Bất động sản nước ta những ngày qua được truyền thông nhắc đến, qua những đánh giá đầy triển vọng và cả những rủi ro tiềm ẩn đối với giới đầu tư. Với những doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực này, kết quả bầu chọn từ các chuyên gia tại một hội thảo về tình hình bất động sản khu vực Đông Nam Á vừa diễn ra tại Singapore là một thông tin đáng khích lệ. Một số chuyên gia hàng đầu đã chia sẻ những hiểu biết của mình về thị trường địa ốc Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar và Việt Nam, sau đó bình chọn Việt Nam là thị trường sẽ có hoạt động tốt nhất trong năm 2016. Theo đó, nếu như trong quá khứ các chủ đầu tư tập trung vào Singapore hay các địa phương như Bangkok, Phuket (Thái Lan), Bali, Lombok (Indonesia) đã thành công trong việc thu hút người mua nước ngoài cho các dự án của họ thì điều này có thể thay đổi trong thời gian tới. Lý do là khách mua nước ngoài có thể nghiêm túc cân nhắc các sản phẩm bất động sản tại Việt Nam do được hỗ trợ mạnh từ chính sách. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã khiến người nước ngoài dễ dàng sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Phí nhập cảnh cho du khách nước ngoài cũng giảm xuống. Bên cạnh đó, niềm tin của thị trường đang ngày càng tăng cộng với những ảnh hưởng tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực trong tương lai. Theo ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành Alternaty – một công ty bất động sản chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn trong suốt vòng đời phát triển dự án, Việt Nam hiện đang cung cấp những cơ hội hấp dẫn nhất khu vực, trong khi các thị trường khác đang chịu những bất ổn nhất định. Chẳng hạn Singapore bị tác động bởi các biện pháp thị trường hơi quá tay, đồng tiền của Indonesia và Malaysia đang mất giá nhanh chóng, Thái Lan phải giải quyết các vấn đề nội bộ, còn Myanmar cũng đối mặt với tình trạng nguồn cung tăng nhanh tạo áp lực lên giá cả và giá thuê. Trong khi đó, nước ta vừa trải qua một giai đoạn khá dài khắc phục khó khăn và đã sẵn sàng để nổi lên trong vòng vài ba năm tới.
Dù đây chỉ là dự báo và cuộc bầu chọn không mang tính chính thống, nhưng cũng chứng minh được bất động sản nước ta còn nhiều tiềm năng để phát triển. Song song đó, dĩ nhiên là những cảnh báo không thừa về rủi ro. Ở đây là rủi ro đối với một phân khúc của thị trường bất động sản, nhưng cũng liên quan đến người nước ngoài và những tồn tại cần giải quyết. Tập đoàn tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới Cushman & Wakefield, trong tài liệu có tựa đề “Các thị trường biên sơ khai và thị trường mới nổi trên thế giới” năm 2015 công bố cuối tháng 10 vừa qua đã đưa ra đánh giá rủi ro và cơ hội đối với khách thuê văn phòng tại các thị trường hấp dẫn nhất thế giới ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Một số yếu tố được xem xét để xếp hạng các quốc gia có rủi ro trong thị trường bất động sản là sự minh bạch toàn diện của thị trường bất động sản, việc dễ dàng sở hữu bất động sản thương mại của các công ty nước ngoài, việc dễ dàng thuê bất động sản của các công ty nước ngoài; thời gian hoàn tất giao dịch… Theo đó, Việt Nam xếp thứ 35 trong tổng số 42 quốc gia được đánh giá, tụt 10 bậc so với bảng xếp hạng năm 2014. Những lý do chính khiến bất động sản Việt Nam mất điểm là việc sở hữu và phân bổ đất đai tại nước ta nằm dưới sự quản lý của Nhà nước, nên sẽ gây khó khăn hơn cho những nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào bất động sản và thúc đẩy giao dịch. Ngoài ra, do sự quan liêu, thủ tục nhiêu khê, chính sách thay đổi liên tục khiến cho các nhà đầu tư chần chờ và nản lòng… Bảng xếp hạng chỉ số rủi ro này xem xét các mối đe dọa và cơ hội trên phạm vi toàn cầu cho các doanh nghiệp nhắm vào thị trường bất động sản để giúp họ cân nhắc việc mở rộng hoặc di dời văn phòng, đồng thời cung cấp cái nhìn rõ hơn về những thị trường triển vọng nhất cho khách thuê trong năm 2016.
Các doanh nghiệp và các nhà hoạch định cũng không nên “sốc” với bảng xếp hạng này. Thay vào đó, cùng nhìn vào sự thật để thấy những tồn tại, cả về thị trường lẫn chính sách, để tháo gỡ và giúp bất động sản nước ta tăng hạng trong mắt nhà đầu tư. Cơ hội và thách thức đang song hành và niềm vui chỉ đến với những người cầu thị.
Hồng Thuận (DNSGCT)