“Liên minh châu Âu (EU) cần nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo vệ biên giới trước dòng người nhập cư bởi lẽ châu Âu là một cộng đồng văn hóa với nền văn hiến cần được gìn giữ”, Chủ tịch EU Donald Tusk đã lên tiếng như vậy. Dù ông Tusk khẳng định người dân châu Âu không hề “siêu đẳng” hơn các dân tộc khác trên thế giới, nhưng lời phát biểu ấy cũng khiến người ta liên tưởng đến những câu tương tự của nhiều chính trị gia khác trên khắp Lục địa già ủng hộ việc đóng cửa biên giới và quay lưng lại với dòng người tỵ nạn đang đổ vào. Tại cuộc họp với Quốc hội châu Âu (Strasbourg, Pháp), ông Tusk cho rằng châu Âu là một cộng đồng văn hóa không hề tốt hơn hay kém hơn mà đơn giản là khác biệt với thế giới bên ngoài, do đó sự cởi mở và độ lượng không thể đồng nghĩa với việc từ bỏ nền văn hiến bản địa. Nói cách khác, EU có quyền và nghĩa vụ chú tâm đến những gì tạo nên sự khác biệt giữa văn hóa khu vực với các nền văn hóa khác trên thế giới, đó không nhất thiết phải là một cảm nhận siêu đẳng hơn mà là một sự tự hào đúng mức. Cũng theo ông Tusk, cuộc khủng hoảng nhập cư trong thời gian qua cho thấy nhu cầu cần thiết của EU trong việc tái lập một biện pháp bảo vệ hiệu quả biên giới trước những hành động quá khích của nhóm nước thứ ba đã tạo ra những bất ổn tại châu Âu và do đó đây là lúc để bảo vệ chủ quyền khu vực.
Suốt thời gian qua, châu Âu đã bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề người nhập cư. Những nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel với chính sách cởi mở với người tỵ nạn đang dần tỏ ra bảo thủ hơn trước. Còn những nhà làm luật cánh hữu thì không ngừng cảnh báo về việc cộng đồng Hồi giáo tỵ nạn đang đe dọa và làm xói mòn giá trị Thiên Chúa giáo của châu Âu. Điển hình cho phía chống đối là Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, vốn từng xây dựng hàng rào kẽm gai tại biên giới nước này hồi năm 2015 khi một lượng lớn người tỵ nạn chạy trốn chiến tranh và đói khát từ Trung Đông và châu Phi đổ vào châu Âu. Ông cũng từng lên tiếng chỉ trích dòng người tỵ nạn Hồi giáo là những kẻ xâm lược uy hiếp bản chất văn hóa của châu Âu.
Quan điểm ấy cũng được thể hiện tại Ba Lan, quê hương ông Tusk, nơi ông từng là thủ tướng. Ngay cả tại Đức và Áo cũng có sự gia tăng của nhiều đảng phái chống người nhập cư. Kể từ năm 2015 đến nay, số lượng người tỵ nạn đổ vào châu Âu đã giảm đáng kể, phần lớn nhờ vào thỏa thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Libya vốn bị nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế chỉ trích nặng nề về việc ngăn chặn người Libya lên tàu vượt biên sang châu Âu.
- Lâm Kiên theo AP