực sự bình an với nhịp sống chậm rãi, đều đều trong ngôi nhà suốt ngày yên lặng.
Mà sao không yên lặng được khi trong nhà chỉ có ông, một người câm và một con chó. Bảo con Thương là người giúp việc cũng được, mà bảo không cũng đúng. Thật ra, không ai thuê một người vừa câm vừa nghễnh ngãng làm ôsin. Con bé cũng chẳng có họ hàng gì. Mấy năm trước, sau ngày vợ ông mất, người nhà thấy cần một người giúp việc cho riêng ông. Ôsin thì ở nhà cũng có nhưng họ chỉ làm theo buổi, theo giờ.
Thuê mãi chẳng được. Một hôm có người em họ dưới quê lên thăm. “Anh còn nhớ chị Thu không?”. “Thu nào?” – Ông lục lọi mãi trong mớ ký ức hỗn độn, mù mịt của mình mới nhớ ra. Lâu quá rồi còn gì. Đó là người giúp việc cho mẹ ông hồi nhà còn ở dưới quê. Chị vào ở năm mười bốn, mười lăm tuổi gì đó. Ở được vài năm rồi xin về để học may. Ra nghề chị mở một quán may bên hông chợ, gần nhà nên họ cũng thường xuyên qua lại. Cái quán tranh nhỏ xíu, phên nứa lại là nơi lui tới thường xuyên của đám thanh niên trong làng mỗi khi rỗi việc. Uống một chai nước ngọt, ăn chút quà quê cốt là để ngắm cô chủ xinh xinh. Mà chị xinh thực. Cái xinh trời cho của hoa vừa chớm nở.
Dáng cao, da trắng, tóc dài, khác với những cô gái quê phần lớn đậm người và đen vì công việc đồng áng. Chị cần mẫn bên chiếc máy khâu đã cũ kêu xành xạch, thỉnh thoảng góp chuyện bằng ánh mắt và nụ cười. Bên kia, trên bãi đất trống, bọn trẻ con quần thảo cùng với trái bưởi to tướng trong đám bụi mù mịt. Xa hơn nữa, nắng chiều dát vàng trên mặt sông. Quán may của chị là điểm sinh hoạt ấm áp duy nhất. Cái hiu hiu, lặng lặng của chợ chiều vùng quê như thấm vào tâm hồn thơ bé của ông và giữ mãi đến tận bây giờ.
“Chị lấy chồng người làng bên, sinh được bốn đứa con. Thằng cha chồng vừa nghiện rượu vừa vũ phu. Sáu, bảy năm trước hắn bị tai nạn chết. Mấy đứa con, đứa đi làm ăn xa, đứa có gia đình. Hiện chị đang sống với đứa con gái út. Nghe đâu lúc có bầu con bé, chị bị đánh một trận nhừ tử, may giữ được cái thai. Không biết có phải vì vậy mà khi sinh ra nó không nói được và hơi man man. Nhưng nó làm được việc nhà, sạch sẽ, siêng năng và thật thà lắm. Vừa rồi đây chị phát hiện bị ung thư, giai đoạn cuối. Thiệt khổ, đã nghèo lại gặp eo. Chị nhờ em hỏi nhà mình có cần người không”. “Có lẽ tôi phải bàn với mấy đứa. Nhưng chú cứ đưa hai mẹ con lên đây. Không được thì cứ xem như thăm người quen cũ…”.
Có gì mà không thay đổi sau gần bốn mươi năm. Là người trải đời ông biết được điều đó. Nhưng thực khó chấp nhận người thiếu nữ trong ký ức của ông với bà già đang đứng trước mặt ông đây là một. Sự tàn phá khốc liệt của thời gian và những bất hạnh, đớn đau của một đời người hiện rõ mồn một như phản chiếu qua một tấm gương mà không cần phải thêm một lời giới thiệu nào nữa.
Tim ông thắt lại, lòng tràn ngập nỗi buồn. Con bé con bà ta lại khác hẳn. Cũng chỉ là con bé nhà quê, còi hơn so với những đứa cùng tuổi, tóc hoe hoe khen khét mùi nắng, da nâu, ăn mặc lùi xùi như mẹ nó. Đứng bên cạnh bà mẹ, nó như có được phép lạ miễn nhiễm đối với hoàn cảnh và những bất hạnh của cuộc đời. Không chỉ có đôi mắt, toàn bộ con người nó toát ra một cái gì đó trong veo, thuần khiết. Cái vẻ thuần khiết không thể tìm thấy ở bất cứ người nào ngoại trừ những đứa trẻ.
