Curraghinalt và câu chuyện khai thác vàng
Với những đường vân vàng hơn 460 triệu tuổi nằm rải rác khắp nơi dưới lớp đá nằm ngay dưới chân, triển vọng của mỏ vàng ở Curraghinalt, một hẻm núi xa xôi trên dãy núi Sperrin đã là chủ đề bàn tán trong hàng thập niên – nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực. Một ứng dụng gần đây do công ty khai mỏ để khai thác các vỉa kim loại quý đã khiến triển vọng này trở nên gần gũi hơn. Nếu thành công, công ty cho biết có thể tạo thêm việc làm và tiền bạc cho vùng này. Nhưng nhiều người vẫn muốn giữ nguyên hiện trạng nơi đây.
Fidelma O’Kane, nữ nhân viên xã hội và giảng viên đại học nghỉ hưu quan ngại đến tác động môi trường do khai thác vàng, nói: “Tôi dành tất cả thời gian vào chiến dịch này. Tôi chỉ cảm thấy đây là tương lai của chúng tôi. Lo lắng chính của tôi là nguồn nước sẽ bị đầu độc, không khí sẽ bị đầu độc, đất sẽ ô nhiễm – và cuối cùng là sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng”. O’Kane cho biết sẽ không bao giờ chấp nhận khu mỏ, bất cứ là loại mỏ gì, trong vùng này.
Công ty Dalradian Gold đang hy vọng sẽ khai thác được kim loại quý từ nơi đây và cho biết họ sẽ xây dựng một lớp bảo vệ môi trường, và hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế cho dân địa phương. Tuy nhiên, đề án của khu mỏ này vẫn nhận được hàng chục ngàn bình luận, hầu hết là tiêu cực. Một cuộc điều tra công khai giờ đây được tiến hành để quyết định xem tương lai sẽ ra sao. Dự đoán trước tiềm năng lợi ích của Bắc Ireland, nơi cơ hội đầu tư và việc làm đã đình trệ trong 30 năm xung đột vũ trang – giai đoạn vốn thường được biết đến với tên gọi “the Troubles” – các chuyên gia cho biết Curraghinalt có thể trở thành mỏ vàng lớn nhất Liên hiệp Vương quốc Anh, nếu nó được tiến hành khai thác.
Câu hỏi giờ đây treo lơ lửng trên số phận dãy núi Sperrin là, cái gì giá trị hơn: giữ vàng trong lòng đất, hay khai thác chúng lên? Câu hỏi này rất khó trả lời vào thời điểm cực đoan như hiện tại. Giá vàng tăng phi mã trong thời gian đại dịch Covid-19, thúc đẩy nhu cầu mới với những dự án đào vàng và thậm chí làn sóng khai thác vàng lậu ở nhiều nơi trong rừng Amazon. Nhưng khai thác vàng từ mỏ trong lòng đất giờ đây rõ ràng là khó hơn bao giờ hết.
Thách thức về công nghệ thì rõ rồi, nhưng những cuộc biểu tình và chính trị địa phương còn khó lường hơn. Và đến khi nào thì vàng mới không còn đáng giá khiến người ta phải khai thác? Năm 2019, sản lượng vàng toàn thế giới giảm 1%, đợt giảm đầu tiên trong một thập niên – theo Hội đồng Vàng Thế Giới, tổ chức vốn cổ súy cho ngành công nghiệp khai thác vàng. Một số nhà phân tích tranh luận rằng chúng ta đã tiến tới “đỉnh vàng” – nghĩa là đã vượt qua tỷ lệ vàng tối đa khai thác, cho nên sản lượng vàng sẽ tiếp tục giảm, và cuối cùng, khai thác vàng sẽ sụt giảm toàn diện.
Tuy nhiên, nhu cầu với vàng vẫn không hề có dấu hiệu sụt giảm. “Giống kiểu một cơn bão hoàn hảo. Hay, nói rõ hơn là, quy tắc cơ bản của vàng có thể chưa bao giờ mạnh như bây giờ”, Matt Miller, phó chủ tịch nghiên cứu về sở hữu tài sản tại công ty nghiên cứu và phân tích đầu tư CFRA Research, đánh giá. Theo CFRA, khoảng một nửa số vàng trên thế giới, ngoại trừ lượng vàng vẫn đang bị chôn vùi dưới lòng đất, được sử dụng trong ngành nữ trang.
Trong số một nửa vàng còn lại, 1/4 do các ngân hàng trung ương lưu trữ và 1/4 còn lại do các nhà đầu tư tư nhân sở hữu hoặc sử dụng trong ngành. Miller là một trong số những người tin rằng chúng ta đã chạm tới đỉnh vàng. Giá của một ounce kim loại lấp lánh này đã vượt trần 2.000 USD vào mùa hè, và hiện vẫn đang thoải mái đạt mức 1.900 USD. Hai mươi năm trước, một ounce vàng tương đương chỉ có giá bằng dưới 1/4 giá hiện thời.
Đợt sóng tăng giá vàng theo sau cơn khủng hoảng Covid-19 liên quan đến tình trạng tiền tệ suy yếu, trong đó có USD. Các chính phủ đang vay lượng tiền khổng lồ để chi trả cho các chương trình phản ứng chống đại dịch và in tiền để lấp khoảng trống này, các nhà phân tích cho biết, điều đó có nghĩa là tiền tệ đang mất giá nhiều hơn. Mặt khác, vàng được coi là loại tài sản bền vững, chúng có số lượng xác định, nghĩa là nhà đầu tư cho rằng nó đáng tin cậy hơn.
Nhưng đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động khai thác mỏ vàng và nguồn cung không có vẻ gì là sẽ tăng trở lại để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong thời gian sớm hơn. Cũng tương tự, ngành công nghiệp khai thác vàng thực ra đang ngồi trên “cuộc khủng hoảng cỡ lớn”, Miller cho biết. Miller bình luận: “Quan điểm của tôi là nhu cầu về vàng sẽ tiếp tục gia tăng. Ngày càng nhiều vàng sẽ đến từ vàng tái chế, đơn giản nghĩa là vàng trở thành phương tiện giao dịch trao tay”.
Miller dự đoán hoạt động tái chế nữ trang cũ, tiền xu hay thậm chí những lượng vàng cực kỳ nhỏ trong bảng mạch điện thiết bị điện tử, sẽ ngày càng trở thành nguồn cung cấp vàng đáng kể trong tương lai. Dữ liệu của CFRA cho biết khoảng 30% nguồn cung vàng trên thế giới trong 20 năm qua thực chất là từ vàng tái chế, không phải vàng khai thác mới. Quá trình tinh chế “vụn” vàng tái chế, nữ trang cũ, tiền xu và vàng thỏi – không sử dụng đến hóa chất độc hại và năng lượng trong quá trình chế biến, nhưng một số tác động môi trường có thể thấp hơn rất nhiều so với khai mỏ.
Một nghiên cứu gần đây về quá trình tinh luyện vàng ở Đức cho thấy, tính trên kilogram, sản lượng của vàng 99,99% tinh khiết thông qua tái chế có hàm lượng thâm dụng carbon thấp hơn 300 lần so với khai thác vàng từ mỏ dưới lòng đất hoặc mỏ lộ thiên. Điều này nghĩa là thu thập 1kg vàng tái chế sẽ sản sinh ra 53kg lượng chất thải CO2 – nhưng việc đào ra được một kg vàng sẽ thải ra đến 16 tấn CO2. Vụn vàng tái chế từ thiết bị điện tử nằm ở khoảng giữa nhưng vẫn tốt hơn là khai mỏ – để tái chế được 1kg vàng thải ra lượng CO2 tương đương một tấn. Tương tự như những ngành công nghiệp quy mô lớn khác, khai thác vàng có thể gây ra tác động với môi trường bản địa.
