Từ năm 1994 đến nay, Duyên Dáng Việt Nam (DDVN) luôn là thương hiệu có sức hút, với chất lượng nghệ thuật lẫn giải trí đều được chăm chút ở mức cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, cũng chính vì tiêu chuẩn cao và sự dài hơi đó mà không ít lần DDVN tỏ ra đuối sức. Những chiến lược như đưa DDVN xuất ngoại hay đến các tỉnh thành khác xem ra vẫn chưa đủ hiệu quả. Sau lần trở lại sân chơi quen thuộc – Nhà hát Hòa Bình vào cuối năm 2011 chưa tạo được nhiều tiếng vang, DDVN đã tạm dừng trong một năm. Sự trở lại của DDVN 26 khá được chờ đợi, và sau hai đêm công diễn tại Nhà hát Hòa Bình (ngày 10 và 11-1) vừa qua, những ai chờ đợi cái mới đã có thể thỏa lòng.
Trong những mùa DDVN trước, cứ mỗi năm người ta lại chờ đợi để xem đạo diễn, ca sĩ nào sẽ được “chọn mặt gửi vàng” và cũng muốn đến nhà hát để xem các nhân vật ấy sẽ tung hứng như thế nào. Tuy nhiên, năm nay DDVN 26 được thực hiện bởi bốn ê-kíp riêng biệt. Những ê-kíp, dòng chảy nghệ thuật và phong cách riêng biệt đã mang đến nhiều gam màu khác nhau trên sân khấu DDVN 26, đồng thời giúp giới thiệu thêm khái niệm “Collaborative” vốn đã rất phổ biến trong nghệ thuật đương đại thế giới.
Dòng máu Lạc Hồng của Thu Minh
Từ hàng ghế khán giả, có những ý kiến nhận xét bốn phần của chương trình chưa được kết dính chặt chẽ. Tuy nhiên, đó là lấy tiêu chuẩn của hình thức dẫn chuyện theo chủ đề mà trước nay DDVN vẫn thực hiện để đánh giá. Ngay từ đầu chương trình, DDVN 26 đã thay phần giới thiệu chủ đề, dẫn chuyện thường thấy bằng video clip giới thiệu về các ê-kíp và các cá nhân chịu trách nhiệm cho mỗi phần. Với chủ đề khá rộng “Thương quá Việt Nam”, mỗi ê-kíp được tự do sáng tạo và thể hiện cái “thương” với lý do của riêng mình, theo cách của riêng mình. Như tổng đạo diễn Tất My Loan chia sẻ: “Tôi chỉ có nhiệm vụ là tập trung anh em và ráp nối các tiết mục lại với nhau”. Chính vì vậy có thể nói, DDVN 26 lần này là một sản phẩm tập thể nhưng lại mang đậm màu sắc cá nhân.
Phần 1 – Urban Dance Group (UDG): Phần một của chương trình được thực hiện bởi đạo diễn Linh Rateau, biên đạo múa John Huy Trần và thiết kế ánh sáng Phạm Hoàng Nam. Chương trình được mở màn với Bonjour Việt Nam của Thái Trinh, theo sau là saxophonist Trần Mạnh Tuấn, V.Music, Đức Tuấn và Hồ Ngọc Hà. Đây là phần khá đa dạng và nhiều màu sắc của chương trình, dẫn dắt người xem qua nhiều trạng thái cảm xúc: từ lắng đọng, vui tươi, lãng mạn cho đến sôi động, hiện đại. Cũng vì vậy nên các nghệ sĩ múa của UDG cũng có khá nhiều không gian để thể hiện. Phần 1 kết thúc khá hoàn chỉnh, nhưng sau khi xem xong ba phần trình diễn giàu bản sắc còn lại của cả chương trình, dễ nảy sinh suy nghĩ: giá như nội dung và cách thể hiện của phần 1 cô đọng hơn, sẽ để lại được ấn tượng rõ nét hơn trong lòng khán giả.