Ông phải đấu tranh với những người trong gia đình để giữ nó lại. Một trong những lý do thuyết phục nhất là cứ cho con bé thử việc không công. Thực ra, ông đã giấu mấy đứa con cho bà một số tiền chữa bệnh và sau này một số tiền khác để lo đám tang. Nhưng chỉ một thời gian sau, con bé thuyết phục người nhà ông bằng chính việc làm của nó. Nó không thể làm một số việc, nhưng ngược lại, những việc khác, những việc không ai muốn làm thì nó làm rất tốt. Lau sàn, lau bếp, kỳ cọ toilet cứ sáng bóng cả lên.
- Xem thêm: Bản sao
Làm cỏ, quét lá, tưới cây, khu vườn rộng có nó sạch sẽ hẳn, đỡ được một khoản tiền thuê người làm. Yêu súc vật nên chẳng cần phải nhắc nhở nó tắm rửa, chăm chút cho mấy con chó kiểng trong nhà khiến lũ trẻ thích mê. Và có lẽ chỉ có nó, ngủ gà ngủ gật bên cổng để trao chìa khóa cho mấy đứa cháu trai ông đi chơi về khuya mà không kêu ca, phàn nàn. Hình như khi tạo ra nó ông trời bất chợt lơ đễnh khiến ý thức của nó bị nhòe, giác quan có chỗ khiếm khuyết. Nó không nối kết được với mọi người một cách bình thường.
Nhưng chính vì thế nó không bị lệ thuộc vào những lề thói của xã hội. Nó sống với tất cả bản năng sơ khai, thuần khiết nhất của con người nguyên thủy. Con bé là người bạn nhỏ của ông. Có nhiều điều ông không nói với ai, chỉ nói với nó. Có lẽ nó chẳng hiểu gì. Ông biết thế, nhưng có hề gì. Chỉ cần được thổ lộ với ai đó mà mình tin cậy những điều ăm ắp trong lòng. Và khi nhìn vào đôi mắt trong veo, chăm chú của con bé ông bỗng thấy lòng nhẹ nhàng, ấm áp.
***
Bão rớt vừa đi qua. Bầu trời được vén mây, dội xuống một thứ nắng mới vàng óng như mật. Da trời xanh lơ. Cái màu xanh e lệ của thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Mấy cái hoa tường vi cố ngoi ra khỏi đám lá xanh, màu hồng phơn phớt tím ngời ngời dưới nắng. Sau mấy ngày mưa, ai nỡ bỏ lỡ một ngày nắng đẹp. Con Thương ngồi thoải mái trên những bậc cấp gội mình trong nắng. Con chó nằm bên cạnh, đầu cọ vào đùi, thân duỗi dài, lười biếng, nhễ nhại, mắt lim dim tận hưởng cái ấm áp của nắng sớm và bàn tay âu yếm, vuốt ve của người bạn thân thiết. Ông nhìn cả hai.
Chúng có cách truyền thông riêng, giữa người và vật hình như chẳng còn biên giới. Ngôi nhà nhỏ của ông thực sự yên tĩnh. Chỉ mình ông nói mà ông cũng chẳng phải nói nhiều. Giữa họ có những ẩn ngữ vì thế họ hiểu nhau. Tuy chưa đạt trạng thái vô ngôn nhưng cuộc sống kiệm lời khiến ông thấy dễ chịu. Cuộc sống diễn ra đơn giản nhất như nó vốn có. Chẳng nghi thức, màu mè. Ông có được sự tĩnh lặng, bình an để phiêu diêu cùng với những trang sách hoặc trầm ngâm với những tư tưởng chợt đến, chợt đi như mây kia trên bầu trời thênh thang không giới hạn.
Nhưng thời gian gần đây ông có mối bận tâm khác. Con bé dạo này như cây được phân, được nước lớn bổng trông thấy. Thân xác dần phát triển thành thiếu nữ trong khi tâm hồn nguyên vẹn trẻ thơ. Có những điều tế nhị mà ngay cả một ông già như ông cũng không thể nói được, ông đã nhờ bà em dâu giúp đỡ. Dù rất muốn nhưng chắc con bé cũng không thể ở được với ông lâu dài. Tuổi của ông là tuổi của trời, biết làm sao mà nói được. Rồi con bé sẽ được trả về nhà. Sợ rằng nó sẽ bị đẩy từ nhà này sang nhà khác. Anh chị nó đều nghèo, chạy ăn từng bữa làm sao nuôi thêm được một miệng ăn.
