BS-CKI Nguyễn Phi Vân Cương – trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, hội chứng Trái tim tan vỡ (HCTTTV) có thể gây tử vong cho người mắc phải.
Tuy nhiên, hầu hết những người mắc phải hội chứng này phục hồi hoàn toàn. Theo tạp chí sức khỏe The New England Journal of Medicine tháng 9-2015, 90% người mắc hội chứng này là phụ nữ, ở độ tuổi thông thường sau 58 tuổi. Nhưng BS Cương chia sẻ, thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân đến phòng khám lại trẻ hóa hơn rất nhiều.
Đột nhiên khó thở, đau tim
Chị Nguyễn Thị Lam (29 tuổi, Đồng Nai) đến gặp bác sĩ trong tình trạng người khó thở, trong câu chuyện ngắn của chị khiến người đối diện cảm thấy mệt lây. Chị phải lấy hơi rất mạnh nhưng khí không vào sâu, thở hắt mạnh ra ngoài. “Cảm giác như khí chỉ vào được tới cổ họng thì chặn lại không thể vào phổi được nữa. Tôi đi khám tổng quát, bác sĩ kê đơn thuốc bị tắt phế quản. Nhưng vừa uống vừa xịt thuốc vẫn không có chút tác dụng. Đến bác sĩ tai mũi họng kiểm tra thì phổi bình thường, không nghe tiếng rò như bị hen, cơ chế bệnh của tôi cũng không phải bị hen suyễn. Bác sĩ khuyên tôi giảm căng thẳng sẽ thở được, ngưng các thuốc hỗ trợ thở để tránh nghiện, hơn nữa thuốc cũng không có tác dụng gì đối với các cơn thở của mình” – chị Lam chia sẻ.
Cố gắng làm bớt việc, thư giãn nhiều hơn nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, thậm chí “tôi còn không thể ngáp được một cái đàng hoàng, lúc nào cũng mệt mỏi, bơ phờ như người nghiện thiếu thuốc, không tập trung làm được việc, có khi không tự tin giao tiếp vì sợ tiếng thở của mình làm phiền người khác…” – chị Lam kể. Chính vì vậy chị tìm đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm tra.
Một bệnh nhân khác, bà Lý Thị K. (59 tuổi) vào viện khi thấy đau nặng ngực trái dữ dội, khó thở. Trước đó, bà không bị cao huyết áp, không tiểu đường, không bệnh tim.
Những biểu hiện bắt đầu xảy ra gần đây, “tôi thấy như mình bị stress nặng, bắt đầu khi đứa con trai duy nhất bị vợ bỏ. Tôi rất buồn…” – bà K. buồn tâm sự với bác sĩ.
Bệnh có liên quan đến bệnh tim
Theo bác sĩ Cương, đây là bệnh cơ tim gây ra do stress. Một tình trạng rối loạn chức năng thất trái tâm thu thoáng qua (vùng mỏm tim hoặc vùng giữa thất trái giảm co bóp).
“Bệnh nhân sẽ được làm các kiểm tra EKG (điện tim, điện tâm đồ) phát hiện ra những bất thường về nhịp tim và cấu trúc của tim. Siêu âm tim, X-quang ngực xem mỏm tim có to không? Tim có bất thường về hình dạng không và chụp mạch vành…” – bác sĩ Cương cho biết các bước để xác định hội chứng này.
Tuy nhiên, những bệnh nhân bị hội chứng này sẽ có triệu chứng giống nhồi máu cơ tim, cho nên cần chụp mạch vành. Khi chụp mạch vành kết quả không hẹp mạch máu sẽ loại trừ nhồi máu cơ tim.