Tranh cãi về mỏ vàng
Sự chống đối của người dân với mỏ vàng ở nhiều nơi trên thế giới đã trở thành rào cản cho ngành sản xuất vàng, Miller lý giải. Sự phản kháng không chỉ có ở Tyrone. Ví dụ như mỏ vàng Pascua-Lama ở Chile, sau nhiều năm các nhà hoạt động biểu tình phản đối với lý do bảo vệ môi trường, dự án đã bị chính quyền cho tạm dừng. Nhưng ở những nơi mỏ vàng đã xây dựng, hoạt động khai thác có thể trở thành quy mô lớn.
Mỏ vàng lớn nhất thế giới sản xuất nhiều tấn vàng mỗi năm, và lớn nhất trong số đó là Mỏ Vàng Nevada ở Mỹ, cho ra hơn 100 tấn mỗi năm. Thậm chí những mỏ vàng nhỏ hơn cũng có thể giúp nhiều người sống trong cộng đồng quanh đó có sinh kế ăn theo xung quanh mỏ. Ví dụ như thành phố Val d’Or (Thung lũng Vàng) ở Québec (Canada). Một thị trấn đã hình thành từ khi người ta tìm ra vàng vào năm 1923. Các loại kim loại khác như đồng và chì cũng đang được khai thác trong cùng khu vực này và tạo ra làn sóng việc làm về khai mỏ đã thu hút nhiều người đến Val d’Or trong vài năm qua.
Đội bóng khúc côn cầu trên băng Feoreurs của thị trấn thậm chí có nhân vật biểu tượng đội mũ bảo hộ với dùng chữ “Dynamit” – gợi nhắc đến thuốc nổ [dynamite] sử dụng để phá đá trong nghề khai mỏ. Với Curraghinalt, máu đã đổ để vàng được giữ lại trong lòng đất nhiều năm. Trong giai đoạn “Troubles”, nhiều nhóm chính trị gia và đảng phái ở Bắc Ireland trở nên bạo lực, tiến hành các vụ bắn giết và đánh bom.
Vì vậy khi một công ty để mắt đến tiềm năng khai mỏ tại Curraghinalt vào thập niên 1980, công ty này gặp khó khăn khi xin giấy phép chất nổ, vì rủi ro an ninh có thể xảy ra khi trữ chất nổ tại hiện trường khai mỏ. Nhưng một thập niên sau đó, Curraghinalt dường như có tương lai tươi sáng hơn, Andrian Boyce nhớ lại. Boyce là giáo sư ngành địa chất ứng dụng tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của Scotland.
Vào khoảng thời gian ký Hiệp Ước Thứ Sáu Tốt Lành (là thỏa ước chính trị ký vào tháng 4/1998 giúp chấm dứt giai đoạn xung đột vũ trang Troubles), Boyce và đồng nghiệp có tham gia vào một sáng kiến nghiên cứu địa chất ở vùng Curraghinalt và nghiên cứu tiềm năng thương mại của nơi này. Boyce nhớ lại: “Đó thực sự là hy vọng mới mẻ cho người dân ở Bắc Ireland và đó là tác động tôi thấy từ đó. Bạn biết đấy, đó là thời điểm không có nhiều người đầu tư vào Bắc Ireland”. Boyce đề cập đến vụ đánh bom Omagh, mà một nhóm tự xưng là Real IRA làm phát nổ một quả bom trong ô tô vào một chiều thứ bảy trong tháng 8.1998, giết chết 29 người, trong đó có một phụ nữ có thai và hai đứa con song sinh của cô.
Omangh nằm cách Curraghinalt 20 phút lái xe. Trong tâm trí một số người, cơ hội kinh tế mà mỏ vàng mới hứa hẹn đem lại cho Bắc Ireland sẽ giúp vùng này có cơ hội thoát khỏi quá khứ kinh hoàng – và đem lại hy vọng về kinh tế cho vùng đất này trong tương lai. Quay trở lại thập niên 1990, đó là khi giá vàng cản trở sự thịnh vượng của ngành khai mỏ, Boyce cho biết. Nhưng giờ đây không có rào cản.
