Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam trong quý I năm nay giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể hơn, tổng vốn FDI đăng ký trong ba tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 3,334 tỉ USD, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2013 (6,034 tỉ USD). Trong quý này, có 252 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký là 2,045 tỉ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 6% về lượng dự án và 38,6% về mức vốn đăng ký. Ngành công nghiệp chế biến vẫn là khu vực thu hút nhiều vốn FDI nhất với số vốn đăng ký đạt 2,33 tỉ USD, chiếm 69,9% tổng số vốn đăng ký. Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 543,2 triệu USD.
Hồi cuối năm ngoái, chỉ số biểu hiện mức tín nhiệm và sự kỳ vọng của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ đạt mức trung bình (50 điểm). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình trệ được giới doanh nhân châu Âu tại Việt Nam đã chỉ ra, bao gồm nạn tham nhũng, việc thực thi luật pháp một cách không đồng đều, những rắc rối về hành chính và tình trạng thiếu minh bạch.
Công nhân làm việc tại nhà máy Nidec Tosok, KCX Tân Thuận, TP.HCM
Những yếu tố khác ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư và dẫn đến sự suy giảm của FDI trong quý I-2014 còn bao gồm những tranh cãi xung quanh vấn đề giá chuyển nhượng, sự bất an về vấn đề pháp lý của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số khu vực kinh tế, sự yếu kém trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như những hình thức ưu đãi đầu tư không thích đáng.
Đánh giá về sự vắng mặt của các dự án lớn trong quý I-2014, ông Nicolas Audier – Ủy viên Ban điều hành Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam cho rằng suy thoái kinh tế trên toàn cầu có liên quan trực tiếp. Bên cạnh đó, tâm lý bất định về vấn đề pháp lý có thể vẫn tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam. Hai ví dụ về vấn đề này là vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) và cấu trúc PPP (hợp tác công tư). Mặc dù hình thức kinh doanh gián tiếp được Luật Đầu tư công nhận là một trong những kênh đầu tư chính nhưng Việt Nam vẫn thiếu một khuôn khổ pháp lý rõ ràng đối với M&A. Mặt khác, khuôn khổ pháp lý hiện nay không được vận dụng đồng đều trên cả nước nên các nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đầu tư gián tiếp vì quy trình cấp giấy phép thường rắc rối và tốn thời gian. Mô hình BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) có vẻ như đã lỗi thời và các nhà đầu tư đang chờ đợi những khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn đối với cấu trúc PPP. Bên cạnh đó, những cơ hội đầu tư ở các quốc gia láng giềng trong thời điểm nguồn vốn bị thắt chặt đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng ra khỏi Việt Nam.
Nhằm cải thiện tình thế, Việt Nam đã có những động thái tích cực, kịp thời. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 24-3, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định sẽ tăng cường giản lược những thủ tục cần thiết để quản lý khu vực FDI hữu hiệu hơn. Việc bãi bỏ giấy phép đầu tư cũng sẽ được thúc đẩy. Điều đó chứng tỏ Chính phủ quyết tâm tạo điều kiện tốt hơn để thu hút vốn FDI.
Vì vậy, Eurocham tại Việt Nam cho rằng FDI tại nước ta sẽ tăng trở lại trong năm nay.
Nguyễn Thắng