Kiến vàng là loài vật dễ tìm thấy ở những nơi nhiều cây cối. Do là loài có ích đối với nhà nông nên kiến vàng được hưởng sự ưu ái nhất định chẳng hạn chẳng mấy ai muốn phá tổ kiến. Đến mùa cây trái sắp thu hoạch, người dân cũng biết tận thu nguồn dinh dưỡng quý giá từ loài kiến vàng.
Hương rừng trong muối kiến
Trước hết, xin nói về muối kiến. Muối kiến được xem là loại gia vị độc đáo bậc nhất của các dân tộc Tây Nguyên.
Món này được làm từ những nguyên liệu có sẵn quanh nhà, ven rừng: vài ba ổ kiến (bắt từ những bọng lá cây), dăm quả ớt kèm với muối hạt, lá é (loại lá tạo hương thơm đặc trưng cho các món ăn của rừng) cùng vài loại hạt gia vị khác, có gì dùng nấy.
Bắt kiến vàng phải có kỹ thuật để bắt trọn ổ mà không bị đốt, sau đó mang về cho vào chảo nóng, rang cả kiến lẫn phần trứng thật nhanh để giữ được độ bùi rất riêng.
Kế đến, trút tất cả kèm các loại gia vị vào cối, giã đến khi mọi thứ hòa quyện vào nhau. Khi được nếm thử, những người dẫu có e ngại đến mấy cũng cảm nhận được sự hấp dẫn của món ăn này.
Muối kiến ấn tượng bởi có vị chua thanh nhẹ hòa cùng chất mặn mòi của muối hột giã nhuyễn, thêm chút hăng của lá é, không cần thêm chanh hay tắc mà vẫn hấp dẫn lạ thường.
Bình dân nhất là chấm muối kiến với cóc, ổi, me, xoài…, tương tự như muối tôm. Nhưng đặc sắc nhất vẫn phải kể đến các món cá thịt nướng của đồng bào Tây Nguyên.
- Xem thêm: Mùa ăn trứng kiến
Cách nấu nướng và trữ thực phẩm của người dân vùng cao thường không mấy phức tạp, chẳng hạn thịt bò muốn trữ ăn dần thì chỉ cần xát chút muối lên bề mặt, sau đó cà miếng thịt được xâu treo trên giàn bếp.
Miếng thịt qua ngày dần ám hơi nóng và khói bếp sẽ khô se mặt lại. Cũng có cách khác là tẩm thịt với muối rồi phơi nắng độ một ngày.
Tuy miếng thịt nhìn bên ngoài không mấy bắt mắt, nhưng khi xé ra thì từng sớ thịt đỏ hồng, săn chắc, ngon nhất là nướng trên lửa để cho ra lò món “bò một nắng”, ngoài dai trong mềm, vẫn còn nguyên chất ngọt và rất thơm dù không tẩm ướp gì thêm.
Món ăn này chấm với muối kiến chính là một đặc sản của ẩm thực Tây Nguyên, nay đã xuất hiện tại nhiều nhà hàng ở Pleiku, Buôn Ma Thuột.
Vị chua độc đáo từ trứng kiến
Theo kinh nghiệm của người Tây Nguyên, kiến vàng thường được chọn bắt vào mùa khô – thời điểm con kiến “béo cong đít”, có vậy món muối kiến mới ngon.
Tương tự, ở nhiều địa phương khác, bà con không ăn kiến nhưng lấy trứng kiến làm thức ăn cũng thường vào khoảng tháng Giêng đến tháng Ba Âm lịch. Trứng kiến vàng mùa này màu trắng sữa béo núc, căng bóng, rất giàu dinh dưỡng.
Để không phá cả tổ kiến khi không cần thiết, người dân thường căn cứ vào màu sắc lá cây nơi đóng tổ để phân biệt.
Nếu lá còn nguyên màu xanh đậm nghĩa là tổ trứng kiến ngon, còn khi lá đã ngả màu thì thường trứng đã nở thành ấu trùng.
Trứng kiến thu về thường được chế biến ngay, ăn bữa nào xào bữa nấy, nếu để qua ngày là trứng đã giảm độ béo hoặc phát triển sang giai đoạn ấu trùng.
Sau khi lược qua nước cho sạch, món này thường được xem như gia vị, tạo thêm độ béo bùi, vị chua đặc trưng mà khó loại chanh, giấm nào có thể thay thế được.
Phổ biến nhất là món canh trứng kiến, nấu với nguyên liệu nào cũng được, từ lươn, cá đến thịt (thậm chí cả mắm!) cùng với những loại rau quanh vườn nhà.
Người nội trợ chỉ cần chế biến như cách làm một nồi canh chua bình thường, đến khi nước sôi thì cho thêm trứng kiến vào là có ngay món ăn đặc sắc.
- Xem thêm: Trứng cá sa mạc
Trứng kiến còn được xào sơ trong chảo mỡ khử hành tỏi thơm phức, nêm nếm gia vị rồi dùng như nước giấm để bóp gỏi.
Có khi trứng sau khi phi vàng trong chảo mỡ thì được cho vào chõ xôi vừa nấu chín, xới thật đều cho trứng lẫn với những hạt xôi nếp dẻo nên chỉ có thể phân biệt khi đã cắn vào, cảm nhận trứng vỡ lụp bụp trong miệng, kèm theo vị béo bùi, chua hăng, làm nên một hương vị khó quên, hoang sơ, dân dã mà ngon miệng.
Nhiều vị khách nước ngoài khi sang Việt Nam đã rất ngỡ ngàng khi thấy dân ta “cái gì cũng biến tấu thành món ăn được”!
Có lẽ, đó cũng là điều thú vị bởi chỉ khi sống gần gũi với thiên nhiên, con người mới khám phá ra được những loại hương vị bí mật ẩn phía sau những loại động thực vật quen thuộc hàng ngày. Món ăn từ trứng kiến vàng là một ví dụ như thế.