Theo những dữ liệu do Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế (IATA) công bố, trong năm 2019 số lượng hành khách sử dụng máy bay sẽ tăng 6%, lên đến 4,59 tỉ người. Và cũng theo dự báo của IATA, đến năm 2037 con số này sẽ là 8,2 tỉ người, phần lớn do sự gia tăng nhu cầu di chuyển của hành khách các nước đông dân trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Trong khi đó, Tập đoàn Boeing – nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, cho rằng nếu số hành khách tiếp tục gia tăng đến mức trên thì số phi công cần bổ sung cho các chuyến bay thương mại sẽ là 635.000 người. Từ nhu cầu lớn lao về mặt nhân sự cho một ngành nghề không dễ đào tạo và có sự mất cân đối trầm trọng về giới tính, bởi chỉ có 5% tổng số phi công hiện nay là nữ, và vì thế câu chuyện đào tạo và tuyển dụng phi công nữ trở nên sôi sục trên các diễn đàn.
Hiện nay, nhiều công ty đang đầu tư vào đào tạo phi công nữ, trong đó đáng kể là Trung tâm huấn luyện L3 Commercial Training Solutions đang đào tạo phi công cho hơn 40 hãng hàng không trên thế giới, có cả những hãng lớn như British Airways, Qatar… Kinh phí huấn luyện phi công nữ vào khoảng 100.000 bảng Anh/người/năm, thời gian huấn luyện là 24 tháng.
Trong số những hãng hàng không đang có kế hoạch tuyển phi công nữ có EasyJet, một trong những hãng lớn nhất châu Âu. Với số phi công nữ hiện nay chiếm 5,4% trong tổng số 4.000 phi công, tương ứng 215 người, EasyJet dự định vào năm 2020, 20% số phi công mới của hãng sẽ là nữ. Hãng cũng có kế hoạch áp dụng một chế độ quản lý mềm dẻo hơn đối với các phi công nữ để họ có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái nhiều hơn phi công nam. Một hãng khác là Virgin Australia của Úc cũng đang tăng cường phi công nữ trong các đội bay với mục tiêu cân bằng 50:50 phi công của hai giới tính.
Tại Mỹ, với ba công ty lớn nhất tính theo số hành khách chuyên chở mỗi năm thì số phi công nữ của American Airlines chiếm 4,2%, của Delta là 3,6% và của Southwest là 3,6%. Những tỷ lệ này khá khiêm tốn so với số phi công nữ nhiều hãng hàng không khác, ví dụ ở Ấn Độ trong tám hãng hàng không lớn, có đến 10% phi công nữ, hãng Qantas Link ở Úc 11,6%, hãng Iceland Air 10,9%, hãng South African Express 12,1%.
Nhu cầu tăng cường phi công nữ trong ngành hàng không dân dụng là một xu thế mà hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều nhắm tới, song có những khía cạnh bất thuận lợi như vai trò người phụ nữ trong nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình, chuyện quấy rối tình dục còn trở thành một bất an lớn trong giới phi công nữ. Các nhà xã hội học đã nhắc đến phong trào #MeToo (chống quấy rối tình dục bằng cách tố cáo trên mạng xã hội) có thể được xem là thứ vũ khí khá hữu hiệu để phi công nữ có thể sử dụng để tự bảo vệ mình trước nạn quấy rối tình dục ngày một lan rộng.