Với rất nhiều học sinh phổ thông, giấc mơ vào Đại học Harvard (Hoa Kỳ) luôn hiện hữu. Bởi từ khi thành lập đến nay, Harvard luôn là đại học chiếm ngôi vị hàng đầu trong tất cả các bảng xếp hạng về chất lượng giáo dục trên thế giới. Nhưng quy trình tuyển sinh “khốc liệt” của đại học này đã làm chùn bước không ít các ứng viên. Vậy mà, vẫn có những học sinh Việt Nam thành công rực rỡ trong việc có được một học bổng trong ngôi trường danh giá này. Hãy cùng DNSGCT tìm hiểu về quy trình tuyển sinh của Đại học Harvard.
Đại học Harvard (Harvard University) là một trường đại học tư thục tọa lạc ở thành phố Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ và là một thành viên của Ivy League. Được thành lập ngày 8-9-1636 bởi cơ quan Lập pháp thuộc địa Massachusetts, Harvard là đại học lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở châu Mỹ. Nó cũng là tập đoàn đầu tiên tại Bắc Mỹ. Đại học Harvard bao gồm 10 trường con. Hiện nay, Harvard có chín khoa:
- – Khoa Nghệ thuật và Khoa học có phân khoa là Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng, phục vụ: Harvard College, đào tạo sinh viên của các chương trình cử nhân; Trường Cao học Nghệ thuật và Khoa học; Khoa “Tại chức”, gồm Trường Harvard Mở rộng và Trường Harvard Mùa hè.
- – Khoa Y, gồm Trường Y và Trường Nha.
- – Trường Thần học Harvard.
- – Trường Luật Harvard.
- – Trường Kinh doanh Harvard.
- – Trường Cao học Thiết kế.
- – Trường Cao học Giáo dục.
- – Trường Sức khỏe Cộng đồng.
- – Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy.
Trong số những nhân vật nổi tiếng nhất từng theo học ở Harvard có những chính khách Hoa Kỳ như Theodore Roosevelt, Franklin Roosevelt, John F. Kennedy, Al Gore, George W. Bush và Barack Obama; Toàn quyền Canada David Lloyd Johnston, các thủ tướng Canadia Mackenzie King và Pierre Trudeau; các tổng thống Mexico: Felipe Calderón; Carlos Salinas de Gortari và Miguel de la Madrid; Tổng thống Chilê Sebastián Piñera; Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos; Tổng thống Costa Rica José María Figueres; nhà tài chính Scott Mead; Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; Tổng thống Peru Alejandro Toledo; Thủ tướng Albania Fan S. Noli; Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon; triết gia Henry David Thoreau; các tác gia Ralph Waldo Emerson và William S. Burroughs, v.v…
Không ngồi chờ nhân tài tìm đến
Ông William R. “Bill” Fitzsimmons, Trưởng ban tuyển sinh của Đại học Harvard nhiều năm, đã cho tạp chí Business Week biết: “Tại Mỹ, hiếm có cuộc so tài nào gay gắt, khốc liệt như quy trình tuyển sinh của các trường đại học. Nhất là khi mỗi năm, số lượng học sinh tại các trường trung học “mạnh tay” hơn trong việc nộp đơn xin xét tuyển vào những đại học danh tiếng, mặc dù cơ hội rất mong manh. Trong lúc đó, bộ máy tuyển sinh của những trường đại học hàng đầu này cũng làm việc hết công suất để chọn ra những sinh viên ưu tú nhất – những người sẽ vinh danh và củng cố thêm uy tín lâu đời của trường. Bạn có nghĩ rằng danh tiếng lâu năm của Harvard sẽ tách trường này ra khỏi sàn đấu tuyển chọn khắc nghiệt? Chúng tôi làm việc thậm chí còn căng thẳng hơn”.
Mỗi năm, Harvard đã nhận được khoảng trên 20.000 đơn xin dự tuyển. Trường sẽ chỉ chọn khoảng 9% trong số đó.
Ông Fitzsimmons cho biết chiến lược “ba phần” trong kế hoạch tuyển sinh của trường.
Kỳ tuyển sinh của Harvard bắt đầu vào mùa xuân hằng năm, khi trường gửi mail đến cho hơn 70.000 sinh viên có điểm số xuất sắc, gợi ý họ nộp đơn vào ngôi trường danh tiếng nhất nước Mỹ này. Danh sách sinh viên được mua từ College Board – nhà tổ chức cuộc thi SAT và ACT Inc. – nhà tổ chức cuộc thi tuyển chọn đại học phổ biến ở miền Trung Tây. Fitzsimmons tự tin cho biết ông tìm được ở đây khá nhiều “viên ngọc sáng” mỗi năm, số này chiếm khoảng 70% lượng sinh viên vào học tại Trường Harvard.
