Đức Giáo hoàng Francis đầu tuần qua đã kêu gọi các nước nên tái xem xét luật di trú nhằm đón tiếp người tỵ nạn và giúp đỡ họ hòa nhập với xã hội và trở thành những cư dân hợp pháp tại đấy. Lời thỉnh cầu của Ngài đến vào đúng thời điểm có rất nhiều quốc gia tại châu Âu muốn đóng cửa biên giới đối với người di cư và tỵ nạn trong khi vấn đề tỵ nạn được xem là câu chuyện trường kỳ và nổi cộm trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Không chỉ tuyên bố trước đám đông tại Thánh đường Saint – Pierre nhân Ngày Hòa bình Thế giới (15-12) và lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng cũng sẽ được xuất hiện trong thông điệp thường niên gửi đến lãnh đạo các nước và nhiều tổ chức quốc tế bao gồm Liên Hiệp Quốc. Ngài nhấn mạnh rằng mối bận tâm đặc biệt nên được hướng đến nhóm người tỵ nạn và di cư bởi bỏ mặc họ sống trong sự thiếu thừa nhận sẽ dẫn đến các hành động tội phạm.
Trong chuyến đi được lên kế hoạch tới Mexico vào tháng 2-2016, Đức Giáo hoàng sẽ có một bài nói chuyện trước công chúng tổ chức ngay tại gần biên giới Mỹ nơi Ngài được kỳ vọng sẽ lên tiếng bảo về quyền lợi của người nhập cư. Giới chính trị gia tại Mỹ đã không ngừng bàn cãi về vấn đề nhập cư suốt nhiều năm qua, và gần đây nhất liên quan đến việc người Mỹ gốc Latinh đến Mỹ bất hợp pháp. Các thành viên thuộc đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2016 đang đưa ra rất nhiều kế hoạch nhằm hạn chế việc nhập cư trái phép. Trong đó, ứng viên dẫn đầu đảng Cộng hòa Donald Trump từng nhiều lần đe dọa trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp. Còn tại châu Âu, trong năm nay đã có đến hàng trăm ngàn người nhập cư và tỵ nạn tìm đến mảnh đất hứa này trong điều kiện rất hiểm nguy và nội bộ lục địa già đã đối mặt với nhiều mâu thuẫn tranh cãi về cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. Rất nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã yêu cầu bảng đề xuất do Đức dẫn đầu phải đặt ra hạn mức chấp nhận tối đa cho mỗi quốc gia đối với dòng người tỵ nạn. Hồi tháng 9 vừa qua, Đức Giáo hoàng Francis đã phải chính thức kêu gọi mọi tổ chức Công giáo, cộng đồng tín ngưỡng và nhà thờ trên toàn châu Âu phải chấp nhận các gia đình người tỵ nạn một cách vô điều kiện. Trong thông điệp đưa ra hồi tuần trước, Ngài cũng đã lên tiếng cảm ơn những ai đã nhanh chóng hồi đáp lời kêu gọi một cách không tính toán. Trong Ngày Hòa bình Thế giới được hơn 1,2 tỉ người theo đạo Công giáo trên toàn thế giới hưởng ứng, Đức Giáo hoàng đã đưa ra thông điệp mới trong 2016 chính là “Vượt qua sự vô tâm và đạt đến hòa bình”.
B. Trịnh theo Reuters (DNSGCT)