Và Boyce cho biết, quy mô của mỏ – Dalradian ước tính nơi này có thể sản xuất ra 130.000 ounce vàng (tương đương 4 tấn) mỗi năm trong 20 năm hoặc hơn – khiến mỏ vàng này là độc nhất ở Anh. Boyce cho biết: “Với vàng, mỏ Curraghinalt là mỏ lớn hơn rất nhất so với mỏ vàng lớn nhất mà người ta từng tìm thấy ở Anh. Nó khiến mọi mỏ vàng khác đều nhỏ xíu”.
Nhưng câu chuyện về mỏ vàng Curraghinalt cho thấy những thách thức mà ngành công nghiệp khai thác vàng phải đối mặt trong năm 2020, đặc biệt khi khai thác ở những cộng đồng đã tồn tại trong khu vực có thắng cảnh thiên nhiên. Mỏ vàng tọa lạc ở khu vực khá xa xôi ở Bắc Ireland, bao quanh đó là nông trang và thiên nhiên hoang dã. Chẳng hạn như mỏ vàng Omagh có dân số thấp hơn 20.000 người. Từ năm 2009, Tập đoàn Dalradian đã khai thác mẫu vàng từ lòng đất trong khu mỏ ở Curraghinalt trong khi vẫn xúc tiến các kế hoạch khai mỏ với dân địa phương.
Kế hoạch bao gồm xây một mỏ vàng ngầm, thay vì dự án khai mỏ lộ thiên, và khai thác quặng vàng có thể chế biến một phần ở Tyrone, một phần ở nước ngoài. Sau khi bị phản đối dữ dội, vào năm 2019, tập đoàn Dalradian hủy bỏ kế hoạch sử dụng cyanide tại mỏ này. Ở một số mỏ khai thác vàng, dung môi chứa chất cyanide được sử dụng để làm vàng tan ra từ quặng lấy từ lòng đất để chiết tách và thu thập kim loại này.
Dalradian cũng cho biết họ đã giảm lượng nước sử dụng xuống khoảng 30% và giảm khí thải xuống 25%, là một phần trong nỗ lực trở thành mỏ vàng đầu tiên ở Châu Âu trung hòa về carbon. Nhưng các nhà hoạt động vẫn tiếp tục thể hiện mối quan ngại hóa chất có thể bị thoát ra sông gần đó và hủy hoại đời sống sinh vật bản địa. Ô nhiễm từ mỏ vàng cũng có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, họ cho biết. Và họ lo ngại một đống “chất thải” – là nguyên liệu thải ra từ mỏ trong quá trình khai thác và bỏ lại trên mặt đất – sẽ làm cảnh quan vùng này bị ảnh hưởng.
Công ty cho biết họ có lắng nghe cộng đồng, tổ chức các chuyến đi thăm và thay đổi quy trình khai thác khi người ta nêu quan ngại. Người phát ngôn của Dalradian tuyên bố: “Đây là dự án an toàn và có trách nhiệm về môi trường nhân rộng thành công từ những mỏ vàng hiện đại khác ở Châu Âu. Mọi người có thể yên tâm là dự án được thanh sát kỹ lưỡng bởi quá trình lên kế hoạch độc lập và đầy đủ vốn được thiết kế để đạt tiêu chuẩn chính xác. Chúng tôi đã tổ chức khoảng 100 cuộc gặp với các nhà làm luật và Cơ quan Y tế Cộng đồng địa phương (PHA, được thành lập vào tháng 4-2009 như một phần của cải cách đối với Chăm sóc sức khỏe và xã hội Bắc Ireland) không hề có phản đối gì về phần sức khỏe cộng đồng trong dự án”.
Về phần chất thải: “Đống chất thải khô sẽ có độ cao trung bình 17 mét, sẽ được phủ xanh lại trong quá trình hoạt động, và chúng sẽ được đặt tại một hố sâu tự nhiên và chìm trong khung cảnh trong vùng”. Trong đơn xin phép xả thải vật liệu gần đây, trong đó có cả kim loại nặng, thải vào dòng suối gần đó, tập đoàn Dalradian cũng đề cập đến những chất ăn mòn như axit sulphuric và sodium hydroxide.