Đặc biệt, qua tiếp xúc nhiều với các bệnh nhân mắc hội chứng này, theo bác sĩ Cương, bác sĩ cần cảm thông và chia sẻ với những tâm tư tình cảm của bệnh nhân là cách tiếp cận, điều trị bệnh tốt nhất. “Từ ngày có phòng khám chuyên gia của bệnh viện, cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân được dài hơn, qua các câu chuyện mình có hướng điều trị tốt hơn. Điển hình như trường hợp chị Lam, những biểu hiện khó thở của chị bắt nguồn từ ngày đám hỏi, rồi đến thời gian chuẩn bị cưới thì nặng hơn. Đến bây giờ, do cuộc hôn nhân mới sáu tháng nhưng đầy trúc trắc với chồng và gia đình chồng khiến chị căng thẳng, trầm cảm dẫn đến những triệu chứng khiến chị nghi ngờ bị bệnh tim” – bác sĩ Cương cho biết.
Tại phòng khám, có nhiều cô chú đến tái khám nhưng vui vẻ như là đi gặp người để trút bầu tâm sự. “Sự gần gũi, thân thiết của bác sĩ khiến khoảng cách với bệnh nhân được xóa bỏ, dễ chia sẻ hơn, yên tâm hơn” – bà Nguyễn Thị Kim Hương (54 tuổi, Q.9) cho biết.
Theo bác sĩ Cương, với HCTTTV, bệnh nhân cần cung cấp thông tin tiền sử trước đây có bệnh tim không. Bởi những bệnh nhân này thường không có triệu chứng về bệnh tim trước khi được chẩn đoán HCTTTV. Bác sĩ đồng thời cũng muốn biết bệnh nhân có trải qua những stress căng thẳng lớn gần đây không.
Bởi, những nguyên nhân chủ yếu gây ra hội chứng này bắt nguồn từ cảm xúc do ly dị, thất tình, mới chia tay người yêu, trầm cảm, rối loạn lo âu, người thân vừa mất, mắc bệnh hiểm nghèo, sự ngược đãi trong gia đình, mất quá nhiều tiền hoặc đột ngột thắng quá nhiều tiền (cờ bạc), phải thực hiện cuộc nói chuyện hoặc biểu diễn trước công chúng, mất việc… Hoặc do bệnh lý đợt suyễn cấp tính, chấn thương đầu, động kinh, tai nạn xe cộ, cuộc phẫu thuật lớn. Cũng có thể do một số thuốc điều trị suyễn cấp tính, điều trị trầm cảm, điều trị bệnh tuyến giáp…
Triệu chứng của HCTTTV rất giống nhồi máu cơ tim. Bất cứ triệu chứng đau ngực trái kéo dài, liên tục, và dai dẳng có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Nên bác sĩ khuyến cáo, đừng nên coi thường, lập tức đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng.
“Nếu là HCTTTV sẽ có một số biến chứng như phù phổi, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim… Và với những biến chứng này bệnh nhân có thể tự khỏi hay thông qua quá trình điều trị có thể phục hồi hoàn toàn từ 1-2 tháng. Hội chứng có thể tái phát nếu lại có stress khác” – bác sĩ Cương cho biết.
Trường Y tế Công cộng của Đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã thực hiện một nghiên cứu kiểm tra sức khỏe cho 26.000 người Mỹ trên 50 tuổi năm 2013. Kết quả tìm thấy, một người sẽ tăng nguy cơ chết sau ba tháng là 66% khi vợ/chồng người đó mất.
Vì vậy, “cuộc sống luôn luôn gặp những biến cố xảy ra không ngờ, cố gắng hạn chế những căng thẳng về tâm lý” – bác sĩ Cương khuyên.
Ngoài ra, bác sĩ Cương chia sẻ, bác sĩ và người thân cần áp dụng “bí quyết” CARE (C: Care – quan tâm đến bệnh nhân; A: Anticipate – thấy trước những gì bệnh nhân đang khó khăn, trăn trở; R: Responsibility – có trách nhiệm với bệnh nhân; E: Empathy – thấu cảm với bệnh nhân) để điều trị hội chứng này thành công.
- Lam Xuân