Phủ khắp những khung giờ nóng các kênh truyền hình, show giải trí thực tế trở nên quá quen thuộc với khán giả. Áp lực về cạnh tranh lượng người xem khiến nhà sản xuất luôn phải thay đổi nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho chương trình. Vậy, show giải trí thực tế đã đáp ứng khán giả như thế nào và làm sao giữ được độ “nóng” của mình khi mỗi năm lại xuất hiện thêm những cái tên cạnh tranh mới?
Khán giả “cả thèm, chóng chán”
Khi các show giải trí theo kiểu ghi hình phát sóng không còn đủ thu hút khán giả, nhà đài bắt đầu đi tìm một xu hướng làm truyền hình mới. Và bước đầu tiên, để đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của người xem, chính là mua các phiên bản chương trình truyền hình nổi tiếng trên thế giới về “Việt hóa” và phát sóng. Sự thay thế một cách ngoạn mục của các show truyền hình thực tế trên hầu hết các sóng truyền hình quốc gia, địa phương nổi bật đã tạo ra góc nhìn mới và thoáng hơn tính giải trí ở người xem lẫn sản xuất chương trình. Ban đầu, lác đác vài chương trình được mua về mang tính thử nghiệm như: Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Got Talent… đến nay số lượng đã tăng lên một cách đáng kể.
Khán giả bắt đầu hào hứng hơn khi chính họ là một trong những chủ thể góp phần tạo ra thành công, kết quả của cả một chương trình truyền hình. Nắm bắt tâm lý này, các show giải trí thực tế trên thế giới đã đi rất xa và hiện nay, họ đã có vài chiêu thức mới đáp ứng nhu cầu của người xem truyền hình, tuy nhiên với truyền hình trong nước, đưa khán giả vào chi phối chương trình truyền hình tồn tại rầm rộ khoảng bảy năm trở lại đây. Tuy nhiên, để nhìn nhận ra một đối tượng khán giả trung tâm của các show thực tế như thế này chủ yếu nằm ở lượng fan – khán giả trung thành, cũng như đại đa số khán giả trẻ có sở thích tạo nên những làn sóng thay đổi về thần tượng nhiều hơn.
Các chương trình giải trí thực tế hiện nay đa phần tập trung cho đối tượng khán giả xem truyền hình là giới trẻ là chính. Từ những sân chơi của âm nhạc như: Thần tượng âm nhạc,Giọng hát Việt, Tôi là người chiến thắng… đến lĩnh vực thời trang thì có: Vietnam’s next Top Model, Project Runway, Ngôi sao thiết kế thời trang… đều xem phần đông khán giả trẻ có thiên hướng “hành động” là chính. Tuy nhiên, chính lượng khán giả trẻ này sẽ tạo nên áp lực ngược lại cho nhà sản xuất không hề nhỏ, khi tính cập nhật của họ liên tục thay đổi. Rõ ràng, các show truyền hình giải trí thực tế của chúng ta đa phần chạy theo xu hướng, nhu cầu và thị hiếu của khán giả là chính chứ chưa thể nắm được “quyền” chủ động để tạo ra một sức ép lên công chúng.
Không chỉ là các show truyền hình mang tính giải trí đơn thuần, nhưng với đặc trưng của tính cách và quan niệm xem một chương trình của khán giả Việt từ trước đến nay, rõ ràng, yếu tố chất lượng và tính minh bạch, nhưng vẫn phải đầy đủ sự lôi cuốn đã tạo nên áp lực lớn cho con đường dài của dòng chương trình này. Vậy làm sao để giữ được sự cạnh tranh chiếm ưu thế trong thời đại bùng nổ show truyền hình thực tế hiện nay?
“Chiêu trò” cũng đuối
Có một quy tắc ngầm ràng buộc giữa tính thực tế và sự hấp dẫn, sau khi trải qua hàng loạt những chương trình truyền hình giải trí hiện có, đó chính là “chiêu trò”. Đương nhiên, “chiêu trò” ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa rộng, và bao gồm cả scandal, và nó không hoàn toàn nằm ở phạm trù tiêu cực cho một chương trình truyền hình. Từ trong các format gốc, việc vận dụng “chiêu trò” để làm nóng ở mỗi giai đoạn phát sóng đã có thực và chúng ta chỉ việc áp dụng nó vào hiện trạng con người và thực tế khán giả trong nước để tạo nên sự phù hợp. Ở hầu hết các chương trình thực tế hiện nay, sự hấp dẫn được xây dựng chính trên ba yếu tố: người nổi tiếng, câu chuyện và tình huống. Và kết quả đôi khi chỉ là một yếu tố phụ tạo nên xúc tác, kích thích người xem, đỉnh điểm vẫn là tăng rating liên tục cho chương trình.