Cũng có lúc ông hình dung nó sống lẫn lộn giữa những người lem luốc, đờ đẫn trong một trại tâm thần. Hay một nhà nào đó nhận vào giúp việc. Nó không đủ khả năng tự bảo vệ và nguy cơ bị ngược đãi hay lạm dụng là có thể xảy ra. Lòng canh cánh, ông cố suy nghĩ để tìm cách giải quyết. Lẽ thường mà nói, ông không có bổn phận phải lo cho nó. Không ở đây nữa thì cứ trả nó về nhà là xong chuyện. Nhưng ông không làm được, ông nghĩ đến mẹ nó. Người đàn bà khốn khổ, ông chỉ gặp lại một lần sau bao nhiêu năm cho đến khi bà mất. Bà là người rất tự trọng, chẳng than van, xin xỏ ông điều gì như thường thấy. Chỉ có đôi mắt đau đáu, da diết nỗi niềm của người mẹ cứ ám ảnh ông. Quả có lúc người ta tự nguyện quàng cái ách giữa đàng vào cổ. Nhưng trong đời, có lúc đâu cần tính toán thiệt hơn. Đôi khi cho cũng là nhận. Cho cũng là hạnh phúc.
***
Chiếc taxi dừng lại trước cổng tam quan. Cả hai bước xuống, ông Kiên đi trước, con Thương xách chiếc túi nhỏ đựng áo quần theo sau. Nó nhìn chỗ này chỗ kia, mặt cứ hớn hớn như đứa trẻ lần đầu tiên theo mẹ đi chợ để được ăn quà. Mà từ lâu con bé cũng ít được đi đâu. Men theo con đường với hai hàng tùng cao vút hình ngọn tháp, họ rẽ sang nhà khách. Sư trụ trì đang đợi. Sư cô đang pha trà còn rất trẻ. Mùi mộc quyện với hương trà thơm ngào ngạt. Những bước chân sẽ sàng di chuyển trên nền gạch.
Tiếng bồ câu gù gù trên mái như ai đó đang khúc khích cười. Ở đây mọi cái đều sạch bóng, yên tĩnh mang đến cảm giác dễ chịu. Sư trưởng nói với ni cô: “Con đưa em đây đi một vòng thăm chùa cho biết”. Khi hai người đi khuất, ông Kiên mở lời: “Thưa sư, như tôi đã thưa với sư hôm trước về hoàn cảnh của con bé. Cho tôi gửi cháu lên đây. Tôi thấy ở đây là thích hợp với nó nhất. Con bé tuy thế mà làm được nhiều việc lắm. Sạch sẽ, cẩn thận. Nếu nó mà ở đây được thì thực không gì quý bằng. Mong sư giúp đỡ”. “Bác đừng nói thế. Giúp người là bổn phận của nhà chùa. Ở đây cũng có một số điệu mới cùng với một vài học sinh ở xa gia đình gửi về đây trọ học. Chắc nó cũng có bạn. Không sao đâu. Bác đừng lo”.
- Xem thêm: Nhà trên đồi
Sư trụ trì đưa ông Kiên ra tận cổng tam quan. Con bé đi theo. “Con ở lại đây, có nhiều bạn vui lắm. Nhớ nghe lời sư và mấy chị. Vài bữa ông sẽ lên thăm…”. Con bé gật đầu như hiểu, mắt long lanh, mặt tươi roi rói. Lòng buồn buồn nhưng ông cảm thấy nhẹ nhàng như cất được gánh nặng. Ông chỉ ngoái lại thêm một lần. Nó vẫn còn đứng ở cổng tam quan nhìn theo. Chiếc xe lượn một vòng theo triền đồi, đổ dốc rồi nhập vào đường lớn.
