Nâng cấp chất lượng sản phẩm giáo dục nội địa luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình cải tổ hệ thống giáo dục của các nhà lãnh đạo giáo dục và giới trí thức tại những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tại hầu hết các nước, Nhà nước đảm nhận vai trò chính trong việc đào tạo kiến thức cơ bản và phổ cập cho mọi công dân nhằm giúp họ có được trình độ học vấn tối thiểu để có cơ hội tối thiểu trong việc tìm kiếm công việc làm, có một cuộc sống đàng hoàng, lương thiện và khả năng vươn lên nếu có đủ ý chí và nghị lực. Đây là điều mà các nhà giáo dục gọi là nỗ lực của cộng đồng nhằm giảm thiểu bất bình đẳng giữa các cá nhân thuộc các nhóm thu nhập cao thấp khác nhau trong xã hội. Một hệ thống giáo dục phổ cập miễn phí và đôi khi mang tính chất cưỡng bách – xem việc đi học không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân – là sự thể hiện rõ nét nỗ lực này, trong đó hệ thống trường công lập trải rộng khắp nước là không thay thế được, chỉ có thể được bổ sung bằng mạng lưới tư thục tại các thành phố, dành cho những gia đình khá giả, có khả năng trả một học phí cao cho con em họ. Nền giáo dục phổ cập có hiệu quả kép: đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục và đảm bảo sự thụ hưởng đồng đều một nền giáo dục phổ cập chất lượng tốt cho mọi công dân và con em họ trong cộng đồng. Nhìn vào hệ thống giáo dục phổ thông, phổ cập của một nước, có thể đánh giá được tiềm năng nguồn nhân lực của nước đó.
Nhưng phải nhìn vào hệ thống đại học, mới biết được nguồn nhân lực nước đó có thể trở thành lực lượng ưu tú, là động lực phát triển đất nước trong lâu dài, có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu về tri thức, có đóng góp hữu ích vào nền tri thức, sự tiến bộ văn hóa và văn minh của nước đó và cho toàn nhân loại hay không? Một hệ thống đại học tốt trước hết phải là một hệ thống đại học mở. Cánh cửa đại học, vốn là cánh cửa tri thức, cần được mở rộng cho quyền được học suốt đời của mọi công dân: bất cứ ai muốn học đều được học, không phân biệt tuổi tác hay bất cứ sự phân biệt nào khác. Nguyên tắc học suốt đời là nguyên tắc duy nhất chứng minh sự tồn tại của đại học với tư cách là nơi truyền thụ tri thức và phương pháp tri thức mà không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức phục vụ lợi ích kinh tế của nhà đầu tư – những sinh viên. Người ta cần học để biết, không phải chỉ học để kiếm việc làm.
Sinh viên Đại học Hoa Sen giới thiệu lịch sử của trường cho khách tham quan
Bước đầu tiên tiến đến một hệ thống đại học mở chính là tự trị đại học. Nhiều nước trong khu vực đã thực hiện chế độ tự trị đại học, xem đó là một mô hình tối ưu nhằm đưa giáo dục đại học quốc gia tiến đến đẳng cấp quốc tế. Hãy để các trường đại học – công cũng như tư – tự gánh vác trách nhiệm trước khách hàng (sinh viên) và toàn thể cộng đồng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo của mình theo những chuẩn mực quy định của Nhà nước, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đồng thời cùng nhau cạnh tranh lành mạnh để mỗi ngày mỗi nâng cao chất lượng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học. Bước thứ hai để tiến đến một hệ thống đại học mở là mở cửa cho đầu tư tư nhân, thừa nhận dịch vụ giáo dục là một sản phẩm thị trường. Tiến trình đó rất cần thiết để hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia – bao gồm phần do Nhà nước đảm trách và phần đầu tư tư nhân – có thể cung ứng đầy đủ dịch vụ giáo dục, đào tạo cho công dân của họ, phục vụ yêu cầu học để làm việc của những nhà đầu tư trẻ tuổi và cả những doanh nghiệp có yêu cầu chính đáng về nguồn nhân lực được đào tạo tốt, đồng thời cũng góp sức giải quyết một yêu cầu quan trọng khác của cộng đồng, yêu cầu tri thức thuần túy. Trước đây, chúng ta cứ nghĩ rằng chỉ có Nhà nước mới có khả năng đáp ứng nhu cầu tri thức thuần túy – học để biết – còn tư doanh chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu học để làm. Lý do là vì các trường đại học tư doanh thường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và có xu hướng thực dụng hơn. Tuy nhiên, quan sát lịch sử phát triển giáo dục đại học tại nhiều nước công nghiệp phát triển, người ta nhận ra rằng các trường đại học tư tại đây, trong đó có những trường có thương hiệu và uy tín tầm cỡ thế giới vốn là những trường do tư nhân thành lập và quản trị điều hành, nhưng hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Đó là những quốc gia có truyền thống đại học tư nhân từ lâu đời và một chính sách quốc gia khuyến khích tư nhân thành lập đại học rất ưu việt. Nhờ vậy, các quỹ thiện nguyện của các tôn giáo, các quỹ thiện nguyện của các nhà doanh nghiệp hảo tâm giàu có dần dần xuất hiện để hỗ trợ cho việc thành lập và phát triển trường đại học. Trường Đại học Harvard nổi tiếng ở Mỹ, được sáng lập bởi một tư nhân, là một ví dụ điển hình cho mô hình đại học tư doanh phi lợi nhuận. Tuy nhiên, không phải là các trường đại học này hoạt động không mang lại hiệu quả, rất hiệu quả là đằng khác, nhưng hầu hết số lợi nhuận làm ra đều được sử dụng cho việc phát triển chất lượng giảng dạy, tài trợ các công trình nghiên cứu khoa học, phát hiện các nhân tài kiệt xuất… Chúng ta chưa có truyền thống đó.