Không khó nhận ra yếu tố người nổi tiếng hầu như bao trùm các show truyền hình. Giám khảo, thí sinh, huấn luyện viên… đều vận dụng tính chất này để mong thu hút người xem. Không ngạc nhiên, khi bất ngờ danh hài Hoài Linh được chọn làm giám khảo một cuộc thi âm nhạc, hay đạo diễn Lê Hoàng liên tục xuất hiện ở ghế nóng, mà có khi chuyên môn không hẳn là ca hát – nhảy múa… Và đến những ca sĩ đình đám trong làng giải trí như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Lam Trường, Cẩm Ly… cũng lần lượt trở thành sự thu hút chính cho các show giải trí kiểu như vậy. Tuy nhiên, hiện nay, gần như khán giả đã bội thực với câu chuyện người nổi tiếng làm giám khảo và nó không còn đủ sức tạo nên tiếng vang nào cho một chương trình.
Thay vào đó, yếu tố tình huống đã được khai thác một cách triệt để. Từ năm đầu tiên của Vietnam Idol 2007, tình huống tranh cãi giữa giám khảo – giám khảo, giám khảo – thí sinh, thí sinh – thí sinh đã tỏ ra khá hiệu quả. Đến nay, các chương trình vẫn không bỏ lỡ kịch bản theo mô típ tranh cãi như thế này. Rõ ràng, ở từng chương trình, biến thái của yếu tố tình huống thay đổi một cách rõ rệt. Ví như, Nhân tố bí ẩn,ở những tập đầu tiên, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương chính là một “át chủ bài” tạo nên tính đối kháng, đưa ra lập luận, quan điểm có khi trái ngược với nhiều giám khảo còn lại để tạo nên nhiều hơn kịch tính cho chương trình.
Vì yếu tố thực tế vẫn là xuyên suốt, nên làm sao tạo được sự logic hợp lý cho những tình huống kiểu như vậy sẽ là rất khó khăn. Đôi khi, khán giả cảm thấy mệt mỏi, vì sự tranh cãi của giám khảo đi quá đà trở thành cuộc bàn luận cá nhân hơn là vì thí sinh, hay cuộc thi. Thêm vào đó, câu chuyện của thí sinh cũng trở thành yếu tố “làm nóng” chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Khai thác sâu vào tính thương cảm, gia cảnh và xuất thân của thí sinh, nhiều chương trình đã gặt hái thành công không nhỏ. Như Cát Tường của Giọng hát Việt, Ngọc Thịnh của Thử thách cùng bước nhảy, em bé khiếm thị hát hay ở Giọng hát Việt nhí, chàng trai phụ hồ Lý Giám Tiền chiến thắng Project Runway…
Hầu như các chương trình thực tế hiện nay đều gắng sức tìm ra vài câu chuyện có vấn đề trong thí sinh của họ để thu hút người xem. Chính vì sự chuẩn bị quá chu đáo, khán giả không còn là người khám phá ra câu chuyện, mà chính chương trình lại giới thiệu câu chuyện ấy một cách lộ liễu. Vì vậy, cách làm nóng chương trình kiểu này cũng đang đi vào lối mòn, và có khi làm hỏng cả một kịch bản, tính thực tế cần thiết. Quay lại câu chuyện chất lượng nội tại của một chương trình hiện nay, phải chăng, chúng ta đang bỏ lỡ một trong những quy tắc làm nóng chương trình đó là tính công bằng, và tài năng của thí sinh? Đương nhiên, không thể tìm được sự đồng thuận tuyệt đối nhưng chính vì quá nhiều bất cập về kết quả của nhiều chương trình thực tế thời gian qua đã phần nào thúc đẩy “chiêu trò” trở thành kẻ thắng thế trong show thực tế.
Minh Nhật