Phần 2 – Arabesque: Đạo diễn Tấn Lộc, biên đạo múa Tố Như, Ngọc Khải, Ngô Thanh Phương. Arabesque và đạo diễn Tấn Lộc đã quá quen thuộc với những người yêu nghệ thuật múa đương đại Việt Nam trong những năm gần đây với những vở diễn đẹp và giàu xúc cảm như Mộc, Sương sớm, Tíc tắc… Đạo diễn Tấn Lộc luôn cho thấy anh không chỉ chắc tay trong nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ múa mà còn vô cùng khéo léo khi tung hứng các yếu tố thị giác trên sân khấu. Và với những tìm tòi bấy lâu với các chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam, không khó để Tấn Lộc đưa cái hồn của cây lúa, của sông nước Nam bộ vào phần 2 của chương trình. Cảnh sinh hoạt và cuộc sống của những người nông dân Nam bộ được tái hiện sinh động trên sân khấu, chân thực nhưng không “thô”. Các biên đạo múa cũng rất khéo tay trong việc dàn dựng những bài múa hay nhưng vẫn đủ tiết chế để các ca sĩ có đất tỏa sáng. Và bối cảnh đó cộng với giọng ca ngọt ngào Hương Lan, Quang Linh và Elvis Phương đã mang đến cho người xem một cảm xúc trọn vẹn về Việt Nam hữu tình.
Sân khấu của phần 2 luôn rất đẹp
Phần 3 – The Propeller Group (TPG): Với đạo diễn Tuấn Nguyễn Andrew, biên đạo múa Alexander Tú và Hà Lê, hòa âm Thanh Bùi, TK ánh sáng Phú Nam và TK video Matt Lucero. TPG vốn là một production có tiếng và có chất, đặc biệt là đối với giới các nghệ sĩ độc lập. Được thành lập ra để thực hiện các dự án nghệ thuật thể nghiệm vượt ra khỏi ranh giới Việt Nam, TPG lần này mang đến cho DDVN một hơi thở mới, trẻ và hiện đại. Thành công của phần 3 là đưa được những tiết mục rap, beatbox từ đường phố, kết hợp với việc sử dụng những phương thức trình diễn thị giác vốn gặp nhiều hơn ở những sân chơi thể nghiệm lên sân khấu Nhà hát Hòa Bình mà không bị lai tạp hay đánh bóng, với điểm cộng lớn là những video clip rất đẹp và “chất” – vốn là thế mạnh của TPG. Tuy nhiên, từ những sân khấu thể nghiệm ra một sân khấu giải trí lớn là một khoảng cách không nhỏ. Có thể thấy TPG đã có nỗ lực để đến gần hơn với khán giả, thể hiện rõ nhất qua hai tiết mục Dòng máu Lạc Hồng và My cool Việt Nam. Tuy nhiên, với những khán giả đã quen với tiêu chuẩn dàn dựng của DDVN, TPG cần thêm thời gian để thuần thục hơn trong việc vận dụng các yếu tố của sân khấu. Và cuối cùng, vẫn có nhiều lý do để hy vọng và chờ đợi những dự án trên sân khấu ca nhạc tiếp theo của TPG sau lần chào sân này.
Phần 4 – Làng tôi: Với đạo diễn Tuấn Lê, đạo diễn nghệ thuật Maurice Lân, âm nhạc Nhất Lý, TK ánh Sáng Cyril Le Brojec và được trình diễn bởi Liên đoàn Xiếc Việt Nam. DDVN 26 lần này chỉ giới thiệu một trích đoạn của vở diễn Làng tôi. Vốn là vở diễn xiếc đã đạt được nhiều thành công cũng như nhiều giải thưởng quốc tế, Làng tôi đã nhận nhiều sự kỳ vọng từ khi chưa công diễn. Và cuối cùng, vở diễn đã để lại cho khán giả nhiều cảm xúc. Không tham lam trong phương thức kể chuyện, Làng tôi đơn giản, mộc mạc. Những gam màu nâu, màu vàng xuyên suốt từ đầu đến cuối kể câu chuyện về một ngôi làng, nơi những người dân nhỏ bé sống cùng nhau, một cuộc sống bình dị, giản đơn nhưng đâu đó đượm buồn. Và âm nhạc của phần này cũng hướng về những gam màu lắng đọng, xúc cảm hơn. Tuy là một phần rất hay và khác lạ trong toàn bộ tổng thể chương trình DDVN 26 nhưng tiết tấu và màu sắc của Làng tôi có phần hơi chậm và buồn để kết thúc chương trình.
Nhật Hà