Giá cổ phiếu của Samsung Electronics, doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử hàng đầu Hàn Quốc, đã tăng hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 21/5 trước tình cảnh khốn khó của “người khổng lồ” viễn thông Huawei (Trung Quốc), trong đó có việc Google của Mỹ quyết định ngừng quan hệ với Huawei.
Google, “đai gia” cung cấp hệ điều hành Android cho hầu hết điện thoại thông minh trên thế giới, trong tuần này cho biết sẽ ngừng quan hệ với Huawei nhằm tuân thủ sắc lệnh do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra.
Động thái này có thể ảnh hưởng đáng kể đến người dùng điện thoại thông minh của Huawei, vì họ không còn quyền truy cập vào các dịch vụ độc quyền của Google, bao gồm các ứng dụng Google Maps và Gmail.
Các nhà đầu tư đánh cược rằng sự mất mát lớn này của Huawei có thể có lợi cho Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ đối thủ Trung Quốc. Việc đó giúp giá cổ phiếu của Samsung tăng 4,3% trong phiên giao dịch chiều 21/5 tại Seoul.
Ngoài ra, lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng của Huawei bán điện thoại bên ngoài thị trường Trung Quốc, qua đó mang đến cho Samsung cơ hội củng cố vị thế hàng đầu của doanh nghiệp này trên thị trường toàn cầu.
MS Hwang, nhà phân tích thuộc Samsung Securities, nói với tờ Bloomberg News: “Nếu bạn đang ở châu Âu hoặc Trung Quốc, và không thể sử dụng Google map (bản đồ điện tử) hay bất kỳ dịch vụ Android nào trên chiếc điện thoại thông minh Huawei, thì có nên mua nó hay không? Hay là bạn sẽ mua điện thoại thông minh của Samsung để thay thế?”.
Theo công ty theo dõi dữ liệu International Data Corporation, Samsung chiếm 23,1% trong tổng doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu trong quý I/2019, trong khi Huawei chiếm 19%.
Tuần trước, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, giúp chính quyền của ông có quyền cấm các công ty của Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông mua từ các công ty có thể gây ra mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Các chuyên gia phân tích cho rằng động thái này rõ ràng là nhằm vào Huawei.
Chính quyền Trump trong nhiều tháng qua đã tiến hành chiến dịch rầm rộ và quyết liệt trên toàn cầu nhắm vào Huawei của Trung Quốc, với cao trào là quyết định cấm các hãng hay công ty sản xuất Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho doanh nghiệp này, đồng thời cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị cùng dịch vụ của Huawei. Mặc dù Washington tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến giữa tháng Tám tới, nhưng tác động của các biện pháp chống Huawei đối với cả hai bên được dự báo là không hề nhỏ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi.
Việc Tổng thống Donald Trump liên tiếp đưa ra loạt biện pháp “cấm cửa” Huawei đã đẩy “cuộc đối đầu” giữa hai cường quốc lên một nấc thang mới. Từ mặt trận thương mại, căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục mở rộng tới lĩnh vực công nghệ, khi mà Trung Quốc ngày càng thể hiện là một “thế lực đáng gờm” trong lĩnh vực được đánh giá là nền tảng của sự đổi mới và sẽ giữ vai trò chi phối trong thế giới tương lai thời cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Giới phân tích cho rằng các biện pháp mới nhất của Mỹ trước hết nhằm kiềm chế “sự bành trướng” của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ xét về kinh doanh thuần túy, mặc dù có thể phần lớn người tiêu dùng Mỹ thậm chí không biết cách phát âm chuẩn tên Huawei, nhưng thương hiệu này đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và âm thầm trở thành một “ngôi sao đang lên” trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Với chiến lược công phá những thị trường mới, cung cấp các dòng sản phẩm với nhiều lựa chọn hợp lý về giá cả cho người tiêu dùng có thu nhập thấp, cũng như các dòng điện thoại cao cấp, Huawei đang chứng tỏ mình là một đối thủ cạnh tranh “nặng ký” trước những thương hiệu có tiếng như Apple và Samsung ở Trung Quốc và châu Âu. Theo hãng nghiên cứu IDC, trong quý I/2019, Huawei đã xuất xưởng 59 triệu điện thoại thông minh, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích dự báo, với một hệ điều hành Android bị tinh giản hóa chỉ còn lại những tính năng cơ bản nhất, người tiêu dùng có thể sẽ quay lưng với Huawei và chuyển sang sử dụng các dòng sản phẩm của các thương hiệu khác. Theo ông Ryan Koontz, nhà phân tích của thị trường chứng khoán Rosenblatt, Huawei đang phụ thuộc lớn vào các sản phẩm bán dẫn của Mỹ và chắc chắn sẽ bị tác động nghiêm trọng nếu thiếu nguồn cung linh kiện chủ chốt của Mỹ. Nếu tình huống này xảy ra, Huawei – vốn tự nhận là “một trong những đối tác toàn cầu lớn của Android” – có thể sẽ bị lùi một bậc trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn trên toàn cầu, xuống vị trí thứ ba sau “Trái táo cắn dở” Apple của Mỹ. Nhà phân tích Roger Entner nhận định: “Đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn đối với Huawei. Thay vì trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới trong năm nay, Huawei sẽ phải chật vật ở vị trí thứ hai, nhưng cũng có thể bị tụt lại phía sau”.