Sau Chiến tranh thế giới thứ II, thỏa thuận Bretton Woods đã thiết lập chế độ bản vị vàng và đưa đôla Mỹ thành đồng ngoại tệ chủ chốt của thế giới. Hệ thống này đã sụp đổ từ cách đây 40 năm, nhưng cho đến nay, chưa có đồng tiền nào đủ khả năng thách thức vị thế của đồng tiền xanh trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Ngày 22-7-1944, đại diện của 44 nền kinh tế chủ chốt của thế giới đã họp tại thành phố Bretton Woods, New Hamsphire, Mỹ, quyết định gắn tỷ giá đồng tiền nước mình với đồng đôla Mỹ, đồng thời Mỹ định giá đồng tiền theo đơn vị vàng với giá trị một ounce vàng trị giá 35 USD.
Các nước tham gia cũng quyết định thành lập Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đặt nền móng cho hệ thống quản trị toàn cầu và chính thức đánh dấu sự thống trị của đồng tiền Mỹ trong hệ thống tài chính thế giới.
Hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ năm 1971 khi Tổng thống Mỹ Nixon quyết định rút khỏi chế độ bản vị vàng và thả nổi đồng tiền. Nhưng 70 năm kể từ khi ra đời, đồng tiền xanh vẫn chưa từng đánh mất vị thế của nó, mặc dù đang bị đối thủ thách thức quyết liệt.
Vụ việc Ngân hàng Pháp BNP Paribas mới đây đã thu hút sự chú ý và cả bực tức của thế giới về sự độc tôn của đồng đôla Mỹ. Bị cáo buộc giao dịch với các nước nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ như Syria, Sudan và Cuba bằng đồng đôla Mỹ, ngân hàng hàng đầu của Pháp đã bị Bộ Tư pháp Mỹ phạt một khoản tiền kỷ lục lên đến 9 tỉ USD.
Vụ việc này khiến cho giới lãnh đạo Pháp phản ứng mạnh mẽ. Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin cho rằng sự chi phối của đồng đôla Mỹ “khiến cho các doanh nghiệp của chúng ta nhiều khi đứng trước các rủi ro liên quan đến ngoại tệ mà lẽ ra có thể tránh được”, đồng thời cho rằng “chúng ta cần phải xem xét lại sức nặng của đồng đôla Mỹ và hậu quả của việc định giá (hàng hóa) gắn với đôla Mỹ khi điều đó đồng nghĩa với luật pháp Mỹ có thể áp dụng vượt quá biên giới nước này”. Ông Sapin cũng kêu gọi tăng cường sử dụng đồng euro làm đồng tiền giao dịch quốc tế.
Bộ trưởng Tài chính Pháp không phải là người duy nhất phản đối sự thống trị của đồng đôla Mỹ. Nhiều nước mới nổi và đang phát triển, nhất là Trung Quốc, đã cố gắng tránh dùng đồng tiền xanh để giao dịch thương mại.
Năm 2013, một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Singapore đã nhận định sự suy giảm kinh tế châu Á sau vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers tháng 8-2008 xuất phát từ nguyên nhân đóng băng tài trợ bằng đôla Mỹ, yếu tố “có vai trò then chốt đối với thương mại quốc tế tại châu Á. Không có tín dụng thì không có thương mại và không có sản xuất”.
Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích, sự ngự trị của đồng đôla Mỹ trong hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Đồng nhân dân tệ Trung Quốc chưa đủ khả năng thay thế nó.
Trong hơn 10 năm qua, đồng euro đã không thể làm suy yếu ma lực hấp dẫn của đồng tiền xanh. Hiện nay, Mỹ và thị trường chứng khoán phố Wall vẫn là trung tâm tài chính chủ yếu của thế giới. Các thị trường của nước này phát triển đến mức đủ sâu sắc và chắc chắn để cung cấp cho thế giới các loại cổ phiếu và trái phiếu hấp dẫn các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Phần lớn nguyên liệu, từ nông sản cho đến năng lượng, đều được định giá bằng đôla Mỹ và trên các sàn giao dịch của Mỹ. Ông Chiristophe de Margerie, Chủ tịch – Tổng giám đốc hãng Total, đã thừa nhận tại một cuộc hội thảo kinh tế tổ chức tại thành phố Aix-en-Provence đầu tháng 7 vừa qua, rằng không có gì cản trở thanh toán giao dịch trong lĩnh vực dầu khí bằng đồng euro: “Giá dầu thế giới được xác định bằng đồng đôla, nhưng một nhà máy lọc dầu có thể lấy mức giá này và sử dụng tỷ giá euro/USD để thanh toán bằng đồng euro”.
Trong lịch sử tài chính và tiền tệ thế giới, sức mạnh kinh tế và thương mại của một nước luôn luôn đi cùng với sự ngự trị của đồng tiền nước mình. Tuy nhiên, cũng phải chỉ ra những bất cập của hệ thống tiền tệ thế giới hiện nay, được sản sinh từ sau đống đổ nát của Chiến tranh thế giới thứ II, năm 1944, nhân Hội nghị Bretton Woods, và sự sụp đổ đầu những năm 1970.
Đầu tiên là việc chấm dứt chế độ chuyển đổi cố định từ đồng đôla sang vàng vào năm 1971, sau đó là sự phổ biến của tỷ giá dao động từ năm 1973, được quốc tế chính thức thừa nhận năm 1976 bằng các thỏa thuận tại Hội nghị tài chính toàn cầu Kingston, Jamaica.
Hội nghị này cũng giao cho IMF trách nhiệm giám sát tiền tệ thế giới. Kể từ đó, sự lên xuống của các đồng tiền đòi hỏi một sự định hướng. Công việc này trong một thời gian dài do diễn đàn bảy nước giàu nhất thế giới – nhóm G7 – đảm nhiệm với sự hài lòng tương đối.
Hiện nay, diễn đàn đã mở rộng thành G20 do một số nền kinh tế mới nổi, nhưng công việc cũng khó khăn hơn, nếu không nói là bất khả thi. Đã đến lúc mạnh ai nấy làm vì lợi ích của chính mình, bắt đầu của cuộc chiến tranh tỷ giá.
Thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính mới đây, năm 2009, đã làm le lói tia hy vọng về sự hình thành một hệ thống Bretton Woods mới. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề cập vấn đề này từ cuối năm 2008. Thế nhưng hệ thống cho đến nay vẫn vậy và đồng đôla Mỹ tiếp tục áp đặt luật chơi của mình. Với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, nhiều người cho rằng đồng nhân dân tệ hiện nay là đối thủ duy nhất có khả năng truất ngôi đồng đôla Mỹ.
Nhưng trên thực tế, đồng tiền Trung Quốc đang bị kiểm soát chặt chẽ và phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có khả năng chi phối thế giới. Trong lịch sử, sức mạnh kinh tế và sự ngự trị của đồng tiền của một nước trong hệ thống tài chính quốc tế thường có độ trễ nhất định, đôi khi khá dài. Kinh tế Mỹ vượt Anh từ năm 1872 và xuất khẩu vượt vào năm 1915, nhưng phải đến năm 1945 đồng đôla Mỹ mới phế truất được đồng bảng Anh và trở thành đồng tiền số một thế giới.
Theo một dự báo, GDP của Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới trong khoảng từ 5 đến 15 năm nữa. Bắc Kinh cũng đưa ra hàng loạt sáng kiến để chuẩn bị quốc tế hóa đồng tiền, nhưng với bước đi không quá nhanh để khỏi gây bất ổn.
Gần 30 ngân hàng trung ương, chủ yếu ở châu Á, bắt đầu đầu tư một phần dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ, và việc mua đồng nhân dân tệ chủ yếu được các nước coi là biện pháp cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế. Mua nhân dân tệ “không chỉ bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc, mà còn là hành động tượng trưng phản đối đồng đôla Mỹ”.
Tuy nhiên, cho tới nay, tỷ trọng dự trữ bằng tiền Trung Quốc trên thế giới vẫn còn rất nhỏ, khoảng 1%. Điều đó không khiến cho Bắc Kinh phật ý, mặc dù nước này vẫn ghen tỵ với những lợi thế của đồng ngoại tệ số một thế giới, chẳng hạn như việc nó có thể bù đắp thâm hụt thương mại khổng lồ của nước Mỹ.
Khác với đồng euro, đồng nhân dân tệ đã được chính trị hóa một cách tuyệt đối: với việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc thao túng đồng bản tệ bằng cách định giá quá thấp, nước này đã đẩy mạnh chinh phục thị trường, mở rộng thị phần nhờ hàng hóa xuất khẩu giá rẻ.
Nhưng chính khía cạnh này đã ngăn cản sự nổi lên của đồng tiền Trung Quốc trên bàn cờ thế giới. Bởi vì, nếu muốn đưa đồng tiền của mình thành một ngoại tệ chủ chốt thực sự, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có khả năng mua bán càng nhiều càng tốt, giống như đôla Mỹ. Đây không phải là ý định của Bắc Kinh, vốn vẫn muốn kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái và thị trường tài chính trong nước, hạn chế cả dòng tiền vào và ra.
Hiện tại, người nước ngoài gần như không thể đàm phán mua bán ngoại tệ trên thị trường chứng khoán Thượng Hải. Để truất ngôi đồng đôla Mỹ, Trung Quốc phải chấp nhận chiến lược để cho thị trường tự do, nhưng điều này chắc chắn vẫn còn rất xa.
- theo Les Echos – Tháng 7-2014