Một giờ học của sinh viên Trường Y Hà Nội tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Khi thế giới tiến sâu vào một nền kinh tế tri thức, kiến thức trở thành nhu yếu phẩm đắt giá trên thị trường mà ai cũng cần. Có được kiến thức tốt sẽ đảm bảo cho mỗi người một tương lai có việc làm với thu nhập cao và một cuộc sống tốt hơn. Ngày nay, trong nền kinh tế thực dụng toàn cầu, khi nhu cầu được học tốt vượt quá khả năng đáp ứng của các hệ thống giáo dục Nhà nước, thì đầu tư tư nhân trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong đào tạo đại học và sau đại học, trở thành một ngành kinh doanh béo bở. Chỉ vài thập niên trước đây thôi, tại hầu hết các nước đang phát triển, Nhà nước thường gánh vác trọng trách xây dựng và điều hành hệ thống đào tạo đại học, không phải vì có chủ trương ngăn cấm tư nhân kinh doanh đại học như ta trước đây, mà là vì không có nhà đầu tư tư nhân nào có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện giảng dạy theo đúng tiêu chuẩn quốc gia chứ đừng nói là quốc tế. Mặt khác, các sinh viên, đa số xuất thân từ các gia đình có thu nhập thấp, không đủ khả năng chi trả một học phí đại học cao đủ để cho các nhà đầu tư tư nhân có thể thu lại nguồn vốn đầu tư rất lớn đã bỏ ra. Hiện nay thì hầu hết các nước này, kể cả Việt Nam vốn rất khó khăn trong việc cho phép tư nhân đầu tư vào ngành giáo dục đại học, đều đang cho phép tư doanh phát triển trong lĩnh vực này. Khi cánh cửa tư doanh đại học được mở ra sau một thời gian dài bị ngăn cấm, dưới con mắt của nhà đầu tư tư nhân, dịch vụ giáo dục và đào tạo hứa hẹn một thị trường khổng lồ, cả về doanh số và tỷ suất lợi nhuận. Thị trường đó lại có tiềm năng phát triển mạnh mẽ theo đà gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu trong nước. Giáo dục đại học trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận.
Nhưng khi quyền lợi về cổ tức chi phối hoàn toàn hoạt động kinh doanh của một trường đại học tư doanh, định hướng và mục tiêu đào tạo đại học trở nên mờ nhạt và giảm đi ý nghĩa nhân bản phục vụ tri thức con người vốn là nguyên tắc nền tảng biện minh cho sự ra đời của trường đại học đó. Gần đây, những tranh chấp quyền lực và quyền lợi giữa các cổ đông, trong Hội đồng Quản trị, thường xuyên dẫn đến những xáo trộn trong việc quản trị, điều hành, việc giảng huấn… của một số trường đại học tư làm ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên, làm suy giảm hình ảnh và uy tín của ngành đào tạo đại học, khiến cho nhiều nhà giáo dục nước ta thảng thốt đặt lại vấn đề: phải chăng mô hình giáo dục đại học tối ưu nên là một mô hình phi lợi nhuận?
Thật ra, nếu cho rằng mô hình phi lợi nhuận có nhiều ưu điểm hơn, thì suy cho cùng phi lợi nhuận hay vị lợi nhuận không phải là yếu tố chính quyết định sự thành công hay thất bại của một trường đại học trong vai trò cung ứng sản phẩm giáo dục chất lượng cao cho sinh viên và nâng tầm tri thức cho cộng đồng. Yếu tố quyết định vẫn là con người – những nhà đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh giáo dục – ở cái Tâm và cái Tầm của họ, ở cách hành xử công bằng trong các mối quan hệ, sự tôn trọng các cam kết, thái độ chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Không nên đổ lỗi cho cơ chế thị trường, vì cơ chế thị trường chắc chắn làm cho sản phẩm giáo dục có chất lượng tốt hơn. Nhưng nếu kết quả là ngược lại, hãy xem lại chính chúng ta, những con người với tầm nhìn ngắn hạn và lòng tham sâu thẳm của chúng.
Huỳnh Bửu Sơn