Chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vở kịch Thiên thần nhỏ của tôi mang đến một trải nghiệm trong trẻo, khác lạ.
Phát hiện mới mà cũ: Trọng Khang
Thiên thần nhỏ của tôi có rất nhiều cái đầu tiên. Lần đầu tiên, một truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh được dựng thành kịch bản sân khấu. Lần đầu tiên, cô diễn viên đã quen thuộc với khán giả Lan Phương thử sức trên vai trò đạo diễn. Cũng là lần đầu tiên, bộ ba diễn viên nhí Thuận Hưng, Hà Mi và Trọng Khang đứng trên sân khấu và cả ba em giữ luôn ba vai chính, là linh hồn cho cả vở diễn.
Người ta đã biết Trọng Khang qua vai diễn trong bộ phim đình đám Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ, cũng chuyển thể từ một truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh. Thuận Hưng cũng đã có chút kinh nghiệm diễn xuất trên truyền hình. Nhưng sân khấu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vậy mà cả ba đều đã hoàn toàn chinh phục khán giả với lối diễn xuất tự nhiên. Cả ba em đâu biết gì về thời kỳ đổi mới, về đồng quê, đâu biết gì về nỗi buồn phải chia xa một nơi chốn thân thương, phải từ biệt một người bạn thơ ấu. Chính ba em khi đứng trước câu hỏi vì sao lại có khả năng thuộc từng lời thoại và hóa thân vào nhân vật tuyệt vời đến dường ấy cũng chỉ có chung một câu trả lời lí nhí trong miệng:
– Dạ, con cũng không biết nữa.
Thiên thần nhỏ của tôi là một sự về nguồn, trong cả một hành trình về nguồn chung của sân khấu Hồng Hạc. Và trong nỗ lực ấy, ê-kíp đã tìm thấy Trọng Khang. Có thể nói mà không sợ quá lời, Trọng Khang có dáng dấp của một Haley Joel Osment của Việt Nam bởi gương mặt ngây thơ, giọng nói trong trẻo và một đôi mắt biết nói. Có những cảnh nhân vật Kha của Khang hoàn toàn không thoại. Em chỉ đứng đó, giữa khu vườn của mình, đưa ánh mắt về khán giả, tưởng tượng ra cảnh gốc cây trong vườn sẽ bị chặt mất, cái giếng trong vườn sẽ bị san phẳng, cái hàng rào sẽ bị gỡ bỏ, nước mắt em tuôn ra, khiến khán giả sững sờ vì khả năng diễn xuất thiên phú. Họ buồn cùng nỗi buồn của cậu bé Kha. Ai mà không buồn khi phải giã từ kỷ niệm của mình!
Câu chuyện của Thiên thần nhỏ của tôi khởi đầu từ một cuộc gặp tình cờ ở nước Pháp. Kha gặp lại Hồng Hoa sau 20 năm xa cách. Họ ôn lại những kỷ niệm của một thời ấu thơ, của cái thuở mà thứ tình cảm hồn nhiên xâm chiếm tâm hồn của đôi bạn trẻ. Ngày ấy, Kha, 10 tuổi, cùng gia đình dọn đến nhà mới. Vốn sống cùng với bà ngoại từ nhỏ, Kha luôn nhớ về đồng quê yên bình. Thế nên cậu bé thích khu vườn sau nhà, có cây khế, có giếng, có con sáo mà cậu tập cho nó nói.
Mang điện ảnh lên sân khấu
Một lần nọ, cậu bắt gặp từ lỗ hổng ở hàng rào, một cô bé nhỏ tuổi hơn chui vào khu vườn. Cô bé không hái trộm khế, chỉ đi dạo quanh khu vườn, lấy lá thả xuống giếng và nhảy múa hồn nhiên. Một lần nọ, cô bé tên Hồng Hoa ấy bị phát hiện. Nhưng Kha không mang cô bé ấy đi mách người lớn mà chỉ muốn làm bạn của cô. Thế là khu vườn trở thành nơi hò hẹn của hai tâm hồn non nớt, giữa một thế giới bộn bề thay đổi ngoài kia. Kha kể chuyện cho Hoa, Hoa hát cho Kha nghe. Sự trong trẻo hồn nhiên của đôi bạn nhí, qua diễn xuất ăn ý tuyệt vời của Hà Mi và Trọng Khang, đã thật sự đưa khán giả trở về tuổi thơ của mình.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh luôn trong trẻo. Nhưng vì sao các tác phẩm của anh lại ít được dựng thành kịch bản phim và sân khấu? Vì nó thiếu những cao trào. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một nhánh rẽ hiếm hoi mà Nguyễn Nhật Ánh nói về cái ác của trẻ con, đấy là câu chuyện có những nét chấm phá dữ dội, có những cuộc chia ly, có hờn ghen và thương tật. Nhưng Thiên thần nhỏ của tôi lại là một truyện đúng “chuẩn Nguyễn Nhật Ánh”, tức là thuộc dạng rất khó chuyển thể.