***
Nhận được điện thoại của sư trụ trì, ông Kiên vội vã lên ngay. Xe dừng, ông đi thẳng ngay vào cổng tam quan rồi rẽ sang nhà khách. Chưa kịp bước lên bậc thềm đã thấy sư đang đứng đợi. Con bé Thương từ nhà tăng bất ngờ vọt ra, nhào đến bên ông. Chưa bao giờ ông thấy nó căng thẳng như vậy. Nó đứng trước mặt ông, cố sức để nói gì đó. Những âm thanh trầm đục bị chặn lại ở cổ biến thành những tiếng ú ớ, lạ tai không ai hiểu được. Nó càng cố, càng tỏ ra bất lực. Những đường nét trên gương mặt xô động, mặt đỏ rần, nước mắt trào ra. Nó tiếp tục ú ớ cố hết sức diễn tả cho được ý mình. Rồi nó chộp lấy tay ông lắc mạnh. Những giọt nước mắt rơi xuống nóng hổi… Tim ông thắt lại, có gì đó trong ngực dồn lên ứ nghẹn. Ông vỗ vỗ vào tay con bé. “Thôi được… Thôi được. Ông hiểu rồi. Nào nín đi. Khóc thế xấu lắm…”. Sư trưởng chứng kiến hết. Người tu hành vốn ít biểu lộ nhưng mắt nhìn của bà vẫn ánh lên sự thương cảm.
Vào nhà khách, con bé theo sát ông không rời một bước. “Ba ngày đầu sinh hoạt bình thường. Nó giúp mấy chị và các điệu dọn dẹp. Nhưng mấy ngày sau tự nhiên thấy có vẻ buồn buồn. Cứ thơ thơ thẩn thẩn trong sân chùa rồi ra đứng ở cổng tam quan. Mấy điệu sợ đi lạc dẫn vào nhưng không chịu. Có khi trời tối mà vẫn còn đứng đó ngó mông ra đường. Ăn ít dần và ngày hôm qua thì thực sự bỏ ăn. Đêm cũng không ngủ, sờ sẫm từ chỗ này sang chỗ khác. Bỏ ăn, bỏ ngủ như thế sẽ ốm mất. Chắc con bé nhớ nhà và chưa quen ở đây. Lại nữa, nó không nói được nên nhà chùa cũng chẳng biết nó muốn gì đành phải nhắn bác lên…”.
– Thật áy náy quá! Tôi không ngờ cớ sự như vậy. Hoàn cảnh nó cũng có nhiều khó khăn như tôi đã thưa với sư hôm trước. Giá như nó sống được ở đây thì thực sự là may mắn.
– Giúp người là bổn phận của người xuất gia. Bác đừng ngại. Có điều ở chùa được hay không là do duyên. Có lẽ duyên của nó chưa tới. Cứ thư thả một thời gian. Bác cho nó lên chơi, ở lại đôi bữa rồi về. Tập cho nó quen dần. Nó cũng như trẻ con. Thay đổi đột ngột quá, nó không chịu được, đổ bệnh cũng phiền…
– Thôi thì đành vậy, chứ biết làm sao. Dù sao cũng làm phiền sư và các chị nhiều quá. Mong nhà chùa giúp đỡ cháu. Nó mà được ở đây, tôi mới yên tâm.
Hai ông cháu núp dưới chiếc dù của người tài xế taxi. Chiếc xe lượn một vòng theo triền đồi rồi đổ ra đường lớn. Trông con bé có vẻ mệt mỏi, đầu tựa vào lưng ghế thiu thiu. Chắc nó ngủ bù mấy đêm trước. Ông nhìn nó, con bé nhanh chóng đi vào giấc ngủ như một đứa trẻ, đầu lắc lư cùng với nhịp xe. Sự kích động vừa qua chỉ như cơn gió thoảng trên mặt hồ, trả lại vẻ vô tư và hồn nhiên như thường có. Chao ôi! Con bé như người khách lạ tình cờ lạc bước đến cõi người đam mê này. Chỉ một liên hệ tình cảm cho dù với một ông già như ông đã làm nó đau đớn đến vậy. Nó không còn là một đứa trẻ nhưng cũng không thể tự bảo vệ mình. Biết làm sao đây… Lòng ông ngổn ngang, canh cánh cái cảm giác của người gánh nặng mà đường thì còn xa quá! Tưởng giải quyết xong chuyện nhà cửa, ông sẽ thảnh thơi trong những ngày còn lại. Hóa ra là không phải vậy…
Chiếc xe đang đổ dốc. Người tài xế tập trung vào tay lái. Những cây thông hai bên đường run rẩy, nối tiếp nhau trôi ngoài cửa xe. Mưa từng sợi nghiêng nghiêng… Ông rùng mình. Đợt rét đầu mùa đang tới…