Tuổi già đến đồng nghĩa với sự hiện diện của những nếp nhăn, tóc bạc, tóc rụng và sự yếu đi về mặt sức khỏe. Việc mọi người gọi bạn là chú, bác hay cô, bà không chỉ phản ảnh việc khuôn mặt hay cơ thể của bạn đang già đi, mà còn ảnh hưởng từ “cách mà chúng ta đang thật sự già đi”. Theo một vài nghiên cứu, những người lớn tuổi trải nghiệm những thay đổi trong nhận thức và thể chất làm họ trông có vẻ phụ thuộc vào người khác. Họ bắt đầu cư xử như “kẻ yếu”, mất đi sự độc lập và kỹ năng nhận thức cũng bị giảm sút.
Tiến sĩ Craig Fowler làm việc tại Đại học Massey (New Zealand) cùng các đồng sự cho rằng để có một “tuổi già thành công”, để có thể hoạt động hết khả năng, hết công suất trong những năm về già, bạn cần vạch ra môi trường sống cho lúc tuổi già của mình.
Công trình nghiên cứu Communication Ecology Model of Successful Aging (tạm dịch: Mô hình sinh thái truyền thông giúp tuổi già thành công) của Craig Fowler và đồng sự giúp chúng ta hiểu được cách chống lại các định kiến khiến ta già nhanh và không nhận ra ý nghĩa trọn vẹn nhất trong suốt cả cuộc đời. Theo các tác giả, thích ứng với quá trình già đi là sự “thích ứng chủ động” mà chúng ta có thể tạo nên môi trường để “già đi một cách thành công”. Từ đó, họ vạch ra bảy điểm quan trọng của chiến lược truyền thông, giúp tạo ra môi trường sống tích cực cho tuổi già.
1. Thể hiện sự lạc quan về tuổi già: Đã có những minh chứng rõ rằng thái độ lạc quan về tuổi già sẽ giúp chúng ta sống lâu hơn. Hãy vui vẻ, hài hước như chính bản tính của bạn có từ thời trẻ tuổi.
2. Tránh xu hướng tự cho mình là người già hoặc đối thừa cách cư xử của mình là do tuổi già: Người ta hay đổ lỗi cho tuổi tác khi phạm những lỗi lầm hay quên đi điều cần nhớ. Điều này không chỉ “dán nhãn người già” cho chính bản thân, mà còn khiến người khác đối xử với mình theo hướng tiêu cực, kiểu “thông cảm bỏ qua”.
3. Tránh phân biệt và nói đùa người khác về tuổi tác của họ: Bạn đã bao giờ gửi thiệp chúc mừng cho người lớn tuổi? Nói chung, đối với những người lớn tuổi hơn mình, bạn không nên làm những so sánh hơn thua vì dù có thể người nghe không biểu lộ ý kiến tiêu cực nhưng trong suy nghĩ của họ thì những phiền muộn về tuổi tác lại càng được củng cố.
4. Lên kế hoạch cho nhu cầu chùm sóc khi về già: Hãy sẵn sàng với những thay đổi có thể ảnh hưởng cuộc sống của bạn khi về già. Điều này có vẻ mâu thuẫn với thái độ lạc quan, nhưng ngược lại, với việc đối mặt với thực tế, bạn sẽ có khả năng thích ứng chủ động và hiệu quả hơn.
5. Chịu khó sử dụng các thiết bị di động hiện đại: Bạn từng nghe một người trung niên hoặc người già phàn nàn về sự phức tạp của chiếc smartphone đời mới? Người cao tuổi thường hài lòng với chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” nhờ tính đơn giản của chúng. Nhưng như vậy, họ tự truyền đi thông điệp là họ đã già, không còn khả năng tiếp cận các xu hướng mới, khiến những người trẻ phải thông cảm. Thật ra họ ngại khó mà thôi. Nếu kiên trì để sử dụng thành thạo chiếc smartphone đời mới, họ bỗng trẻ hẳn ra.
6. Ứng phó với sự phân biệt tuổi tác: Có thể lúc nào đó bạn bị chê là già thì cũng đừng tỏ ra tiêu cực vì đó là một thực tế. Không cần phải tỏ thái độ với những hành vi châm chọc, mà khéo léo cho thấy năng lực làm việc và óc sáng tạo của mình, bạn sẽ khiến kẻ châm chọc thấy được sự dại dột trong cách hành xử.
7. Cưỡng lại sự cám dỗ của các sản phẩm đa cấp chống lão hóa: Nếu bạn không vui với ý nghĩ rằng mình đang già đi, bạn sẽ càng trở nên dễ bị tấn công trước những người rao bán các sản phẩm giúp “tìm lại tuổi trẻ”. Khi bạn không dễ bị tấn công nghĩa là bạn đang chấp nhận việc già đi mà không trở nên chán nản.
- Mai Ngọc theo Psychology Today