Tổ chức lại quản lý hoạt động FDI
Việt Nam có thể sẽ tổ chức lại hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện qua nội dung dự thảo đề án “Đánh giá thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài và định hướng đến năm 2020” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất và đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia.
Điểm chú ý trong dự thảo này là đề xuất về việc thành lập một ban chỉ đạo nhà nước về FDI, do một phó thủ tướng làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm phó ban và lãnh đạo một số bộ ngành là thành viên.
Phương án nói trên được đưa ra song song với một phương án khác dựa vào mô hình quản lý hiện nay là việc quản lý FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Cục Đầu tư nước ngoài quản lý. Tuy nhiên, điểm mới được bổ sung là tại các bộ ngành cũng sẽ có bộ phận chuyên trách về FDI để cùng tham gia công tác quản lý.
Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay tại các nước trong khu vực đang có hai mô hình quản lý về FDI.
Mô hình thứ nhất là không có tổ chức quản lý FDI riêng mà chỉ có hệ thống bộ máy quản lý chung cho cả trong và ngoài nước, như trường hợp Thái Lan hay Malaysia.
Ưu điểm của mô hình này là rõ ràng về quy trình, đơn giản về thủ tục, thống nhất quản lý nhiều đối tượng khác nhau trên cùng mặt bằng pháp lý và thực hiện nhất quán các định hướng thu hút vốn. Tuy nhiên, nhược điểm là cơ quan chịu trách nhiệm về hoạch định chính sách gặp nhiều khó khăn khi xem xét các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, vì có nhiều chủ thể khác nhau dẫn đến thiếu về thông tin và khó có sự điều chỉnh kịp thời cơ chế thực hiện hiện hữu.
Mô hình thứ hai là có tổ chức quản lý riêng về FDI, theo đó các hoạt động FDI từ khi hình thành đến triển khai dự án đều được thực hiện tại một cơ quan. Trong chừng mực, đây là mô hình mà Việt Nam đang áp dụng. Mô hình này giúp giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, tuy nhiên đòi hỏi sự tập trung quyền lực về một cơ quan. Tuy vậy mô hình này cũng có nhược điểm là do tách biệt hai hệ thống quản lý đầu tư trong và ngoài nước, có thể dẫn đến sự mất cân đối giữa hai dòng vốn đầu tư.
Thực trạng quản lý FDI tại Việt Nam hiện nay, theo thừa nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là “đang gặp nhiều khó khăn do những bất cập của mô hình này”.
Bản dự thảo đề án cũng nhận định “Thực tế hiện nay đang xảy ra tình trạng mọi vấn đề liên quan đến triển khai hoạt động của dự án FDI đều gắn trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư khiến cơ quan này quá tải về trách nhiệm nhưng hiệu quả xử lý thấp, không nắm vững và theo dõi được diễn biến triển khai của dự án. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành lại không thực hiện tròn chức năng, nhiệm vụ của mình”.
Sản xuất ở Công ty Sam Yang
Báo cáo hằng quý về kinh tế châu Á (Asian Economics Quarterly) của HSBC vừa công bố cho rằng năm 2013 có thể sẽ là một năm khó khăn nữa cho kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng GDP giảm tốc và khả năng trở lại của lạm phát hai con số trong bối cảnh nhu cầu thị trường bên ngoài tiếp tục yếu kém ở cả châu Âu và Mỹ.