Mỗi năm, ban tuyển sinh của Harvard đi khắp 140 thành phố ở Mỹ để tìm kiếm nhân tài. Không dừng lại ở đó, Harvard còn tự tổ chức nhiều chuyến đi đến hàng trăm nơi khác để tuyển chọn những gương mặt mới.
Giảng viên và giáo sư của trường cũng được huy động cho việc tuyển chọn. Ví dụ, khoa Toán đã vào cuộc bằng cách để mắt đến những đứa trẻ xuất sắc trong các kỳ thi tuyển môn toán.
Lực lượng 8.000 sinh viên tình nguyện cũng được tận dụng triệt để, nhiệm vụ của họ là nhận ra các hạt giống ưu tú và kéo các sinh viên này nhập hội. Và họ cũng tham gia phỏng vấn gần như toàn bộ các thí sinh dự tuyển.
Sau khi đã có được danh sách sơ tuyển, công việc khó khăn nhất mới bắt đầu. Fitzsimmons sẽ phân công những thành viên trong tổ sàng lọc lại hàng ngàn sinh viên trong danh sách hiện có. Mỗi đơn dự tuyển sẽ phải “đối mặt” với sáu thành viên trong ban tuyển sinh. Ngoài ra, Fitzsimmons cũng cầu viện đến sự giúp đỡ của các giáo sư trong việc chọn lọc số sinh viên có năng khiếu trong ngành học của họ.
Vào tháng Hai, các đơn xin dự tuyển sẽ được chia cho 20 phân ban tuyển sinh dựa theo vị trí địa lý (Ví dụ: các đơn của bang Indiana và Illinois sẽ thuộc trách nhiệm của cùng một phân ban). “Sau đó, chúng tôi đưa từng trường hợp dự tuyển ra thảo luận như trong một phiên tòa” – Fiztsimmons nói. Trong quá trình thảo luận, các phân ban sẽ bình chọn và những sinh viên nhận được số phiếu cao sẽ lần lượt được 35 thành viên trong hội đồng tuyển sinh xem xét.
Một khi quyết định cuối cùng được đưa ra, Fitzsimmons và ban tuyển sinh tiến đến bước thứ ba của kế hoạch: Dồn toàn lực thuyết phục số sinh viên đạt yêu cầu chọn Harvard là điểm dừng chân.
Hãy cho tương lai của mình thêm một cơ hội
Tôn Hà Anh, cựu học sinh lớp Anh Trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội, được nhận học bổng đặc biệt của Đại học Harvard, và Hà Anh vinh dự là một trong số ít sinh viên được đích thân giảng viên của trường ra đón tại sân bay.
GS-TS Chris Maltas trong một chuyến đến thăm gia đình Hà Anh tại Việt Nam đã cho biết: rất ấn tượng với bảng thành tích học tập cùng với những hoạt động xã hội của Hà Anh. Còn GS-TS Carolynn đặc biệt thích bài luận văn cuối kỳ của Hà Anh viết về cuốn sách Hãy để thế giới quay (Let the great world spin), trong đó tập trung vào biểu tượng “đi giữa hai tòa tháp đôi” nổi tiếng của Mỹ. Sau khi mô tả đan xen giữa lịch sử và văn học sự kiện sụp đổ tòa tháp đôi cùng sự khủng hoảng kinh tế hiện nay, Hà Anh rút ra bài học nhân văn: “Khi tòa nhà này đổ sẽ có tòa nhà khác mọc lên, thế hệ này đi qua sẽ có thế hệ khác đến. Vì vậy cần giữ vững niềm tin vào đất nước và cùng vượt qua khó khăn”. Một giáo sư đã nói: “Đọc bài của em khiến tôi thực sự sốc. Em đã đặt ra những điều mà tôi chưa hề nghĩ đến”.
Nguyễn Hương Quỳnh Trang – một trong những sinh viên châu Á xuất sắc nhất của Harvard cho biết: Mãi đến khi hạn cuối nộp đơn, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nộp đơn xin học ở Harvard bởi tôi nghĩ rằng điều đó là không thể; đó là trường đại học danh tiếng nhất thế giới với tỷ lệ nhận thấp một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng một ngày nọ, chỉ là để cho vui, tôi lên website của trường, lướt qua một lượt và trong một buổi chiều quyết định nộp đơn. Tôi phải thừa nhận rằng đó là một quyết định can đảm. Không có một công thức hay một lý do cụ thể cho việc nơi nào sẽ nhận bạn. Sự thật là tôi đã bị từ chối bởi hầu hết những trường “an toàn” với tỷ lệ nhận học sinh cao.
