Bất chấp các phản ứng lo ngại đã nổi lên trong hai ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm 13-8 đã lại giảm 1% tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng đôla Mỹ (USD), 1 USD chính thức đổi được 6,4010 NDT so với 6,3306 hôm 12-8.
Dù đã tiếp tục hạ giá đồng tiền lần thứ ba liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn cố gắng trấn an, khẳng định rằng “không có cơ sở” nào cho sự mất giá kéo dài và chính phủ sẵn sàng can thiệp trong trường hợp biến động quá mức.
Theo giới phân tích, khi quyết định giảm mạnh tỷ giá của đồng NDT, Bắc Kinh nhắm tới việc khôi phục năng lực xuất khẩu và nền kinh tế gặp khó khăn. Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 7% là mức thấp nhất trong hai thập niên qua và dự kiến còn suy yếu trong hai năm tới. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng lao dốc từ đầu tháng 6 vừa qua. Thế nhưng quyết định này đã khiến nhiều thị trường tài chính trên thế giới đồng loạt sụt giá, cũng như đẩy giá cả nguyên liệu đi xuống.
Nhiều tiếng nói đã vang lên, phê phán Trung Quốc khởi động một cuộc “chiến tranh tiền tệ” mới, thậm chí có tin cho rằng mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là đẩy cho đồng NDT giảm đến 10% giá trị.
Hãng tin MỹBloomberg tiết lộ là vào hôm 13-8, vài phút trước khi kết thúc các giao dịch ngoại tệ tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương đã ồạt thu mua USD nhằm ngăn chặn đà tuột dốc của NDT, bởi điều này có thể khuyến khích hiện tượng vốn chạy ra khỏi Trung Quốc cũng như làm chi phí nhập khẩu gia tăng và thổi phồng khối nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Việc phá giá đồng NDT ba lần liên tiếp lên đến 4,6% là mức cao nhất kể từ đầu năm 1994 đã làm chấn động các thị trường tài chính và nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng các nước lại có thể lâm vào một trận chiến tiền tệ nữa.
Chiến tranh tiền tệ là khi các quốc gia đua nhau phá giá đồng bạc của mình để tiền rẻ hơn thì hàng hóa xuất khẩu cũng rẻ hơn. Có thể nói đây là một hình thức cạnh tranh thương mại bất chính bằng công cụ tỷ giá để kích thích ngoại thương.
Việc Trung Quốc ban hành quyết định phá giá đồng bạc là việc bất ngờ vì cách nay hai tháng họ cố nâng giá để chặn đà tẩu tán tài sản ra ngoài và hy vọng đưa NDT trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến.
Thế rồi tuần qua có hai sự việc xảy ra khả dĩ giải thích động thái này. Thứ nhất là xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ hai là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra nhận định rằng đồng bạc Trung Quốc chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành ngoại tệ dự trữ.
Hiệu ứng domino các nước châu Á
Chính sách giữổn định tỷ giá đồng NDT so với USD mà Trung Quốc áp dụng từ đầu năm 2015 đến nay đối lập với những gì diễn ra ở châu Âu, Nhật Bản và các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Các nước này đều kết hợp giữa cắt giảm lãi suất và các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh tay khiến đồng nội tệ suy yếu, có lợi cho xuất khẩu.
Ngoài ra, nhiều nước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm tăng lãi suất đẩy đồng USD tăng giá, theo đó càng làm gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền của họ.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã không đi theo hướng của các ngân hàng trung ương khác. Giới phân tích cho rằng, việc Trung Quốc làm đồng NDT suy yếu có thể buộc các quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và giảm tỷ giá đồng nội tệ, gây tác động bất lợi cho láng giềng.
Trong bài phân tích hôm 12-8, nhật báo MỹWall Street Journal đã nêu bật tác động mà quyết định hạ giá đồng NDT đã gây ra với các láng giềng châu Á là một cú sốc đầy bất ngờ.
Đặc biệt, đối với ba nền kinh tế Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia và Việt Nam, hệ quả rất tức thời. Ngay sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng NDT, đồng ringgit của Malaysia đã giảm khoảng 2% giá trị so với USD. Với tỷ giá phải mất 4,0375 ringgit mới đổi được 1 USD, đồng tiền Malaysia đã ở mức thấp nhất kể từ khi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 đến nay.
Tương tự, đồng rupiah của Indonesia cũng rơi xuống mức của năm 1998, với 13.789 rupiah đổi được 1 USD, trong lúc đồng tiền Việt Nam thì giảm giá 1%, tuột xuống mức 1 USD/22.040 VNĐ.
Ngoài ba nước trên, Wall Street Journal cũng ghi nhận tình trạng mất giá của đồng won Hàn Quốc, giảm khoảng 2,3% so với USD, đồng rupee của Ấn Độ cũng mất khoảng 1,6%, xuống mức thấp nhất trong gần hai năm nay. Đồng đôla Úc, yen Nhật Bản cũng bị sụt giá.
Tình trạng đồng tiền quốc gia bị sụt giá đã gây nên một sự bấp bênh mà các nước liên quan cần nhanh chóng ổn định. Malaysia cũng lập tức hủy bỏ cơ chế gắn đồng ringgit vào USD mà họ đã duy trì trong suốt bảy năm qua. Tại Indonesia, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng ra thông báo khẳng định các nỗ lực đang thực hiện đểổn định đồng rupiah.