Vậy nhưng dưới bàn tay của biên kịch Việt Linh, đạo diễn Lan Phương và dàn diễn viên mới nhưng đầy triển vọng, vở kịch Thiên thần nhỏ của tôi đã hiện lên một cách đầy sống động. Khán giả như ngồi trên con thuyền, để cho các diễn viên nhí chở họ về quá khứ, một quãng thời gian không âu lo, và trên một con thuyền, người ta cứ việc thả mình mà không cần lấy những cao trào.
Một trải nghiệm khác, đáng quý, mà Hồng Hạc mang đến cho người xem là họ đã mang điện ảnh lên sân khấu. Nếu một vở diễn bình thường ở các sân khấu khác mất tầm 30 giây cho một lần chuyển cảnh thì trong vở này, mỗi lần chuyển cảnh chỉ mất trên dưới 10 giây. Có những phân cảnh mà diễn viên không thoại mà chỉ đứng yên, diễn xuất qua nét mặt, và cảnh ấy chỉ kéo dài khoảng vài giây. Việc chuyển cảnh nhanh, gọn, những câu thoại không dài dòng kiểu sân khấu mà gãy gọn kiểu điện ảnh thật sự mang đến một trải nghiệm mới mà nếu không quen, có thể vài khán giả sẽ cảm thấy khó chịu.
Nhưng sự dũng cảm ấy đáng được ghi nhận. Giữa một thời đại mà người ta mang sân khấu vào điện ảnh, tức là bê nguyên xi những diễn viên hài ăn khách ở các tụ điểm và sân khấu tấu hài vào những bộ phim, việc đạo diễn Việt Linh và các cộng sự của cô mang điện ảnh lên sân khấu là một sự ngược dòng đáng khích lệ. Thiên thần nhỏ của tôi, và vài vở khác của sân khấu Hồng Hạc, không có tấu hài, không có cả những diễn viên hút khách, nhưng nó trả sân khấu về với vẻ đẹp nguyên thủy của nó.
Đủ lớn để mong bé lại
Một người em nói với người viết: “Có lẽ sân khấu này sẽ là nơi cứu rỗi nghệ thuật và định hình lại chuẩn giá trị của sân khấu”. Đấy rõ ràng là một con đường dài và chông gai. Nhưng khi đã quyết định chọn con đường này, có lẽ đạo diễn Việt Linh cũng phải lường trước được những khó khăn gì đang chờ đợi mình.
Hồng hạc là tên một loài chim quý. Các con chim trong cùng một đàn sẽ di chuyển cùng nhau khi gặp các mối nguy hiểm đe dọa. Khi một chiếc máy bay nghiên cứu tiến đến gần khu vực sinh sống của đàn chim hồng hạc ở Sisal, Mexico, các con chim cùng nhau di chuyển về một nơi an toàn hơn mà không giải tán riêng lẻ. Chúng thà chết chung chứ không tự mưu cầu đường sống cho riêng mình. Phải chăng đấy là tâm sự mà nữ đạo diễn Việt Linh muốn gửi gắm cho sân khấu thể nghiệm của mình? Tất cả sẽ cùng nắm tay nhau để cùng vượt qua một giai đoạn khó khăn khi những giá trị thẩm mỹ bị truyền hình làm cho xô lệch.
Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Nhật Ánh liên tục có những tác phẩm được chuyển thể. Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Thiên thần nhỏ của tôi thì Cô gái đến từ hôm qua cũng chuẩn bị được “đạo diễn triệu đô” Phan Gia Nhật Linh chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Phải chăng chúng ta đã đến một giai đoạn bội thực với những sản phẩm giải trí dễ dãi. Phải chăng chúng ta “đã đủ lớn để mong bé lại” như lời bài hát của Trần Lê Quỳnh, cũng mang tên Cô gái đến từ hôm qua?
Ngoài diễn xuất thành công và ăn ý của cặp diễn viên nhí Trọng Khang – Hà Mi, Thiên thần nhỏ của tôi còn có Thuận Hưng đóng vai trò mang đến tiếng cười trong vai Khang, tức anh ruột của Kha. Khang xuất hiện ít, trong vai trò là diễn viên thứ chính, nhưng vẫn tạo ấn tượng bởi diễn xuất tự nhiên và bản năng. Thậm chí có những đoạn “phăng” ngoài kịch bản, nhưng không làm mạch truyện bị lệch đi. Hay như diễn viên nhiều kinh nghiệm Lương Mỹ cũng có một vai bà ngoại đáng nhớ.