Một sự kiện nghệ thuật đình đám đang diễn ra tại Xưởng phim của Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội), nơi vừa qua nóng lên bởi vụ lùm xùm cổ phần hóa một đơn vị làm phim có bề dày lịch sử. Đó là nơi diễn ra cuộc hội ngộ sau 20 năm chia tay của nhóm năm họa sĩ được mệnh danh là “Gang of Five” với một triển lãm chung, có tên “Lạc bước tân kỳ” (Chancing Modern, từ 21-10 đến 19-11-2017).
Lần giở những trang lịch sử mỹ thuật vào thời kỳ Đổi mới của thập niên 1980, khi đó tại Hà Nội một nhóm năm họa sĩ trẻ tuổi độ đôi mươi là Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Phạm Quang Vinh đã gắn kết với nhau bằng tình bạn và những khát khao được bày tỏ cái tôi nghệ thuật của mình, khi mà những rào cản đầu tiên đối với các nghệ sĩ sáng tác đã được dỡ bỏ sau những năm tháng dài của cơ chế quan liêu, bao cấp, kìm hãm sự sáng tạo. Với cách nhìn và cách thể hiện mới mẻ, một tầm nhìn rộng mở tới tương lai và niềm hy vọng mãnh liệt của tuổi thanh xuân, tranh của họ không còn đi theo lối mòn của quá khứ, bị ràng buộc bởi những lý thuyết mỹ học máy móc, khô cứng thời kỳ Xô viết.
Triển lãm đầu tiên của nhóm được tổ chức vào năm 1990 nhưng đến năm 1993 với triển lãm chung tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hội Mỹ thuật Việt Nam), tranh của họ mới nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của dư luận, báo chí cũng như của giới phê bình. Từ triển lãm đó, nhóm được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đặt biệt danh hài hước là “Bè lũ năm tên”, rồi nhà thơ – dịch giả Dương Tường gọi bằng tiếng Anh là “Gang of Five”, đi cùng những bài viết của ông giới thiệu nhóm cùng tác phẩm của họ trên các báo, tạp chí xuất bản ở nước ngoài. Nhờ thành quả từ chính sách mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới của Việt Nam, “Gang of Five” sớm nhận được sự chú ý của giới sưu tập ở nhiều nước lúc bấy giờ đang bước đầu tìm đến với hội họa Việt Nam vẫn còn khép kín. Và nhóm đã nhận được nhiều lời mời triển lãm tác phẩm tại Hongkong, New York,… Đó cũng là lúc hội họa Việt Nam được đánh giá rất cao tại khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á (năm 1995, trong một số báo đặc biệt kỷ niệm 20 năm ngày ra số đầu tiên, tuần báo Asiaweek đã điểm lại những thành tựu nổi bật ở châu Á trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, đó là điện ảnh Trung Quốc, văn học Ấn Độ và hội họa Việt Nam).
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa (sinh năm 1959) có lẽ là người “bền” nhất trong hành trình đến với hội họa. Tranh anh được các nhà sưu tập nước ngoài đón nhận từ rất sớm, anh cũng là họa sĩ trong nước đầu tiên đến Mỹ giao lưu, sáng tác ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Từng giữ kỷ lục về giá tranh đối với một tác giả đương đại tại một phiên đấu giá tại nhà Sotheby’s Hongkong năm 2008, Đặng Xuân Hòa có tranh được đích thân Tổng thư ký Cơ quan năng lượng nguyên tử Liên Hiệp Quốc El Baradei mua và trưng bày trong phòng làm việc của ông tại trụ sở ở Vienna (Áo). Cùng tuổi với Đặng Xuân Hòa, họa sĩ Hà Trí Hiếu được biết đến với những tác phẩm biểu hiện đầy chất thơ, lấy cảm hứng từ cuộc sống nông thôn nghèo khó mà anh đã trải qua những năm tháng chiến tranh. Tranh Hà Trí Hiếu đã được triển lãm ở Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Hongkong (Trung Quốc) và nhiều nước châu Á. Trẻ nhất nhóm Gang of Five là Hồng Việt Dũng (sinh năm 1962) nhưng anh là một trong số họa sĩ có tranh bán được nhiều nhất. Tác phẩm của anh phần lớn là những khung cảnh thiên nhiên bảng lảng, mơ màng với một con thuyền bé xíu soi bóng trên mặt nước hồ thu, một con đường nhỏ hiu quạnh trên cánh đồng xa ngái, một cậu bé với chiếc lồng chim trong tay… Những bức tranh giản dị nhưng đẫm chất lãng mạn phương Đông được các nhà sưu tập và thị trường nước ngoài rất ưa chuộng.
Một khuôn mặt đặc biệt của nhóm Gang of Five là Trần Lương (sinh năm 1960). Rời bỏ hội họa giá vẽ, Trần Lương trở thành một nhân vật tiền phong của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, đặc biệt là với nghệ thuật trình diễn (performance art) với nhiều tác phẩm được giới thiệu rộng khắp trên thế giới. Anh còn là một giám tuyển có uy tín của nhiều triển lãm đương đại trong khu vực và quốc tế, đã dành nhiều thời gian và công sức hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đến với các triển lãm, sinh hoạt ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm của Trần Lương có trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng danh tiếng như Solomon R. Guggenheim (New York, Mỹ), Bảo tàng mỹ thuật Singapore, Bảo tàng mỹ thuật châu Á ở Fukuoka (Nhật Bản). “Kín tiếng” nhất trong nhóm là họa sĩ Phạm Quang Vinh, hiện là giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng. Không còn theo đuổi hội họa đã nhiều năm nay nhưng Phạm Quang Vinh vẫn góp mặt tại triển lãm “Lạc bước tân kỳ” cùng những người bạn nhóm Gang of Five đình đám năm xưa.
Ngoài các tác phẩm mới nhất của năm họa sĩ kể trên, triển lãm “Lạc bước tân kỳ” còn làm một cuộc hồi cố với hình ảnh, tư liệu về hành trình của Gang of Five từ khi thành lập cho đến lúc “tan hàng” vào năm 1996, quá trình sáng tác và những chặng phát triển của họ về mặt nghệ thuật. Đi cùng với triển lãm kéo dài gần một tháng là các tour giới thiệu nghệ thuật của họ với giám tuyển Lê Thuận Uyên. Trong ngày khai mạc triển lãm, có mặt nhiều nhân vật tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực sưu tập, nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Việt Nam hoặc có quan hệ thân thiết với mỹ thuật Việt Nam như David Thomas, Ian Findlay, Nora Taylor, Natalia Kraevskaia…
Cuộc triển lãm – hội ngộ lý thú này do phòng tranh Art Vietnam Salon với sự tài trợ của Quỹ Nhật Bản (Trung tâm châu Á), là một sự kiện nhằm đánh dấu những thành tựu của nhóm Gang of Five cũng như tôn vinh sự nghiệp của họ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Được biết, một vựng tập triển lãm sẽ được xuất bản với sự tài trợ của Viện Goethe Hà Nội và Nhà xuất bản ThingsAsian Press Hongkong.
- Như Hoa