Ở điểm này, người phát ngôn từ công ty nói, “Dù họ không dự định sẽ sử dụng các loại chất này thường kỳ, vì chúng sẽ được trữ tại hiện trường, nhưng chúng phải được nêu tên trong danh sách cho phép xả thải”. Người phát ngôn cũng cho biết thêm nhà máy xử lý chất thải cũng sẽ được sử dụng trong việc quản lý nguồn nước, và cho biết khu mỏ đem lại “cơ hội khổng lồ” khi nền kinh tế Bắc Ireland đối mặt với bất ổn từ việc Anh rời khỏi EU (Brexit).
Trong khi những nhà hoạt động như O’Kane cho biết họ sẽ không chấp nhận khu mỏ dưới bất kỳ tình huống nào, dĩ nhiên vẫn có một số người chấp nhận. Khó mà biết được chính xác bao nhiêu người ở Tyrone ủng hộ hay chống lại dự án. Trang web dự án của Bộ Cơ sở Hạ tầng Bắc Ireland có hơn 41.000 bình luận về dự án của Dalradian, 90% trong số đó chống lại khu mỏ. Khi được hỏi tại sao có rất nhiều phản hồi có vẻ như là lặp lại lẫn nhau, cơ quan này cho biết họ tin rằng con số là “tổng hợp chính xác” của những thông tin đại diện mà họ nhận được.
Người phát ngôn của công ty cho biết phản hồi trùng lắp xảy ra có thể vì một số lý do, “Chúng có thể liên quan đến những người làm đại diện một lần hay nhiều lần vì có nhiều bản bổ sung khác nhau với dự án”. Cuộc điều tra công khai giờ đây đã che mờ kế hoạch, mọi quyết định sẽ tùy thuộc vào chính quyền điều tra và đại diện cho quyền lợi của người dân địa phương trước khi quyết định dự án có được phép tiếp tục hay không. “Hãy để chính trị gia làm việc mà họ được trả lương,” Boyce nói.
Trong vài năm vừa qua, dọc vùng Biển Ireland ở Scotland, sự phản đối của người dân địa phương với các khu mỏ khác cũng tăng cao, như tại Cononish, ở Công viên Quốc gia Loch Lomond. Boyce lưu ý rằng những quan ngại về môi trường ở đó cũng được lên tiếng, nhưng cuối cùng thì dự án được ủng hộ và giấy phép dự án được thông qua. Người ta đã chứng minh mỏ vàng tại Curraghinalt có dồi dào trữ lượng, điều này tất nhiên sẽ thu hút nhà đầu tư – Chris Mancini, nhà nghiên cứu phân tích từ Quỹ Vàng Gabelli, đầu tư vào vàng, cho biết. Và Mancini tranh luận rằng khu mỏ này sẽ an toàn về mặt môi trường.
Nhưng một số người không cho là như vậy. Fidelma O’Kane và những nhà vận động cùng bà cho biết khu mỏ đã trở thành lời nguyền ở nơi này – đe dọa đến mọi mặt của vùng đất nơi họ sinh sống. O’Kane bình luận: “Khu vực này tuyệt đẹp, nó được chỉ định là Vùng có Vẻ đẹp Tự nhiên Ấn tượng (AONB). Chúng tôi không muốn nó bị công nghiệp hóa với ngành công nghiệp nặng. Hình ảnh xanh, sạch của quê hương chúng tôi sẽ biến mất mãi mãi”. AONB là khu vực có vẻ đẹp tự nhiên nổi bật là một khu vực nông thôn ở Anh, xứ Wales hoặc Bắc Ireland đã được chỉ định để bảo tồn do giá trị cảnh quan quan trọng của nó.
