Tổ chức Oxfam cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác hoan nghênh quyết định của EU và cho rằng đây là lần đầu tiên các nước thành viên EU nhìn nhận tính tích cực của sự hỗ trợ ngân sách. Quan điểm này hình thành từ một kết quả nghiên cứu đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phổ biến, khẳng định những tác dụng tích cực của biện pháp hỗ trợ ngân sách tại ba nước Zambia, Tunisia và Mali. Theo OECD, cả ba nước trên đã đạt được những thành tựu quan trọng về giáo dục thể hiện qua sự gia tăng số người ghi danh học, sự tham gia học tập của phái nữ và sĩ số sinh viên đến từ các khu vực nghèo đói. TạiZambia, sự cải tiến nhiều dịch vụ y tế khiến các bệnh lao, sốt rét và tiêu chảy giảm xuống, đồng thời kìm hãm được mức tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh. Theo bà Catherine Olier, chuyên gia về phát triển của tổ chức Oxfam, sự hỗ trợ ngân sách giúp nước nhận viện trợ sử dụng ngân khoản theo đúng yêu cầu thực tế của họ như trả lương cho nhà giáo, bác sĩ, mua thuốc men để điều trị bệnh. Chuyên gia này cũng cho rằng không một phương thức hỗ trợ nào là không đi kèm với nguy cơ, nhưng qua nhiều cuộc nghiên cứu, thực tế cho thấy một điều tưởng chừng nghịch lý là sự hỗ trợ ngân sách đã ngăn chặn hữu hiệu tệ nạn tham nhũng. Nó không phải là một nghĩa cử vô điều kiện mà xuất phát từ những cuộc đối thoại về chính sách sao cho chính phủ nhận viện trợ thể hiện được tinh thần trách nhiệm đối với công dân của họ, đối với Quốc hội và tổ chức dân sự trong nước họ.
Thực phẩm viện trợ đổ xuống vùng Sừng châu Phi
Thực tế đã chứng minh nhận định của bà Olier là đúng. Theo kết quả thẩm định được tổ chức OECD công bố vào năm 2011, tại ba nước Tunisia, Zambia và Mali, hình thức hỗ trợ ngân sách góp phần cải tiến công tác kế toán, tạo được sự minh bạch trong tiến trình vận dụng ngân sách, tạo điều kiện cho những cải cách cần thiết trong khuôn khổ những cam kết mà các chính phủ và người dân nước họ cùng thỏa thuận. Tại hội nghị kể trên, các bộ trưởng đặc trách phát triển của EU cũng đã thông qua một dự án mới nhằm tăng cường sự phòng chống đói nghèo tại vùng Sừng châu Phi. Ở khu vực này, từ tháng 7-2011, trên 13 triệu người phải đối mặt với những hậu quả của nạn hạn hán. Để ngăn chặn sự bùng nổ của một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới, EU đã khởi xướng dự án “Hỗ trợ sự hồi phục của vùng Sừng châu Phi”, gọi tắt là SHARE (Supporting Horn of Africa Resilience). Với dự án này, tham vọng của EU là tạo bước chuyển biến từ sự hỗ trợ khẩn cấp sang tình trạng viện trợ phát triển lâu dài cho các nước trong vùng. Theo Natalia Alonso, Trưởng văn phòng quốc tế của Oxfam tại Brussels (Bỉ), dự án mới của EU là một bước đột phá, các nỗ lực không chỉ nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ em thiếu ăn, mà còn cho cả gia súc của cộng đồng, để khi cuộc khủng hoảng qua đi, người dân còn có phương tiện để tiếp tục cuộc sống. Phương châm của dự án là “thích ứng với hiện tại nhưng phải nhìn đến tương lai”. Hiện chưa có những dữ liệu cụ thể về ngân khoản hỗ trợ và mức độ ưu tiên của các đối tượng cần được hỗ trợ, song các nhà bình luận tin rằng với quyết tâm cao, EU sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh với nghèo đói của cộng đồng thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp