Vài tuần qua, nhiều người trong ngành du lịch khá thất vọng khi hầu hết các đề nghị nới lỏng visa mà Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch đưa lên Thủ tướng Chính phủ đã không được phê duyệt. Các đề xuất: Gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân năm nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý) với thời gian thực hiện chính sách miễn thị thực từ một năm lên năm năm, tăng thời gian lưu trú không cần thị thực nhập cảnh từ 15 ngày lên 30; miễn visa cho du khách từ 13 quốc gia chọn lọc đến Việt Nam theo tour trọn gói; mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam đều đã bị từ chối. Chính phủ chỉ gia hạn miễn thị thực thêm một năm, đến hết ngày 30-6-2017 cho công dân năm nước Tây Âu khi nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Ngoài ra, đề xuất về cấp thị thực tại cửa khẩu và cấp thị thực điện tử cũng chưa được đáp ứng.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước ngày càng gay gắt, quyết định trên rõ ràng sẽ tiếp tục kìm hãm ngành du lịch Việt Nam. Năm năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam luôn nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF – 2015, chỉ số “Yêu cầu về thị thực” của Việt Nam xếp thứ 119/141, xếp hạng gần chót Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố khiến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam xếp hạng 75, đứng sau Indonesia và Philippines.
Xét về hiệu quả từ chính sách miễn visa, trong chín tháng từ 7-2015 đến 3-2016, tổng lượng khách du lịch từ năm nước Tây Âu đến Việt Nam tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014 và 2015 (những năm trước đó mức tăng chỉ đạt khoảng hơn 5%). Tổng thu tăng thêm từ thị trường năm nước Tây Âu ước đạt hơn 171 triệu USD, gấp 15 lần số tiền thất thu khi miễn visa cho khách. Tuy nhiên số tiền này vẫn còn khiêm tốn khi chính sách đưa ra từng năm một bị đánh giá là không phát huy hết hiệu quả. Việc miễn visa ngắn hạn chủ yếu thu hút khách đi lẻ. Vì thế, các đơn vị lữ hành tổ chức khách đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi một chính sách dài hạn, ổn định. Nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế lớn cho biết, chỉ khi đề xuất kéo dài chính sách miễn visa của Bộ Văn hóa Thể thao – Du lịch được chấp thuận, các doanh nghiệp mới dám tăng cường quảng bá xúc tiến và xây dựng sản phẩm chuyên biệt cho các thị trường được miễn visa.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, một trong những lý do khách ngại lựa chọn điểm đến Việt Nam là do thủ tục làm visa phiền hà, phí đóng visa không thu đúng quy định. Theo quy định Nhà nước, phí làm visa chỉ có 25 USD, nhưng thực tế nhiều khách phải chi phí từ 75-100 USD. Do đó, khi chưa thực hiện được quy trình đơn giản hóa thủ tục hành chính thì giải pháp tốt nhất hiện nay là miễn visa để thu hút khách. Trên thế giới, việc miễn giảm visa đang trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu để các nước tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch. Điển hình như Indonesia từng thua kém Việt Nam trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch của WEF nhưng nay đã xếp trên Việt Nam 25 bậc nhờ chính sách visa cởi mở. Chỉ trong vòng hơn một năm qua, nước này đã mở rộng danh sách các thị trường được miễn thị thực từ 15 nước lên 169 nước.
- Cẩm Tú