Hàn Quốc được cho là quốc gia sẽ đối mặt với áp lực căng thẳng nhất trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ sau động thái của Trung Quốc. Nước này đang cạnh tranh mạnh với Trung Quốc trong việc xuất khẩu nhiều mặt hàng từ điện thoại di động giá rẻ tới các sản phẩm khác. Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm nay đã gây thất vọng và chính phủ nước này đã dựa vào cắt giảm lãi suất và đồng won yếu để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhân dân tệ mất giá mạnh cũng có thể gây thiệt hại cho các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên vật liệu thô và hàng chế tạo sang Trung Quốc. Những nước xuất khẩu lớn các mặt hàng đậu tương, than, nickel, và quặng sắt như Brazil, Australia và Indonesia có thể sẽ phải chứng kiến nhu cầu của Trung Quốc đối với các mặt hàng này giảm sút.
Theo các chuyên gia, sau khi đã tung những biện pháp kích thích tiền tệ chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ tăng trưởng, Nhật Bản và châu Âu hiện tại ít có khả năng có thêm hành động làm suy yếu đồng tiền. Tuy vậy, những dấu hiệu của sự giảm tốc tăng trưởng ở Trung Quốc có thể gây thách thức cho cả hai nền kinh tế này, nhất là đối với Nhật – quốc gia coi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ nhì.
Điều gì sẽ xảy ra với doanh nghiệp Trung Quốc
Việc đồng NDT bất ngờ bị phá giá có thể sẽ khiến doanh nghiệp Trung Quốc thiệt hại nhiều tỉ USD trong bối cảnh nợ nần chồng chất và nền kinh tế giảm tốc.
Theo tờWall Street Journal, mấy năm qua, lãi suất toàn cầu ở mức siêu thấp và tình trạng thắt chặt cho vay trong nước đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài vay vốn để được hưởng mức lãi suất “mềm” hơn.
Từ năm 2010, các công ty Trung Quốc, từ các tập đoàn dầu lửa quốc doanh khổng lồ cho tới các công ty địa ốc khát vốn, đã đua nhau vay nợ bằng đồng USD. Khi đồng NDT tăng giá, gánh nặng nợ nần đối với những con nợ này vơi bớt.
Nhưng giờ đây, sau khi đồng NDT bị phá giá liên tục khiến các doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ bằng ngoại tệ sẽ phải mất nhiều tiền hơn để đổi sang tiền nước ngoài phục vụ cho việc trả nợ.
Dữ liệu từ hãng nghiên cứu Dealogic cho thấy, tổng dư nợ USD của các công ty Trung Quốc, bao gồm nợ trái phiếu và các khoản vay, hiện ở mức 367,7 tỉ USD. Trong vòng năm năm tính đến hết năm 2014, lượng trái phiếu USD phát hành mới của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng năm lần lên 135 tỉ USD.
Các công ty địa ốc là đối tượng vay nợ mạnh nhất ở thị trường nước ngoài. Để hạ sốt bất động sản, cho tới tận thời gian gần đây, Bắc Kinh đã cấm nhiều công ty địa ốc huy động vốn tại thị trường trong nước, hoặc chỉ được vay với lãi suất cao, buộc các doanh nghiệp này phải tìm nguồn vốn ở nước ngoài.
Hiện dư nợ trái phiếu USD trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ở mức 62,5 tỉ USD.
Khi NDT giảm giá, những doanh nghiệp Trung Quốc có tỷ lệ nợ ngoại tệ cao đối mặt nguy cơ bị đánh tụt điểm tín nhiệm. Với điểm tín nhiệm sụt giảm, các công ty này sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn cho những đợt huy động vốn tiếp theo, thậm chí lâm cảnh vỡ nợ vì không vay được vốn mới để thanh toán nợ cũ.
Country Garden, một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Quảng Châu cho biết có thể báo lỗ 1,1 tỉ NDT nếu đồng tiền này mất giá 5% so với đồng USD.
Các hãng hàng không Trung Quốc chịu thiệt hại sớm nhất sau động thái phá giá đồng NDT. Do vay nợ chủ yếu bằng USD, đồng NDT mất giá sẽ làm gia tăng số nợ này khi quy đổi làm ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính năm 2014 của China Southern Airlines, cứ 1% giảm xuống trong tỷ giá đồng NDT kéo theo mức giảm 767 triệu NDT, tương đương 121 triệu USD, trong lợi nhuận hằng năm của hãng này.
Vậy thì ai được lợi trong việc NDT giảm giá? Đương nhiên là các nhà xuất khẩu của Trung Quốc nói chung được hưởng lợi.
Giá cổ phiếu của tập đoàn chế tạo máy China Machinery Engineering Corp. tăng tới 5,9% trong phiên ngày 11-8 tại thị trường Hongkong, trong khi cổ phiếu hãng công nghệ Lenovo tăng 2,9%. Hai công ty này đều có hơn 65% doanh thu là từ thị trường xuất khẩu.
Mấy năm qua, xuất khẩu ôtô của Trung Quốc giảm tốc do đồng yen Nhật và đồng won Hàn Quốc cùng xuống giá làm gia tăng sức cạnh tranh về giá của xe do hai nước này sản xuất. Bởi thế, đồng NDT yếu sẽ là một tin tốt đối với lĩnh vực xuất khẩu xe của Trung Quốc.
Các công ty hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đương nhiên cũng hưởng lợi từ động thái phá giá đồng NDT. Hàng của họ sẽ có giá rẻ để thâm nhập mạnh hơn khắp các thị trường.
Theo giới quan sát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát các động thái phá giá đồng tiền nhằm tìm đúng điểm cân bằng, vừa hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, lại vừa hạn chế rủi ro đồng NDT giảm giá quá mạnh khiến các đồng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc.