Đại học (ĐH) phi lợi nhuận là mô hình đã chứng minh hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH tại các nước tiên tiến. Tại Việt Nam, mô hình này đang vấp phải những rào cản về pháp lý, bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ ĐH tư thục sang ĐH tư thục phi lợi nhuận theo quy định của pháp luật cũng đang gây ra nhiều tranh chấp, mà mâu thuẫn lớn nhất là quyền lợi của các cổ đông góp vốn và ban quản trị nhà trường. Vậy đâu là cách nhìn nhận đúng về ĐH phi lợi nhuận đích thực? Điều kiện nào để mô hình này phát triển tại Việt Nam và thu hút được các nguồn lực xã hội như đã từng thành công ở Mỹ và các nước tiên tiến khác?
Đại học phi lợi nhuận – Nhập nhằng từ khái niệm đến chính sách quản lý
Từ năm 2000 trở lại đây, xã hội hóa giáo dục là xu thế tất yếu xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, khi mà các cơ chế quản trị của ĐH công cho thấy sự trì trệ và chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực. Thế nhưng, thay vì phát triển theo chuẩn mực quốc tế và trở thành những cơ sở giáo dục có chất lượng, ĐH tư thục ở Việt Nam, với cách hoạt động như một doanh nghiệp do tư nhân góp vốn và sở hữu, đã bị chi phối bởi mục đích vì lợi nhuận nhiều hơn là phục vụ giáo dục. Loại hình này đang đánh mất niềm tin của xã hội và nhiều người cho rằng đây là thời điểm thích hợp để phát triển ĐH tư thục phi lợi nhuận.
Tại các quốc gia tiên tiến như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, nền giáo dục chủ yếu dựa vào các trường công lập và tư thục phi lợi nhuận, vai trò của ĐH tư vì lợi nhuận tương đối hạn chế. Có được điều này là nhờ chính sách kiểm soát chặt chẽ từ nhà nước và cơ chế tự quản giúp các trường có được sự minh bạch trong quản lý, điều hành. Tại Mỹ, hầu hết các trường ĐH danh tiếng về chất lượng đào tạo đều là trường ĐH tư phi lợi nhuận, như Harvard, Stanford, Yale… Tiêu chí để xác định một trường ĐH phi lợi nhuận là khi trường tái đầu tư tất cả lợi nhuận vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục và vận hành trường. Bên cạnh đó, vì không có chủ sở hữu, không phân chia lợi nhuận, tài sản đóng góp của trường được đảm bảo không phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm, nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và dễ dàng thu hút nguồn tài trợ từ các quỹ giáo dục, các tổ chức, cá nhân và cả nguồn tài trợ từ chính phủ.
Với những khả năng ưu việt, ĐH tư thục phi lợi nhuận được kỳ vọng sẽ là mô hình giải quyết được những bất cập của ĐH công và ĐH tư thục hiện nay tại Việt Nam. Thế nhưng, vì sao đến nay loại hình này vẫn chưa phổ biến? Một trong những thách thức lớn là hành lang pháp lý. Khái niệm về ĐH tư phi lợi nhuận trong các quy định pháp luật Việt Nam vẫn rất xa so với quy chuẩn của thế giới.
Tại tọa đàm Điều kiện cho đại học không vì lợi nhuận tại Việt Nam tổ chức ngày 12-5 vừa qua tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam chưa có ĐH không vì lợi nhuận. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh, ba yếu tố để phân biệt giữa ĐH tư thục phi lợi nhuận và ĐH tư thục vì lợi nhuận, thể hiện qua ba câu hỏi: Ai là nhà đầu tư, ai là người sở hữu, thặng dư của trường sử dụng như thế nào? Theo ông, nếu theo chuẩn quốc tế, cả ba câu trả lời đều là “không” thì tại Việt Nam, theo quy định pháp luật, trường ĐH tư phi lợi nhuận vẫn có Hội đồng quản trị, có sở hữu, nhà đầu tư và chia cổ tức (bị giới hạn bởi lãi suất, trái phiếu chính phủ). Quy định này sẽ tạo ra mâu thuẫn trong cách vận hành của mô hình này cũng nhưảnh hưởng niềm tin của xã hội trong hoạt động hiến tặng (endowment) – vốn được xem là nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH tư phi lợi nhuận trên thế giới. Sẽ chẳng cá nhân hoặc tổ chức nào muốn bỏ tiền ra tài trợ cho một cơ sở núp bóng “phi lợi nhuận” nhưng đem lại lợi ích cho một số người.
Trong khi đó, luật sư Lương Văn Lý – cố vấn kiêm Trưởng bộ phận đầu tư và thương mại, Công ty Luật Việt Long Thăng, cho rằng, pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến mở đường cho ĐH tư thục phi lợi nhuận. Theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg, mục 4, chương 3 về tổ chức và quản lý của trường ĐH tư thục phi lợi nhuận, điều 29 khẳng định Hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường là cơ quan quyền lực cao nhất; đại diện các thành viên góp vốn chỉ chiếm không quá 20% tổng số thành viên của Hội đồng quản trị. Quy định này đã pha loãng quyền của cổ đông và tạo sự độc lập cho hoạt động giáo dục với mục tiêu vì lợi nhuận. Tuy nhiên, những trường tư thục đã hoạt động theo hướng phi lợi nhuận nhưng chưa được cấp phép sẽ gặp khó trong việc chuyển đổi, đơn cử như Trường ĐH Hoa Sen hoặc RMIT. Theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 34 của Điều lệ trường đại học: muốn chuyển đổi sang phi lợi nhuận phải đủ sựủng hộ của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn của các thành viên góp vốn. Hiện nay, việc chuyển đổi từ tư thục sang phi lợi nhuận của ĐH Hoa Sen đang châm ngòi cho những tranh chấp giữa Hội đồng quản trị và một số cổ đông góp vốn của trường, vì sự chuyển đổi này sẽảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các cổ đông trong việc chia cổ tức và quyền quản trị. Trường hợp của RMIT, nhiều chuyên gia cho rằng dù RMIT tuyên bố mình hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận nhưng khó mà được cấp phép vì lấy đâu ra thành viên góp vốn khi mà nguồn ngân sách cho hoạt động của trường này được tài trợ từ chính phủ Úc và các hoạt động hiến tặng.
Gỡ khó cho đại học phi lợi nhuận bằng cách nào?
Hằng năm, các bậc phụ huynh Việt Nam bỏ ra hàng tỉ USD cho con đi du học nước ngoài, có thể thấy nhu cầu xã hội với giáo dục ĐH chất lượng cao là rất lớn. Theo nhiều chuyên gia, không nên quá khắt khe các khái niệm ĐH công lập hay ĐH tư thục hay tư thục vì lợi nhuận, miễn sao các trường này chú trọng đến chất lượng đào tạo, có chính sách quản lý để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng nhất là nhà nước cần có chính sách khuyến khích, đồng thời có cơ chế quản lý và kiểm soát.
Để tạo điều kiện phát triển ĐH tư phi lợi nhuận, luật sư Lương Văn Lý cho rằng pháp luật không nên dừng lại ở các quy định đã có mà nên nghiên cứu sâu hơn thực trạng và nhu cầu thực tế để định hình quy chuẩn rõ ràng hơn. Các tổ chức xã hội sẽ là nguồn lực tài chính vững chắc nếu mô hình này chứng minh tính hiệu quả và lấy được niềm tin từ sự minh bạch về tài chính cũng như các hoạt động mang lại giá trị cho nền giáo dục. Hiện nay, những ví dụ như ĐH Hoa Sen, RMIT, Fulbright… đã cho thấy tính hiệu quả của ĐH tư thục phi lợi nhuận trong việc mang lại những giá trị cao hơn cho nền giáo dục.
Bên cạnh vấn đề chính sách, theo Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng ĐH RMIT, muốn phát triển theo mô hình không vì lợi nhuận, trước tiên trường phải có khả năng sinh lời. Nói cách khác, trường phải phát triển bền vững và tạo ra càng nhiều nguồn thu càng tốt, như vậy mới duy trì được hoạt động, trả lương nhân viên, cấp học bổng cho sinh viên. Ngoài ra, các trường không vì lợi nhuận phải xem xét kỹ lại các khoản chi tiêu và cần tập trung vào chất lượng đào tạo, bảo đảm tính cạnh tranh, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Vấn đề tài chính và thu hút các nguồn lực xã hội cũng là rào cản lớn để phát triển ĐH tư phi lợi nhuận. Nếu Fulbright có sự tài trợ của chính phủ Mỹ, RMIT có nguồn tài trợổn định từ Úc thì Hội đồng quản trị ĐH Hoa Sen khi chuyển sang mục tiêu phi lợi nhuận vẫn đang gặp rắc rối trong tranh chấp với một số cổ đông vốn là các doanh nhân xem giáo dục như một hoạt động kinh doanh. Sẽ khó cho Hoa Sen vì các nhà hoạt động giáo dục sẽ không đủ nguồn lực tài chính để mua lại cổ phần và nắm quyền điều hành trường theo hướng phi lợi nhuận, khả năng thứ hai là sẽ có một nhà tài trợ sẵn sàng bỏ ra một số tiền vốn tài trợ không hoàn lại để Hoa Sen có thể phát triển theo mục tiêu vì giáo dục. Thế nhưng kịch bản thứ hai cũng rất khó xảy ra, khi mà khái niệm ĐH phi lợi nhuận ở Việt Nam vẫn đang nhập nhằng và mô hình này vẫn mang lại lợi ích cho một số người.
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, để giải quyết vấn đề tài chính, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích tham gia của xã hội trong ĐH phi lợi nhuận. Đồng thời, những trường ĐH phi lợi nhuận đích thực cần được khuyến khích và đối xử công bằng như trường công lập, chẳng hạn như tài trợ về tài chính, cung cấp một số đầu tư ban đầu về thiết bị… Đặc biệt, cần có chính sách miễn thuế cho các tổ chức và cá nhân hiến tặng cũng như miễn thuế thu nhập, thuế đất… đối với các trường theo mô hình này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn tài chính. Theo ông Trần Đức Cảnh, thành viên hội đồng quản trị Hiệp hội các trường ĐH vùng Đông Bắc bang Massachusetts, phi lợi nhuận đề cao tính minh bạch, công khai, trách nhiệm giải trình. Nhà nước cần có cơ chế để quy định trách nhiệm giải trình của từng tổ chức giáo dục, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm toán, giám sát các trường ĐH phi lợi nhuận để lấy được niềm tin của xã hội. Đó mới là cơ chế cần thiết để phát triển bền vững và là nền tảng để thu hút các nguồn lực xã hội cho mô hình này.
Diệp Khánh (DNSGCT)