Quỳnh Trang nói về hồ sơ dự tuyển của mình: cố gắng làm đầy hồ sơ của bạn với những thành tích mới, những bài luận mới hoặc tài liệu nghiên cứu, những chứng chỉ bổ sung giúp bạn trở nên khác biệt so với các ứng viên khác. Những bài thơ, những đoạn băng ghi lại giọng hát của bạn… Hãy cố gắng làm cho nó mang dấu ấn cá nhân và đặc biệt nhất có thể.
Các trường đại học Mỹ rất thích sinh viên tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, bạn nên cố gắng làm những việc ngoài phạm vi nhà trường, khác thường và thật đặc biệt. Tôi đã ước là mình có thể chơi một nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn bầu chẳng hạn. Có thể hội đồng xét tuyển sẽ thực sự thích một nhạc cụ như thế được chơi trong trường của họ.
Tôi không có điểm SAT cao nhất hoặc viết được những bài luận hấp dẫn nhất. Có thể là có một điều gì đó ở tôi mà hội đồng xét duyệt yêu thích, một thứ gì đó mà tôi cũng không biết. Có thể sẽ “có điều gì đó” trong bạn như vậy. Vì thế, hãy gửi đơn xin học vào ngôi trường mà bạn mơ ước. Bạn chẳng mất mát gì khi cho tương lai của mình thêm một cơ hội.
V. Tiến, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh), đã nêu thắc mắc với đoàn học viên cao học Quản trị kinh doanh ĐH Harvard trong buổi gặp gỡ do Tổ chức Giáo dục Quốc tế EF tổ chức: “Nếu tôi thi chứng chỉ xét đầu vào đại học của Mỹ – SAT đạt 2.300 (tối đa 2.400 điểm) liệu có được chấp nhận vào ĐH Harvard?” – Trả lời thắc mắc của V. Tiến, Julia chia sẻ: Điểm SAT chỉ là một trong nhiều yếu tố đầu vào của ĐH Harvard. Những yếu tố khác cũng rất quan trọng là phải có kết quả học tập tại trường THPT thật tốt, bài luận vượt trội, những kỹ năng cá nhân, cũng như các hoạt động cộng đồng. Lưu ý là các trường đại học Mỹ rất quan tâm đến những hoạt động bên ngoài nhà trường của người học.
Để minh họa về việc viết bài luận, Julia kể kinh nghiệm vào ĐH Harvard của mình. Cô đã viết hai bài luận. Bài thứ nhất kể về việc đi học lớp nấu ăn với chủ đề “Làm sao chấp nhận cảm giác mình là người tệ nhất lớp?”. Bài luận thứ hai có chủ đề về kinh nghiệm sống ở Nhật (vì gia đình cô là người nước ngoài sống ở Nhật). Julia đúc kết: “Bài luận chính là chia sẻ những gì mỗi học sinh trải qua trong cuộc sống hơn là những hiểu biết mang tính học thuật, qua đó thể hiện cá tính của người đi học”.
June Odongo bổ sung: “Các trường ở Mỹ thích những câu chuyện. Bạn có thể kể những câu chuyện mà lúc nhỏ đã gặp, đã trải qua trong cuộc sống. Và bạn học được gì, có được kinh nghiệm gì qua những điều đã kể. Bạn đã mắc lỗi lầm gì và đã vượt qua như thế nào… Họ muốn biết cách để bạn hòa nhập vào môi trường mới”.
Wojtek Kubik cho biết các trường đại học Mỹ còn quan tâm đến việc sinh viên này thực sự đam mê gì, có thể cống hiến gì và có gì cho những sinh viên khác học hỏi, chia sẻ… Đó là những điều họ “để mắt” khi xét duyệt hồ sơ.
Còn bài luận đã góp phần đưa Trịnh Đức Minh, học sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam bước vào cánh cửa Harvard là viết về xe máy và vai trò của nó đối với con người Việt Nam.
Ý tưởng của bài luận bắt đầu từ một ngày Đức Minh bị kẹt trong một đám tắc đường vào giờ tan tầm và thấy rằng xe máy rất hữu ích trong việc giúp em nhanh chóng thoát ra được khỏi đám tắc đường đó.
Khi làm bài luận, các bạn nên nhớ, tiêu chí của Harvard là đào tạo ra những người lãnh đạo mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội. Lãnh đạo không có nghĩa là người kiểm soát, mà là những người lạc quan, có tư chất, có khả năng quan sát, phán đoán và khơi dậy khả năng của người khác để cùng đi lên.
Thiệu Nam tổng hợp