Thông qua ứng dụng hoặc trang web FreightAmigo, người dùng có thể tìm kiếm để nhận báo giá theo thời gian thực, so sánh giá của các hãng vận tải khác nhau, có thể đặt chuyến vận tải và thanh toán trực tuyến.
Khi một nhà máy ở Trung Quốc muốn vận chuyển một container hàng hóa cho khách hàng ở nước ngoài, ví dụ ở châu Âu, bước đầu tiên thường bao gồm việc gọi điện thoại cho một vài công ty logistics (hậu cần) để nhận báo giá.
Người nhận cuộc gọi thường là một nhân viên kinh doanh bận rộn, ngồi trong văn phòng của một công ty vận chuyển hàng hóa nằm gần một trong những sân bay nhộn nhịp phía nam Trung Quốc. Nhân viên sẽ ghi lại các chi tiết và có thể mất nhiều ngày gọi điện thoại và email, qua các múi giờ, cho đến khi một lô hàng có thể được xác nhận.
Ivy Tse, một doanh nhân khởi nghiệp người Hong Kong, đã nhìn thấy cơ hội để “mang ngành logistics vào thời đại internet và điện toán đám mây”.
“Có một khoảng cách lớn giữa mong đợi của khách hàng ngày nay và cách phục vụ kiểu truyền thống như thế, điều đó liên quan đến dòng chảy thông tin chậm chạp và thiếu minh bạch”, Ivy Tse nói.
Ivy Tse hợp tác với Jimmy Chow, một nhân vật kỳ cựu với 40 năm kinh nghiệm quản lý trong ngành hậu cần đa quốc gia và chuyên gia tài chính Tyrell Siow, bộ ba đã đồng sáng lập một nền tảng (platform) đặt chuyến vận chuyển hàng hóa (một mô hình tương tự như công cụ đặt phòng Expedia) có tên gọi FreightAmigo tại Hong Kong vào năm ngoái.
Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng hoặc trang web để nhận báo giá theo thời gian thực và so sánh giá cả cho vận tải hàng không và đường biển từ các hãng khác nhau. Khi họ tìm thấy một lựa chọn phù hợp, họ có thể đặt và thanh toán trực tuyến. Nền tảng này cũng cung cấp dịch vụ bảo hiểm và theo dõi hàng hóa. Hiện nay, nó tạo ra hơn 40.000 báo giá mỗi quý, một khối lượng công việc mà một nhân viên làm việc thủ công cần đến khoảng ba đến bốn năm để chuẩn bị, Ivy Tse nói.
Quy trình trực tuyến này nghe có vẻ quen thuộc đối với khách du lịch đặt vé trên các nền tảng như Expedia, nhưng nó còn khá mới đối với lĩnh vực hậu cần, đang trong giai đoạn đầu đưa hoạt động truyền thống lên trực tuyến.
Theo một nghiên cứu của McKinsey & Co. vào năm ngoái, cứ 80 tìm kiếm liên quan đến lĩnh vực du lịch toàn cầu (trong năm 2017) thì chỉ có một tìm kiếm liên quan đến ngành logistics.
FreightAmigo không phải là công ty đầu tiên thử lấp đầy khoảng trống này. Công ty Flexport có trụ sở tại San Francisco là một trong những công ty tiên phong sớm nhất khi ra mắt dịch vụ vào năm 2013, và năm nay, họ đã huy động được 1 tỉ USD từ Quỹ Vision Fund của SoftBank và các nhà đầu tư khác bao gồm Founders Fund và tập đoàn logistics của Trung Quốc là SF Express.
Trong khi đó, Manbang Group – startup của Trung Quốc, một dạng Uber trong lĩnh vực vận tải – đã được định giá 9 tỉ USD theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc.
FreightAmigo hy vọng sẽ cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn bằng cách tận dụng vị trí của Hong Kong là trung tâm hậu cần khu vực kết nối các vùng khác nhau trên thế giới, trong khi các đối thủ cạnh tranh có thể có lợi thế lớn hơn ở thị trường nội địa của họ, theo nhà sáng lập Ivy Tse.
Ivy Tse cho biết FreightAmigo đang nhận được nhiều đơn hàng hơn từ các khách hàng Đông Nam Á và thậm chí cả châu Phi và họ cũng đang xem xét việc mở một văn phòng mới ở Thâm Quyến.
Các dịch vụ trực tuyến được cung cấp bởi những công ty logistics trên toàn cầu vẫn còn hạn chế, theo một báo cáo của McKinsey năm 2018. Chỉ có 6% các hãng vận tải biển và giao nhận hàng hóa lớn nhất thế giới cung cấp dịch vụ đặt chuyến trực tuyến và hơn một phần ba các hãng vận tải biển và 5% các công ty giao nhận hàng hóa thậm chí không có dịch vụ báo giá trực tuyến. Hơn nữa, hầu hết đều chỉ cung cấp báo giá trực tuyến và sau đó cần theo dõi bằng email hoặc cuộc gọi điện thoại, theo báo cáo của McKinsey.
Đối với FreightAmigo, thách thức lớn nhất để số hóa quy trình là chuẩn hóa thông tin phân mảnh trong ngành, Ivy Tse cho biết. Ví dụ, có đến hơn 1.500 loại phí liên quan đến lĩnh vực hậu cần.
“Team” của họ đã mất khoảng hai năm để xây dựng hệ thống trước khi ra mắt công ty vào quý IV năm 2018. Theo thông tin của công ty, nền tảng này hiện bao gồm 80% các tuyến vận tải biển của thế giới và vận chuyển 200 tấn hàng hóa mỗi tháng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra đã khiến ngành logistics chịu nhiều áp lực, với khối lượng hàng hóa giảm trên toàn cầu – và đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, FreightAmigo cho biết họ không cảm thấy nhiều tác động vì công ty đã tập trung vào thị trường châu Âu và Đông Nam Á ngay từ khi ra mắt dịch vụ.
“Các công ty logistics cũng đang tìm cách để có khách hàng mới và cắt giảm chi phí trong môi trường hiện tại, và thị trường giao dịch kỹ thuật số chính là một câu trả lời, Ivy Tse nói.