Dù điều gì có xảy ra ra ở Curraghinalt, thì chắc chắn là nỗ lực của công ty Dalradian đã khơi mào rất nhiều tranh luận ở địa phương về điều gì khiến mọi người sẵn sàng chấp nhận. Đó là dạng tranh luận có thể trở thành phổ biến nếu giá vàng tiếp tục cao và các công ty vẫn tìm đến những mỏ vàng nhỏ nhưng béo bở ở những vùng đất ít có hoặc chưa bao giờ có truyền thống khai thác vàng. Và một lần nữa, nếu ta thực sự đã đạt tới đỉnh vàng, thì cuộc chạy đua đào vàng có thể không kéo dài lâu được.
Ấn Độ trở thành điểm nóng về vàng châu Phi nhập lậu
Biên giới rộng, thuế nhập khẩu vàng và nhu cầu cao đối với đồ trang sức bằng vàng khiến đất nước này trở thành thị trường ưa thích của vàng bất hợp pháp. Trời mưa quá nhiều khiến cho những con đường ở Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh miền bắc Ấn Độ, trở nên trơn trượt. Brijesh Dubey, phó giám đốc Cục Tình báo Doanh thu (DRI), cơ quan tình báo hàng đầu của Ấn Độ chuyên xử lý việc trốn thuế và buôn lậu, chỉ đạo bắt giữ một kẻ buôn lậu vàng.
DRI theo dõi người đàn ông này trong một thời gian dài. Nghi phạm được cho là thực hiện một số khoản đầu tư bảo mật và cũng tham gia vào các giao dịch qua hệ thống chuyển tiền hawala (không hề có chứng từ, hoạt động chỉ dựa trên cơ sở “tin cậy lẫn nhau”). Hôm đó hắn ta định bỏ trốn cùng với số vàng lậu của mình. Dubey nói: “Mưa lớn khiến chúng tôi khó xác định được chiếc xe. Khi đánh dấu phương tiện và cố gắng chặn hắn ta, một đám đông tụ tập xung quanh chúng tôi. Họ dùng lốp xe và đá tảng để chặn đường chúng tôi. Vì tầm nhìn bị giảm nên họ không thể làm được gì nhiều”.
Đội của Dubey đã thành công trong việc tóm gọn cả 5 người trên xe, cũng như số hàng lậu. Vàng từ cả các nước láng giềng và châu Phi đã đổ vào Ấn Độ trong nhiều năm qua các kênh bất hợp pháp. Năm 2020, Ấn Độ thu giữ vàng nhập lậu trị giá 49,5 triệu rupee Ấn Độ (khoảng 6,7 triệu USD) . Theo một phân tích của IMPACT, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Canada, hơn một phần tư ngành vàng của Ấn Độ là vàng lậu từ các nguồn đáng ngờ. Zimbabwe, một trong những quốc gia xuất xứ, đang mất đi lượng vàng trị giá ước tính 100 triệu USD mỗi tháng do hoạt động tiếp thị phụ và các dòng chảy bất chính.
Wonder Kapofu, Tổng giám đốc đơn vị tình báo tài chính Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe (RBZ), cho biết: “Cứ mỗi gram vàng mà chúng tôi ngại mua, sẽ có người từ Ấn Độ hoặc Dubai sẵn sàng mua nó”. Khai thác vàng đã diễn ra ở Zimbabwe từ thế kỷ thứ 7. Năm 2019, các thợ mỏ thủ công hoạt động với quy mô nhỏ – phần lớn hoạt động bất hợp pháp và trong điều kiện không an toàn – sản xuất 17.478 tấn vàng so với 10.181 tấn được tạo ra ở các mỏ lớn.
Thay vì đến các tổ chức nhà nước, số vàng này sẽ được trả bằng Dollar Zimbabwe (ZWL, đơn vị tiền tệ chính thức của Zimbabwe từ năm 1980 đến 12-4-2009, do Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe phát hành, trong thời kỳ lạm phát đến siêu lạm phát) và có thể phải đối mặt với hành động hình sự vì khai thác bất hợp pháp, những người khai thác quy mô nhỏ thích bán nó cho các đại lý trả họ bằng USD. Sau đó, các đại lý này đưa vàng đến các khu vực khác nhau của châu Phi và thế giới – Ấn Độ là một trong những điểm đến như vậy. Do đó, lợi nhuận cũng do các quốc gia khác thu được thay vì quốc gia sản xuất vàng này.
