Giáo dục đại học của Pháp là một trong những hệ thống giáo dục đa dạng và hiệu quả nhất trên thế giới. Quốc gia này có mạng lưới hơn 85 trường đại học tổng hợp, 224 trường kỹ sư, 220 trường thương mại và quản lý, 20 trường kiến trúc và 120 trường nghệ thuật, ngoài ra còn có hơn 3.000 cơ sở đào tạo, trường lớn hoặc viện đào tạo khác. Trong đó, 85 trường đại học công lập do nhà nước tài trợ có mặt trên khắp lãnh thổ Pháp. Các trường này cấp bằng quốc gia cho tất cả các cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và đào tạo tất cả các ngành học đồng thời đảm bảo cho sự đồng bộ về chất lượng giáo dục.
Chi phí du học Pháp
Nền giáo dục đại học và sau đại học Pháp áp dụng hệ thống chung của các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu – LMD. Hệ thống này được thiết lập để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình du học của sinh viên trong nội bộ châu Âu cũng như trên thế giới. Theo đó, các loại bằng và quá trình đào tạo được công nhận ở tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trên cơ sở một hệ thống tín chỉ chung có tên là Hệ thống chu chuyển tín chỉ (ECTS). Tín chỉ ECTS này có thể được tích lũy và chu chuyển trong trường hợp sinh viên theo học một lúc tại nhiều cơ sở đào tạo của châu Âu.
Khi du học ở Pháp, Nhà nước là bên chi trả cho toàn bộ các chi phí đào tạo tại các trường công lập, trung bình mỗi năm là từ 10.000 euro đến 14.000 euro một sinh viên. Trong đó, học phí năm học 2015-2016 tại các trường công lập là 184 euro đối với sinh viên theo học trình độ cử nhân, 256 euro đối với sinh viên theo học trình độ thạc sĩ, 391 euro đối với sinh viên theo học trình độ tiến sĩ, 610 euro đối với sinh viên theo học các trường đào tạo kỹ sư. Còn học phí tại các trường tư, đặc biệt là tại các trường thương mại cao hơn nhiều, từ 4.000 đến 30.000 euro một năm. Ngoài ra, sinh viên sẽ phải đóng thêm một số khoản cho các dịch vụ nhất định, chẳng hạn như phí ghi danh tại các trường tư là từ 1.500 đến 15.000 euro một năm.
Ở Pháp, sinh viên thường được hưởng một chế độ ưu đãi trong nhiều dịch vụ như giảm giá chi phí đi lại và các dịch vụ giải trí (rạp chiếu phim, viện bảo tàng…), nhà ăn sinh viên phục vụ những bữa ăn với giá phải chăng. Ký túc xá ở Paris có giá khoảng 450 euro một phòng mỗi tháng, còn ở các thành phố khác là khoảng 200 euro một phòng mỗi tháng. Chi phí thuê căn hộ trung bình hằng tháng là khoảng 500 euro. Ngoài ra, vào đầu tháng, sinh viên còn phải chi trả chi phí không nhỏ cho các dịch vụ: thuê bao điện, điện thoại, internet, đặt cọc, bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm xã hội…
Các nguồn học bổng du học Pháp
Hằng năm, Đại sứ quán Pháp cấp học bổng cho các thí sinh theo học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực khoa học chính xác, khoa học kỹ sư, kinh tế, quản lý, luật và khoa học chính trị. Đây là chương trình học bổng dành cho các sinh viên giỏi, điều kiện và hồ sơ được đăng tải trên website của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (www.ambafrance-vn.org) vào tháng 10 và kết quả được công bố vào tháng 4 hằng năm. Việc lựa chọn các thí sinh do một hội đồng chuyên gia tiến hành trên cơ sở chất lượng hồ sơ dự tuyển và một bài phỏng vấn với thí sinh. Sinh viên theo học trình độ thạc sĩ được hưởng 10 tháng học bổng. Sinh viên theo học trình độ tiến sĩ được hưởng 36 tháng học bổng và vé máy bay khứ hồi. Sinh viên hưởng học bổng của chính phủ Pháp được miễn học phí đồng thời được Đại sứ quán Pháp chi trả toàn bộ chi phí bảo hiểm y tế.
Sinh viên Việt Nam còn có cơ hội được nhận các học bổng từ Chương trình học bổng Eiffel do Bộ Ngoại giao và phát triển quốc tế cấp, nhằm đào tạo ra những nhà lãnh đạo quốc tế trong tương lai trong những ngành công cộng và tư nhân hoặc các lĩnh vực ưu tiên về nghiên cứu. Còn Bộ Giáo dục đại học và Nghiên cứu Pháp cấp học bổng cho sinh viên Pháp và một số nhóm sinh viên nước ngoài dựa trên một số tiêu chí về xã hội, chẳng hạn như những sinh viên sống tại Pháp từ ít nhất hai năm trở lên và có gia đình đóng thuế thu nhập cá nhân tại Pháp. Các hợp đồng tiến sĩ do các trường đào tạo tiến sĩ cũng do Bộ Giáo dục chi trả…
Trong khuôn khổ chương trình Erasmus+ của Liên minh châu Âu, sinh viên có thể được hưởng học bổng học tập tại Pháp hoặc một nước thành viên khác của Liên minh. Những chương trình này được tổ chức giữa hai hay nhiều trường đại học thuộc Liên minh để sinh viên được cấp một bằng đôi, bằng liên trường hoặc bằng chung. Học bổng này được cấp trong khuôn khổ các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ đa phương và các dự án đối tác đặc biệt.
Tại Pháp, lĩnh vực nghiên cứu nhà nước do các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức nghiên cứu nhà nước đảm nhận. Trong số đó, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) quản lý tất cả các lĩnh vực nghiên cứu; các tổ chức khác là các tổ chức nghiên cứu chuyên môn, chẳng hạn như trong lĩnh vực phát triển (IRD), nông nghiệp và phát triển (CIRAD), môi trường và quản lý năng lượng (ADEME), khai thác biển (IFREMER). Nhìn chung, các tổ chức này cấp các khoản hỗ trợ nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh và những người làm nghiên cứu sau tiến sĩ trong khuôn khổ đối tác với các vùng.
Hội đồng Vùng cấp học bổng cho sinh viên và nhà nghiên cứu tại các trường thuộc khu vực của mình. Phần lớn các vùng đều có các khoản hỗ trợ dành cho tiến sĩ và những người làm nghiên cứu sau tiến sĩ nằm dưới quyền quản lý của các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu. Vùng cũng thường xuyên tham gia đồng hỗ trợ với một tổ chức nghiên cứu hoặc một doanh nghiệp. Học bổng Vùng có thể được cấp cho sinh viên nước ngoài trong khuôn khổ các thỏa thuận trao đổi sinh viên với các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Một vài cơ sở đào tạo đại học cũng có chương trình học bổng dành cho sinh viên. Ứng viên có thể liên lạc với bộ phận quan hệ quốc tế của các trường này, nơi có thể cung cấp cho bạn thông tin về chương trình học bổng của các thể chế nhà nước. Một số trường khác xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản vay của sinh viên, trong đó có cả các khoản vay dành cho sinh viên quốc tế.
- Tường Lam (Theo thông tin từ Văn phòng chính thức của Đại sứ quán Pháp)