Sau hai tháng thực thi quyết định của chính phủ về việc dừng tuyển dụng lao động người nước ngoài, các doanh nghiệp của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Điều này đã tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp.
Tại Petaling Jaya, thành phố vệ tinh của thủ đô Kuala Lumpur, nhu cầu tuyển dụng công nhân nước ngoài trong ngành may mặc không thể đáp ứng với lượng công nhân ít ỏi, nhiều nhà máy không thể vận hành đầy đủ công suất hoặc phải tạm dừng hoạt động. Giới doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan của nước này đã không giấu được sự thất vọng khi khó khăn và thách thức nổi lên, đe dọa sự phát triển của họ.
Ông Low Kian Chuan, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc – Malaysia cho biết, sự “đóng băng” trong tuyển dụng lao động đã gây ra sự trì hoãn sản xuất trong một số lĩnh vực như sản xuất đồ nội thất. Nhiều nhà máy đã không thể nhận đơn hàng mới và đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn hàng hiện có. Điều này gây tổn hại cho hình ảnh của Malaysia với tư cách là một nước sản xuất đồ nội thất chất lượng cao và luôn giao hàng đúng hạn.
Các thành viên của Khu công nghiệp tự do và Hiệp hội các công ty bang Penang (Frepenca) cho biết họ đang xem xét cắt giảm đầu tư tại Malaysia do quyết định ngừng tuyển dụng lao động nói trên. Với tư cách là chủ tịch của hiệp hội gồm 70 công ty nội địa và các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ, châu Âu hoạt động trong lĩnh vưc bán dẫn và điện tử, ông Roland Mueller cho biết, lĩnh vực chế tạo phụ thuộc lớn vào lao động nước ngoài. Nếu thiếu lao động, các thành viên của Frepenca không thể thực hiện kế hoạch mở rộng sản xuất. Một số thành viên có thể cắt giảm đầu tư tại Malaysia để chuyển sang các nước láng giềng trong khu vực.
Trong khi đó, Hiệp hội các doanh nhân và nhà tư bản công nghiệp Malaysia (Perdasama) cho rằng vấn đề thiếu hụt lao động đã làm những người trong ngành hết sức lo lắng, đặc biệt là đối với lĩnh vực trồng trọt và chế tạo.
Theo cuộc khảo sát gần đây của Liên đoàn công nghiệp Malaysia (FMM) có đến 84% doanh nghiệp thành viên của liên đoàn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và nguy cơ thua lỗ tiềm tàng. Những người có tiếng nói trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang đề nghị chính phủ khẩn cấp xem xét lại chính sách này.
Cũng theo cuộc khảo sát, 49% doanh nghiệp thành viên của liên đoàn không có khả năng thực hiện các đơn hàng hiện có, 25% từ chối đơn hàng mới, 21% phải đóng cửa các dây chuyền sản xuất, 24% đối mặt với việc bị phạt do không đáp ứng được thời hạn giao hàng và 60% hoạt động dưới công suất.
Nhiều chủ doanh nghiệp trong cuộc điều tra đã than phiền rằng họ lâm vào tình thế bế tắc khi lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu của họ. Họ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài. FMM đã đề nghị chính phủ xem xét lại chính sách nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Wee Ka Siong cho biết ông đang thu thập thông tin từ nhiều nguồn, trong đó chú ý đến lĩnh vực sản xuất nội tại và sản xuất hàng hóa xuất khẩu vốn có nhu cầu lớn về nhân lực. Ông sẽ nêu vấn đề thiếu hụt lao động với Phó Thủ tướng Ahmad Zahid, người cũng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia.
L.Q (DNSGCT)