Trung tâm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên (CNRG) của tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Zimbabwe đã điều tra việc khai thác vàng trái phép ở nước này. Tapuwa O’Bren Nhachi, điều phối viên nghiên cứu tại CNRG, nhớ lại một người trung gian tiết lộ về một người mua vàng với giá cao hơn Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe. “Người này tiếp tục buôn lậu vàng qua Mozambique đến Malawi. Từ Malawi, vàng được bay đến Nam Phi, nơi nó được bán cho các nước như UAE và Ấn Độ”, Nhachi cho biết.
Ở Ấn Độ, các sĩ quan như Dubey thực hiện các hoạt động mạo hiểm để truy bắt những kẻ buôn lậu. Dubey cho biết: “Số vàng bất hợp pháp như vậy được giao dịch qua hệ thống hawala giúp tài trợ khủng bố, buôn lậu vũ khí và các tội phạm có tổ chức khác”. “Vàng, cả vàng và vàng thỏi tinh chế, được nhập khẩu vào Ấn Độ có thể dẫn đến xung đột, vi phạm nhân quyền, buôn lậu, sử dụng lao động trẻ em, tham nhũng và các hành vi lạm dụng khác ở châu Phi và Nam Mỹ”, theo báo cáo IMPACT.
Nhiều lý do khiến Ấn Độ trở thành điểm đến ưa thích của vàng nhập lậu. Dubey cho biết biên giới lỏng lẻo khó kiểm soát của Ấn Độ khiến nước này dễ bị buôn lậu hàng hóa. Báo cáo IMPACT chỉ ra “sự thiếu trách nhiệm giải trình thích hợp của cả các nhà lọc dầu trong nước và các nhà nhập khẩu được chỉ định”.
Anantha Padmanabhan, cựu Chủ tịch Hội đồng Nội địa Đá quý & Trang sức Toàn Ấn Độ, cho biết thuế nhập khẩu cao là yếu tố chính khiến lượng vàng nhập lậu tràn vào nước này. Mua vàng nhập lậu có lợi hơn vì người mua không phải nộp thuế nhập khẩu. Padmanabhan nói: “Nếu bạn giảm thuế nhập khẩu, sẽ không có lợi nhuận nào cho những kẻ buôn lậu, vì vậy mọi thứ sẽ dừng lại”. Một lý do quan trọng khác là nhu cầu vàng trang sức cao của người mua trong nước.
Theo truyền thống, vàng là một phần của văn hóa Ấn Độ. Mọi người cũng coi đây là một tài sản đáng tin cậy để đầu tư. Ngay cả sau khi nhu cầu giảm, mức tiêu thụ vàng của Ấn Độ trong năm 2019 là 690,4 tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc 1002,8 tấn. Cùng nhau, hai quốc gia thực hiện hơn một nửa lượng vàng mua của thế giới. Rajesh Khosla, chủ tịch danh dự của MMTC-PAMP (tổ chức hàng đầu về ngành công nghiệp kim loại quý tại Ấn Độ), nói: “Tôi gọi Ấn Độ là mỏ trên mặt đất lớn nhất trên thế giới. Nên tập trung vào việc tăng cường khai thác vàng ở Ấn Độ. Cần phải có một giải pháp lâu dài”.
Ngoài ra còn có câu hỏi về việc tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm. Những người mua trong ngành không phải lúc nào cũng hỏi những người tổng hợp chi tiết như nguồn vàng và mỏ xuất xứ. Chính phủ Ấn Độ yêu cầu các thành viên trong ngành phải minh bạch hơn và từ chối kinh doanh với những người tiếp cận họ với các sản phẩm bất hợp pháp. Trở lại văn phòng DRI, nhiệm vụ của Dubey không kết thúc bằng việc bắt giữ và thu giữ. Có một câu hỏi về việc xác định những kẻ chủ mưu đàng sau. Và những người bị bắt hầu như không bị kết án.