Sự khích lệ và ủng hộ của cha mẹ chính là nền móng tốt đẹp để con trẻ phát triển tài năng.
Phát triển những khả năng đặc biệt của trẻ
Khi trẻ thích vẽ mọi thứ xung quanh bằng những cây bút chì nhiều màu sắc, bạn có thể động viên bằng cách cho trẻ tham gia các câu lạc bộ về hội họa, thăm phòng triển lãm tranh, bảo tàng nghệ thuật. Nếu trẻ tỏ ra thích chơi đàn piano, hãy thử gợi ý về một lớp học đàn. Nếu trẻ quan tâm đến văn chương, tạo cho trẻ cơ hội đọc và viết, biết đâu con bạn trẻ trở thành một nhà ngôn ngữ học mai sau?
Biết tôn trọng và ủng hộ tài năng của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn một tài năng. Dù lĩnh vực nào, những sở thích, mối quan tâm ấy cần được ủng hộ và tôn trọng. Chẳng có gì không tốt nếu bé trai có thiên hướng về ẩm thực trong khi bé gái có biệt tài về những môn vận động. Hãy tôn trọng và cho phép trẻ theo đuổi những sở thích riêng của chúng, trên cơ sở phát triển một trí tuệ toàn diện.
- Xem thêm: Làm bạn đồng hành cùng con trong học tập
Khuyến khích trẻ tiếp xúc với nhiều loại hình kiến thức khác nhau như âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, văn học…để hiểu rõ những sở thích và năng khiếu của trẻ. Cho phép trẻ theo đuổi những hoạt động để trẻ phát hiện ra điều chúng quan tâm, dù bạn thích hay không thích. Đồng thời, ghi nhận cẩn thận những lĩnh vực thu hút trẻ một cách tự nhiên nhất.
Tìm hiểu những dự định của trẻ
Bạn sẽ làm gì khi nhìn thấy cuốn sách của trẻ đầy dẫy những hình vẽ sống động? Bạn sẽ lớn tiếng la rầy hay khen ngợi bức tranh đẹp với gợi ý rằng:”Nó sẽ đẹp hơn nếu con biết vẽ đúng chỗ”. Với câu trả lời thứ nhất, trẻ sẽ cảm thấy bực tức và hụt hẫng, và nghĩ rằng chúng thật tồi tệ. Riêng cách thứ hai, thể hiện hành vi tích cực hơn trong khi bạn vẫn động viên sở thích, hứng thú của trẻ.
Đừng quá cầu toàn về trẻ
Quyết tâm theo đuổi một mục đích nào đó và nỗ lực để học giỏi, điều đó có thể đạt được nhưng không thể tuyệt đối. Hãy để trẻ cảm giác thoải mái thay vì xét nét mọi thứ, đồng thời dành thời gian để nói chuyện thân mật và cởi mở với trẻ, đặc biệt là vào những bữa ăn gia đình. Cho dù năng khiếu của trẻ phát triển ở mức độ nào, bạn vẫn có thể nói với trẻ:” Ba mẹ luôn hạnh phúc vì sự hiện diện của con” hoặc ” Thất bại là mẹ thành công, con ạ”.
Khuyến khích con cố gắng và khen ngợi trẻ đúng lúc
Khi trẻ làm điều gì đó khó khăn hoặc chưa làm tốt, hãy khuyến khích trẻ kiên nhẫn và cố gắng động não. Điều này giúp trẻ hiểu rằng không nhất thiết phải luôn làm tốt, giúp trẻ biết cảm thông với người khác, biết đánh giá đúng về người khác, không nên chê trách người yếu kém, vẫn công nhận tài năng của người khác. Những trẻ có tài năng cũng như những trẻ khác, luôn cần sự đánh giá cao của người lớn. Nhưng việc được bạn khen ngợi quá nhiều sẽ khiến trẻ tưởng rằng chúng chỉ được yêu thương khi đạt được thành tựu nào đó, còn khen không đúng khiến trẻ dễ ảo tưởng.
- Xem thêm: Bồi dưỡng cho con cảm xúc tinh thần
Đừng vì những mơ ước cháy bỏng ngày xưa không thành mà bắt buộc trẻ phải phải hoàn thành hoặc theo đuổi hoài bão xưa của bạn. Hoàn cảnh xã hội và môi trường hoàn toàn khác biệt, trẻ không thể là “bản sao” của cha mẹ nên bạn đừng ép uổng trẻ làm gì. Hãy để trẻ con mãi là trẻ con.